Người mẹ thứ nhất
Gia đình bà Lưu Thị Hinh (85 tuổi, ở Gia Viễn, Ninh Bình) nhiều năm sống trong nỗi buồn khi chưa tìm được phần mộ của con trai là liệt sĩ Đinh Duy Tuân (SN 1956), hi sinh vào ngày 25/12/1977 tại chiến trường ở An Giang.
Năm 2002, gia đình bà tìm được một phần mộ khắc tên Đinh Duy Tuân tại nghĩa trang Dốc Bà Đắc (huyện Tịnh Biên, An Giang).
Tuy trùng tên nhưng ngày hi sinh ghi trên bia mộ lại là 13/7/1977, không trùng khớp với ngày mất của anh.
Ngôi mộ tại nghĩa trang ở Tịnh Biên, An Giang ghi tên của liệt sĩ Đinh Duy Tuân nhưng ngày hi sinh lại của liệt sĩ Bùi Thanh Tuân |
Cho rằng đó là mộ của người nhà mình, hàng năm, vào các dịp lễ tết, gia đình liệt sĩ Đinh Duy Tuân đều tới thăm viếng.
Mãi đến năm 2018, người nhà liệt sĩ này mới bàng hoàng biết, lâu nay họ chỉ thắp hương lên mộ gió. Bởi trước đó, vào năm 2010, một gia đình liệt sĩ khác là Bùi Thanh Tuân (SN 1956, Gia Viễn, Ninh Bình) cũng cho rằng đây là mộ của con mình nên đã bốc hài cốt về quê hương.
Hài cốt đã được di chuyển nhưng ngôi mộ ở nghĩa trang Dốc Bà Đắc vẫn giữ nguyên nên gia đình liệt sĩ Đinh Duy Tuân không hay biết.
Người mẹ thứ hai
Nhà liệt sĩ Bùi Thanh Tuân chỉ cách nhà liệt sĩ Đinh Duy Tuân 18 km. Hai liệt sĩ cùng quê, cùng năm sinh, cùng năm mất và cùng ngã xuống ở một chiến trường.
Trên nấm mộ mà hai gia đình đều nhận là con mình có khắc tên ‘liệt sĩ Đinh Duy Tuân’ nhưng lại ghi ngày hi sinh của liệt sĩ Bùi Thanh Tuân.
Phần mộ đã được gia đình liệt sĩ Bùi Thanh Tuân đưa về Ninh Bình vào năm 2010 |
Với nhiều sự trùng lặp ngẫu nhiên, hai bà mẹ với nỗi đau mất con hàng chục năm qua, đều nhận đó là phần xương cốt của con mình.
Hễ ai nhắc đến tên người con trai Bùi Thanh Tuân, bà Hà Thị Xuân (85 tuổi), mẹ liệt sĩ, lại bật khóc.
Anh Tuân là con trai cả trong số 6 người con của bà. Cưới vợ được 3 tháng, anh từ biệt gia đình ra chiến trường. Người lính sinh năm 1956 đã không quay về sau một trận đánh khốc liệt vào ngày 13/7/1977.
Cũng như bao người mẹ có con ngã xuống nơi chiến trường, ước nguyện lớn nhất của bà Xuân là mong được đưa con trở về quê hương.
Gia đình bà đã mất rất nhiều thời gian, công sức để tìm lại nơi con trai cả ngã xuống.
Năm 2010, nhờ một người đồng đội của anh Tuân dẫn đường, em trai liệt sĩ Bùi Thanh Tuân đã đến nghĩa trang Dốc Bà Đắc.
Không nằm ở nghĩa trang liệt sĩ, ngôi mộ được xây dựng ở nghĩa trang của dòng họ theo mong muốn của gia đình là đưa con về trên mảnh đất của làng. |
Trên bia mộ ghi tên ‘Đinh Duy Tuân’ nhưng các thông tin về ngày mất, quê hương hoàn toàn trùng khớp với liệt sĩ Bùi Thanh Tuân nên gia đình đã nhận mộ.
Hoàn tất các thủ tục pháp lý, em trai liệt sĩ Bùi Thanh Tuân đưa hài cốt dưới mộ về quê.
Mộ liệt sĩ Bùi Thanh Tuân được đặt trong nghĩa trang dòng họ theo nguyện vọng của người cha đã khuất - muốn con trai được trở về trên mảnh đất của làng.
