Hướng tới chuyển đổi số đồng bộ, toàn diện tỉnh Hải Dương
Kế hoạch ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước, phát triển chính quyền số và bảo đảm an toàn thông tin mạng giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Hải Dương đã được UBND tỉnh này ban hành mới đây.
Đảm bảo an toàn thông tin mạng là một trong bảy nhóm nhiệm vụ trọng tâm sẽ được các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hải Dương tập trung thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2025. (Ảnh minh họa) |
Kế hoạch hướng tới mục tiêu xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số trên cơ sở ứng dụng rộng rãi CNTT và thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0, tạo bước đột phá trong thay đổi phương thức quản lý, chỉ đạo, điều hành của các cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức. Từ đó, góp phần nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý, chỉ đạo điều hành của chính quyền các cấp.
Kế hoạch cũng nhằm cung cấp các dịch vụ công chất lượng và kịp thời phục vụ người dân, doanh nghiệp để nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, tạo môi trường minh bạch, thuận lợi thu hút mạnh mẽ các dự án đầu tư và phát triển các thành phần kinh tế thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Đến năm 2030, chuyển đổi số đồng bộ, toàn diện trên phạm vi toàn tỉnh.
Trong kế hoạch mới ban hành, UBND tỉnh Hải Dương vạch ra những mục tiêu cụ thể cần đạt được trong 5 năm tới như: duy trì kết nối, chia sẻ thông tin giữa Cổng dịch vụ công tỉnh với Cổng dịch vụ công quốc gia; 100% các giao dịch trên Cổng dịch vụ công tỉnh và hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp tỉnh, huyện, xã được xác thực điện tử.
Cùng với đó, đến năm 2025, 80% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau; 90% hồ sơ công việc tại cấp bộ, tỉnh; 80% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 60% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước).
Kết nối, liên thông các cơ sở dữ liệu quốc gia tạo nền tảng phát triển Chính phủ số bao gồm các cơ sở dữ liệu quốc gia về Dân cư, Đất đai, Đăng ký doanh nghiệp, Tài chính, Bảo hiểm, Tư pháp…; từng bước mở dữ liệu của các cơ quan nhà nước để cung cấp dịch vụ công kịp thời, một lần khai báo, trọn vòng đời phục vụ người dân và phát triển kinh tế - xã hội.
Đồng thời, tối thiểu 70% các sở, ban, ngành có hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung trên phạm vi toàn tỉnh, kết nối liên thông qua nền tảng tích hợp và chia sẻ dữ liệu dùng chung LGSP, hình thành các cơ sở dữ liệu dùng chung cấp tỉnh; 50% hoạt động kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý...
13 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm
Để hiện thực hóa các mục tiêu trên, giai đoạn tới, Hải Dương sẽ tập trung triển khai 7 nhóm nhiệm vụ và 6 nhóm giải pháp chính.
Bảy nhóm nhiệm vụ cơ bản của Kế hoạch gồm có: Hoàn thiện môi trường pháp; Phát triển hạ tầng kỹ thuật; Phát triển các hệ thống nền tảng; Phát triển dữ liệu; Phát triển các ứng dụng, dịch vụ; Bảo đảm an toàn thông tin; Phát triển nguồn nhân lực.
Một trong sáu nhóm giải pháp là đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, kỹ năng số, tăng cường tương tác với người dân, doanh nghiệp. Cụ thể, tỉnh Hải Dương sẽ đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của xây dựng, phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số, đồng thời tuyên truyền nâng cao nhận thức về an toàn thông tin mạng trên địa bàn tỉnh theo nhiều hình thức.
Qua đó, thay đổi thói quen hành vi, tạo sự đồng thuận của người dân, doanh nghiệp về phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số, hình thành văn hóa số cho người dân, tạo điều kiện tiếp cận các dịch vụ Chính phủ số.
Bên cạnh đó, sẽ đưa nội dung đào tạo kỹ năng số vào chương trình giảng dạy từ cấp Tiểu học; ứng dụng các nền tảng đào tạo kỹ năng số cho người dân, ứng dụng các nền tảng, kênh tương tác trực tuyến giữa cơ quan nhà nước và người dân, doanh nghiệp.
Các nhóm giải pháp khác cũng được tỉnh Hải Dương chú trọng triển khai thời gian tới gồm có: Phát triển các mô hình kết hợp giữa các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp; Nghiên cứu, hợp tác để làm chủ, ứng dụng hiệu quả các công nghệ; Thu hút nguồn nhân lực CNTT; Tăng cường hợp tác quốc tế; Giải pháp tổ chức, triển khai.
Đặc biệt, nhận thức rõ vấn đề đảm bảo kinh phí cho các hoạt động cũng là một yếu tố quan trọng, tại Kế hoạch, UBND tỉnh Hải Dương nêu rõ: “Hàng năm, ngân sách tỉnh dành ít nhất từ 1% tổng thu ngân sách tỉnh để chi cho hoạt động ứng dụng CNTT, xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số và bảo đảm an toàn thông tin mạng. Ưu tiên bố trí đủ vốn đầu tư cho các Chương trình, Kế hoạch, Dự án ứng dụng CNTT; xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số và bảo đảm an toàn thông tin mạng; đào tạo nguồn nhân lực CNTT trong tỉnh”.
M.T
Bộ TT&TT: Chuyển đổi số chỉ thành công khi toàn dân tham gia
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng nhận định: Chuyển đổi số chỉ thành công nếu toàn dân tham gia, nghĩa là công nghệ số, dịch vụ số phải được phổ cập, kèm theo đó là dịch vụ an toàn, an ninh mạng cũng được phổ cập.