Tại tỉnh Hải Dương, 4 huyện Cẩm Giàng, Gia Lộc, Nam Sách và Kim Thành đang trong quá trình phấn đấu về đích huyện nông thôn mới nâng cao vào năm 2025. Tuy nhiên, các huyện này đều đang gặp khó khăn về thực hiện tiêu chí môi trường. 

Theo báo cáo kết quả rà soát, đánh giá của Sở Tài Nguyên và Môi trường tỉnh Hải Dương, huyện Cẩm Giàng đã đạt 5/8 chỉ tiêu, tiêu chí về môi trường theo Bộ tiêu chí huyện nông thôn mới nâng cao. Những chỉ tiêu, tiêu chí về môi trường mà huyện này chưa đạt chủ yếu liên quan đến việc xử lý, phân loại rác. Hiện tại, tỷ lệ phân loại rác thải rắn sinh hoạt tại nguồn của huyện mới đạt 37,1%.

Ảnh màn hình 2024 11 09 lúc 23.01.52.png
Các huyện đang gặp khó khăn về thực hiện tiêu chí môi trường.  

Ông Nguyễn Khắc Nghĩa, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Cẩm Giàng cho biết, hơn 2 tháng qua, huyện đã tập trung giải quyết nhanh gọn hầu hết tiêu chí, chỉ tiêu về môi trường chưa đạt mà báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường đã chỉ ra. Hai bãi chôn lấp rác thải ở xã Cẩm Văn đã đóng cửa hoàn toàn. Huyện cơ bản hoàn thành cải tạo hạ tầng cho 2 điểm tập kết rác thải sinh hoạt tại các xã Cao An, Cẩm Đông; hoàn thành ban hành đề án kiểm kê, kiểm soát, bảo vệ chất lượng nước, phục hồi cảnh quan, cải tạo hệ sinh thái ao hồ và các nguồn nước mặt trên địa bàn huyện...

Phấn đấu, đến cuối năm nay, tất cả các xã, thị trấn của huyện Cẩm Giàng có ít nhất 80% số hộ thực hiện tốt việc phân loại rác thải rắn sinh hoạt tại nguồn và đến năm 2025 là 100%. 

Cùng với Cẩm Giàng, huyện Kim Thành cũng tích cực hoàn thiện các chỉ tiêu, tiêu chí về môi trường. Qua rà soát, đến nay huyện đã đạt 7/8 chỉ tiêu, tiêu chí về môi trường và chất lượng môi trường sống. Chỉ tiêu duy nhất mà huyện chưa đạt là tỷ lệ hộ gia đình thực hiện phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn, hiện mới đạt 61,11% (thống kê đến hết năm 2023).

Huyện Kim Thành đang giao các hội, đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền, nhân rộng các mô hình thu gom, phân loại, xử lý rác tại nguồn, phấn đấu đến cuối năm nay sẽ đạt được chỉ tiêu này.

Trong số 4 huyện nói trên, Nam Sách là huyện đã đạt cả 8 chỉ tiêu, tiêu chí về môi trường và chất lượng môi trường sống. Tuy nhiên, huyện chưa ban hành được kế hoạch hoặc đề án kiểm kê, kiểm soát, bảo vệ chất lượng nước; phục hồi cảnh quan, cải tạo hệ sinh thái ao hồ và các nguồn nước mặt trên địa bàn. Cụm công nghiệp An Đồng chưa có hạ tầng bảo vệ môi trường theo quy định.

Nam Sách đang xây dựng kế hoạch kiểm kê, kiểm soát, bảo vệ chất lượng nước; phục hồi cảnh quan, cải tạo hệ sinh thái ao hồ và các nguồn nước mặt trên địa bàn huyện, phấn đấu tham mưu cho huyện ban hành trước ngày 15/11.

Tương tự, huyện Gia Lộc cũng đang gặp nhiều khó khăn khi mới đạt được 2/8 chỉ tiêu, tiêu chí về môi trường và chất lượng môi trường sống. Các chỉ tiêu, tiêu chí mà huyện chưa đạt chủ yếu tập trung vào các nhóm vấn đề như: Tỷ lệ rác thải sinh hoạt được xử lý bằng biện pháp chôn lấp trực tiếp mới đạt trên 70%; Tỷ lệ hộ gia đình thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn mới đạt trên 20%; Chưa có hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt tập trung, làng nghề chưa bảo đảm yêu cầu về bảo vệ môi trường...

Huyện Gia Lộc đã rà soát, đánh giá và đề ra giải pháp nhằm sớm hoàn thiện các chỉ tiêu, tiêu chí trên và dự kiến cần trên 89 tỷ đồng để hoàn thiện các chỉ tiêu, tiêu chí này. Số kinh phí này dự định đầu tư xây dựng 53 ô ủ rác thải tại các xã, thị trấn, trạm xử lý nước thải tập trung của thị trấn Gia Lộc, hệ thống thu gom nước thải làng nghề bún xã Tân Tiến, điểm tập kết chất thải rắn làng nghề giầy da xã Hoàng Diệu...

Công việc trước mắt của huyện Gia Lộc còn rất nhiều, lại cần nguồn kinh phí lớn. Do đó, ngoài sự chủ động, tích cực của địa phương cần có sự hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời của cấp trên.