Mới đây, UBND thành phố Hải Phòng đã ban hành Kế hoạch Triển khai các giải pháp xúc tiến xuất khẩu của thành phố giai đoạn sau dịch Covid-19, nhằm chủ động ứng phó, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khôi phục cung ứng xuất khẩu và đẩy mạnh xúc tiến chuỗi xuất khẩu hàng hóa.
Để thực hiện Kế hoạch, UBND thành phố đã đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp.
Hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu, phát triển, đổi mới công nghệ
Thứ 1, tập trung, tạo điều kiện phát triển sản xuất tạo nguồn nguyên liệu phục vụ cho sản xuất, chế biến xuất khẩu.
Theo đó, tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 và các quy định, quy chế về phòng, chống dịch của Bộ Y tế và các chỉ đạo của Thành ủy, UBND thành phố.
Rà soát, giảm bớt thủ tục hành chính không cần thiết nhằm tạo hành lang pháp lý thông thoáng phục vụ người dân và doanh nghiệp dễ hiểu, dễ tiếp cận đầu tư để sản xuất, ưu tiên nhóm ngành hàng nông, lâm, thủy sản xuất khẩu. Tạo điều kiện thuận lợi về hải quan đối với hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh lãnh thổ Việt Nam.
Rà soát, nắm chắc số lượng, chủng loại sản phẩm cần tiêu thụ, có giải pháp để cân đối nhu cầu tại chỗ, cập nhật kịp thời số lượng cần hỗ trợ tiêu thụ và địa chỉ cụ thể các đầu mối cung ứng trên địa bàn; kế hoạch sản xuất thời vụ để phù hợp với sức mua của thị trường; xây dựng các phương án, kế hoạch tiêu thụ nông, lâm, thủy sản nhằm kịp thời hỗ trợ, ứng phó với giai đoạn sau dịch Covid-19, giảm thiểu rủi ro trong tiêu thụ và xuất khẩu.
Chủ động tiếp nhận thông tin, dự báo tình hình thị trường; xử lý, tháo gỡ kịp thời các tình huống khó khăn, vướng mắc và hỗ trợ cho các địa phương, tổ chức, cá nhân trong sản xuất, thu hoạch, vận chuyển, tiêu thụ nông sản, lâm sản, thủy sản được thuận lợi, đảm bảo thông suốt, an toàn phòng chống dịch Covid-19.
Tạo thuận lợi cho DN thực hiện các mối liên kết giữa DN cung ứng nguyên phụ liệu với DN sản xuất sản phẩm cuối, giữa các khâu sản xuất – vận chuyển – chế biến – bảo quản – tiêu thụ, giữa nhà nông – nhà doanh nghiệp – nhà nước – nhà khoa học (trong nông nghiệp), giữa DN trong nước với DN nước nước ngoài.
Khuyến khích các DN xuất khẩu nông lâm thủy sản trên địa bàn đầu tư phát triển bền vững nguyên liệu trên cơ sở tăng cường liên kết dọc giữa các thành phần trong chuỗi cung sản phẩm an toàn từ sản xuất đến chế biến và tiêu thụ nông lâm thủy sản phục vụ xuất khẩu.
Tạo điều kiện phát triển, mở rộng sản xuất các mặt hàng xuất khẩu (điện tử, máy móc, da giày, may mặc, ...) có lợi thế cạnh tranh, có khả năng tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu và tạo thị phần ổn định trên thị trường. Phát triển công nghiệp hỗ trợ đối với các ngành có lợi thế xuất khẩu.
Đảm bảo ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh, phát triển thị trường nội địa và tăng trưởng xuất khẩu theo hướng bền vững, trong đó chú trọng phát triển ngành công nghiệp phục vụ nông nghiệp, nông thôn, gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới (công nghiệp bảo quản, chế biến sản phẩm từ nông nghiệp, công nghiệp sinh học, duy trì và phát triển các làng nghề tiểu thủ công nghiệp).
Hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu, phát triển, đổi mới công nghệ; đăng ký chuyển giao công nghệ; thẩm định công nghệ nhằm thúc đẩy các hoạt động đầu tư, kinh doanh, tăng cường sản xuất, khôi phục chuỗi cung ứng nhằm nâng cao lượng hàng hóa xuất khẩu của thành phố giai đoạn sau dịch Covid-19.
Tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ người dân, DN bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo quy định của pháp luật. Tập trung nguồn vốn, ưu tiên tạo điều kiện cho các cá nhân, DN hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu, đặc biệt là nhóm hàng nông sản, lâm sản và thủy sản theo các quy dinh của pháp luật.
Một góc thành phố Hải Phòng |
Đẩy mạnh chuyển đổi số, áp dụng các chứng nhận điện tử
Nhóm nhiệm vụ, giải pháp thứ 2 của thành phố là nâng cao năng lực hội nhập quốc tế, đẩy mạnh chuyển đổi số.
