Video: Lê Nhung

Mải miết mưu sinh quên lấy chồng

Bà Võ Thị Tư (79 tuổi) sống cùng em gái Võ Thị Nguyệt (72 tuổi) tại số 1 đường 16, ấp Hậu, xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi, TPHCM. Cả hai trú ngụ trong căn nhà chắp vá đơn sơ, vật dụng đơn giản được bài trí gọn gàng.

W-ảnh 7   hai chị em không lấy chồng.jpg
Bà Tư (bên phải) cùng bà Nguyệt xâu mành trúc kiếm sống. Ảnh: Lê Nhung

Cha mẹ bà Tư mất sớm để lại 5 người con nheo nhóc. Nhưng rồi, 2 trong số 5 người cũng lần lượt qua đời, chỉ còn chị em bà Tư và 1 anh trai.

Từ nhỏ, chị em bà Tư đã quen cảnh thiếu trước hụt sau. Để có miếng cơm manh áo, 2 người buộc phải tự lập, làm thuê làm mướn.

Bà Tư chia sẻ: “Ngày đó, nhà tôi nghèo và cực khổ lắm. Chúng tôi chỉ biết làm việc chẳng quản ngày đêm. Hết bắt cá, hái rau thì chuyển qua làm mướn cho người ta.

Ngoảnh lại một cái đã thấy mình gần 40 tuổi, hết dám tính chuyện chồng con. Em gái giống hệt tôi, lo làm, không nhìn ngang ngó dọc nên có anh nào để ý đâu”.

W-ảnh 13   hai chị em không lấy chồng.jpg
Bà Nguyệt kiểm tra lại mành trúc trước khi đem giao. Ảnh: Lê Nhung

Chăm chú nghe chị gái chia sẻ, bà Nguyệt cười rồi tiếp lời: “Hồi đó, ai kêu gì làm đó, mong có tiền. Tôi không nghĩ nhiều đến chuyện lấy chồng, chỉ biết làm và làm. 

Nếu biết về già hiu quạnh như vầy thì lúc đó, tôi ưng anh làm chung là giờ con đàn cháu đống rồi”.

Cùng cảnh không chồng, hai bà động viên, nương tựa nhau qua tháng năm. Đến tuổi gần đất xa trời, họ không còn nghĩ đến chuyện chồng con nữa.

Anh trai của hai bà có gia đình riêng, hoàn cảnh chẳng mấy dư dả. Các cháu cũng phải làm thuê đủ nghề nhưng không đủ ăn.

Cố gắng lắm, họ mới cất cho 2 bà một mái nhà vừa vặn che nắng, tránh mưa.

W-ảnh 1   hai chị em không lấy chồng.jpg
Bà Nguyệt vui với thành quả lao động của 2 chị em. Ảnh: Lê Nhung

Mong bữa cơm có thịt cá

Không trông cậy vào người thân, 2 bà túc tắc mưu sinh. Trước đây, 2 bà làm vườn thuê cho bà con trong vùng. Công việc vất vả nhưng thu nhập ổn định, không phải lo cái ăn. 

Khoảng 2 năm nay, bà Tư yếu dần, thường xuyên đau nhức, không thể cuốc đất, nhổ cỏ thuê… Vì vậy, 2 bà chuyển sang nhận mành trúc về nhà gia công. 

Tuổi cao mắt kém, mỗi ngày, 2 bà xâu được 25 – 30 sợi dây trúc, mỗi sợi được trả công 300 – 400 đồng. 

Làm được 100 sợi, bà Nguyệt chở qua xưởng để nhận 40 nghìn đồng tiền công. Số tiền kiếm được mỗi ngày dao động khoảng 10 nghìn đồng. 

W-ảnh 8   hai chị em không lấy chồng.jpg
Làm đủ 100 sợi mành trúc, bà Nguyệt lại đạp xe đi giao cho xưởng. Ảnh: Lê Nhung

Hai bà tiếp xúc với nghề làm mành trúc từ ngày còn trẻ. Thế nên, khi bắt tay làm lại nghề cũ, cả hai cảm thấy không mấy vất vả. Tuy nhiên, thu nhập tính theo sản phẩm nên không được bao nhiêu.

Dù túng thiếu nhưng bà Tư vun vén khéo, không ra chợ mà chỉ ra đầu ngõ mua ít cá về kho mặn. Nhưng vì kiếm được đồng nào tiêu luôn đồng đó, nên 2 bà lo lúc bệnh tật chẳng biết xoay ở đâu.

Mỗi ngày, hai người đều làm từ sáng tinh mơ đến nhập nhoạng tối mới nghỉ tay ăn cơm. Họ cứ cố gắng thêm được vài sợi thì nhanh nhận tiền công, bữa cơm có chút thịt cá.

Hình ảnh 2 bà ngồi trước cửa nhà miệt mài xâu từng sợi trúc đã quá quen thuộc với bà con trong ấp Hậu. 

Thương 2 bà, hàng xóm sang chơi và phụ xâu mành trúc. Nhờ vậy, 2 bà có người trò chuyện khuây khỏa và nhanh đủ số lượng để giao cho xưởng. 

Biết cảnh 2 bà neo đơn, chính quyền địa phương và chủ xưởng mành trúc thỉnh thoảng biếu chút quà bánh, mắm muối, gạo ngon… Bà con lối xóm thương yêu, có gì ngon cũng mang sang cho 2 bà ăn cùng.

W-ảnh 9   hai chị em không lấy chồng.jpg
Bà Tư lo lắng lúc bệnh tật không tiền chạy chữa. Ảnh: Lê Nhung

Bà Võ Ngọc Ánh, Bí thư Chi bộ ấp Hậu, xã Tân Thông Hội, cho biết: “Cả ấp này đều biết đến hoàn cảnh khó khăn, đơn chiếc của chị em bà Tư. Dù tuổi cao nhưng 2 bà vẫn mưu sinh bằng nghề xâu mành trúc. 

Xưa vì gia đình khó khăn, 2 bà lo làm, cặm cụi từ sáng tới khuya. Suốt bao năm như thế, 2 bà quên luôn chuyện lập gia đình”.

W-ảnh 12   hai chị em không lấy chồng.jpg
Cả hai tranh thủ làm đến khi trời nhập nhoạng tối. Ảnh: Lê Nhung

Cả ấp không chỉ biết cuộc sống của 2 bà khó khăn mà còn quý mến, nể phục tình chị em của hai người. 

Sống cùng nhau bao năm, xóm làng chưa từng nghe họ cãi vã to tiếng. Chị nhường em miếng ngon, em kính trọng, vâng lời chị gái.

Ở tuổi xưa nay hiếm, 2 bà chỉ lo chẳng may người kia mất trước thì người ở lại cô quạnh sớm chiều. Bởi vậy, họ trân trọng từng ngày còn được ăn chung bữa cơm, đêm ngủ có người bầu bạn.