Năm 2018, phát hiện phần mộ của con trai đã bị bốc đi, gia đình liệt sĩ Đinh Duy Tuân có buổi gặp mặt với gia đình liệt sĩ Bùi Thanh Tuân.
Họ đi đến quyết định khai quật mộ để tìm lại tên thật cho liệt sĩ mà cả hai bên đều đinh ninh là con mình.
Nước mắt của mẹ và những đóa cúc 2 màu
‘Đắn đo nhiều lắm’, chị Lê Thị Xuyện (1964, em dâu của liệt sĩ Bùi Thanh Tuân), nói về ngày trước khi diễn ra việc khai quật.
‘Anh tôi phải qua nhiều đau đớn nơi chiến trường. Gia đình đã mất nhiều công sức để đưa anh về mồ yên mả đẹp trên phần đất của tổ tiên suốt 8 năm qua. Nay lại khai quật mộ, gia đình tôi không ai muốn. Nhưng vì thương người mẹ bên kia nên mẹ chồng tôi quyết định đồng ý’, chị nói thêm.
Trước khi động mộ, hai bên gia đình tập trung rất đông. Có 3 phương án được đưa ra để gia đình bàn bạc.
‘Nếu trường hợp người dưới mộ là liệt sĩ Bùi Thanh Tuân, gia đình vẫn để anh nằm lại nơi mảnh đất của làng.
Trường hợp liệt sĩ này là anh Bùi Duy Tuân, gia đình tôi sẽ đồng ý để nhà bên đó mang anh về.
Trường hợp, không xác định được, chúng tôi vẫn thống nhất để anh ở lại đây. Không ai muốn thêm một lần di chuyển bởi người nằm dưới mộ đã chịu quá nhiều thiệt thòi…’, chị Xuyện nhớ lại.
Mỗi lần nhắc đến con trai cả đã hi sinh, bà Hà Thị Xuân (85 tuổi), mẹ liệt sĩ Bùi Thanh Tuân lại rơi nước mắt. |
7h hơn, 2 gia đình tiến hành động mộ. 7h30, những nhát búa đầu tiên vang lên. Đến 8h sáng cùng ngày, phần mộ được phá, người kỹ thuật viên tiến hành công việc. Tuy nhiên, phần xương cốt liệt sĩ đã bị mủn, không thể tiến hành giám định ADN.
Không xác định được danh tính của người mất, cả hai người mẹ òa khóc.
Cuối cùng, gia đình liệt sĩ Đinh Duy Tuân và Bùi Thanh Tuân đi đến thống nhất, cả hai gia đình đều cùng thắp hương trên phần mộ đó.
Vào ngày liệt sĩ Bùi Thanh Tuân hi sinh (13/7), gia đình làm mấy mâm cơm cúng giỗ. Sau đó, họ mua những nhành cúc vàng ra mộ để thắp hương cho anh vì trước khi mất anh là người đã có gia đình.
Vào ngày liệt sĩ Đinh Duy Tuân ngã xuống (25/12) hàng năm, gia đình cũng làm cơm cúng giỗ và mua những nhành cúng trắng ra thăm mộ vì trước khi ra trận anh chưa từng kết hôn.
Nhiều năm sau ngày chồng mất, vợ liệt sĩ Bùi Thanh Tuân mới xin phép về nhà mẹ đẻ. Chị đi bước nữa với một người thương binh nặng và có 2 con. Nay người chồng thứ 2 cũng khuất núi, chị ở vậy nuôi con.
‘Chị vẫn qua lại gia đình tôi vào ngày giỗ anh Tuân. Mẹ và chúng tôi vẫn coi chị như người con trong nhà’, chị Xuyện nói thêm.
‘Gia đình tôi không còn lăn tăn gì nữa. Chúng tôi tin tưởng người nằm dưới mộ là anh của mình.
Chỉ thương mẹ nay không còn minh mẫn, lúc nhớ lúc quên, có ai đến nhà hỏi chuyện ngôi mộ, bà cứ sợ người ta tranh mất phần mộ con. Mỗi lần nhắc đến, bà lại khóc…’, chị Xuyện nói thêm.
Đám cưới chung với đám tang, cặp đôi khiến nhiều người rơi nước mắt
Mới đây, câu chuyện tình yêu của Ryan Pag-asa Casidsid (đến từ Rodriguez, Philippines) và cô gái Richielyn Jimenez đã lấy nước mắt của nhiều người.
Ngọc Trang - Nguyễn Thảo