Theo đó, tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong phát triển sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện để các DN trên địa bàn nắm bắt cơ hội, vượt qua thử thách trong bối cảnh kinh tế quốc tế sau dịch Covid-19.
Theo dõi sát diễn biến dịch bệnh và các nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 để cập nhật, điều chỉnh các hoạt động sản xuất, lưu thông, tiêu thụ và xúc tiến xuất khẩu hàng hóa diễn ra hiệu quả cũng như đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh.
Đẩy mạnh tiêm chủng vaccine phòng, chống dịch Covid-19 để tạo thuận lợi cho DN thúc đẩy các hoạt động thương mại, trong đó có các DN sản xuất, xuất khẩu.
Tăng cường đào tạo, tập huấn kiến thức và chính sách, pháp luật thương mại trong nước và quốc tế cho DN, HTX, doanh nhân đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Xây dựng các chương trình đào tạo, phổ biến các cam kết trong lĩnh vực thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, đầu tư, phương án cam kết cắt giảm/ xóa bỏ thuế nhập khẩu hàng hóa và các cam kết về tiếp cận thị trường của Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như EVFTA, CPTPP, RCEP, UKVFTA... để nâng cao sự hiểu biết của người dân và DN cũng như tận dụng các ưu đãi trong các cam kết quốc tế nhằm phát triển xuất khẩu.
Hỗ trợ số hóa các hoạt động kinh doanh, quy trình quản trị, quy trình công nghệ, sản xuất, hỗ trợ chuyển đổi số toàn diện hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực và lợi thế cạnh tranh, tạo ra các giá trị mới cho DN, HTX và hộ kinh doanh.
Đẩy mạnh chuyển đổi số, áp dụng các chứng nhận điện tử, coi đây là điều kiện tiên quyết để xuất nhanh hơn, chi phí thấp hơn và an toàn hơn, góp phần duy trì lợi thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tác động nghiêm trọng đến dòng chảy thương mại.
Thứ 3, tăng cường công tác thông tin và tuyên truyền, quảng bá để đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa ở trong nước và quốc tế.
Theo đó, phối hợp các cơ quan, đơn vị của Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT, cơ quan truyền thông trong và ngoài thành phố thực hiện tốt công tác tuyên truyền, quảng bá các sản phẩm lợi thế của thành phố, chú trọng các sản phẩm OCOP, công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của thành phố trên các trang thông tin điện tử của Bộ, ngành Trung ương, trên Sàn giao dịch thương mại điện tử của thành phố và các kênh sóng truyền hình, đài, báo; tăng cường trao đổi thông tin về thị trường thông tin hội nhập, các hiệp định thương mại... thông tin đến DN, HTX, doanh nhân trong thành phố.
Thường xuyên phối hợp với các cơ quan, đơn vị thuộc các Bộ, ngành Trung ương; Sở Công Thương, Sở NN&PTNT các tỉnh, thành phố; các đơn vị phân phối, hệ thống siêu thị; các cơ quan, đơn vị, DN, HTX và các cơ sở sản xuất kinh doanh kết nối cung cầu, giao thương, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa của thành phố.
Củng cố mạng lưới, tăng cường năng lực và đẩy mạnh công tác cung cấp thông tin, dự báo về các thị trường xuất nhập khẩu, thị trường trong nước để các DN có thể kịp thời nắm bắt thông tin, yêu cầu về tiêu chuẩn kỹ thuật, xuất xứ hàng hóa, quy định về quản lý xuất nhập khẩu hàng hóa của các nước trên thế giới.
Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các DN, doanh nhân, HTX hoạt động trong lĩnh vực logictics thực hiện có hiệu quả các văn bản pháp luật có liên quan nhằm đảm bảo kết nối trong chuỗi cung ứng, thúc đẩy tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu ổn định và bền vững.
UBND thành phố cũng đề ra nhiệm vụ, giải pháp mở rộng, phát triển thị trường xuất khẩu.
Theo đó, chủ động làm việc với Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT hỗ trợ mở rộng thị trường xuất khẩu các sản phẩm lợi thế của thành phố sang các nước Việt Nam ký kết Hiệp định Thương mại tự do; hỗ trợ thông tin các thị trường tiêu thụ mới và cung cấp thông tin về các DN đầu mối xuất nhập khẩu nông, lâm, thủy sản của một số thị trường trên thế giới.
Nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại, đa dạng hóa các hoạt động xúc tiến thương mại, có trọng tâm trọng điểm, thông qua liên kết tiêu thụ sản phẩm; tổ chức, giới thiệu và làm đầu mối cho các DN tham gia các diễn đàn, hội thảo, khảo sát thị trường, hội chợ triển lãm trong và ngoài nước nhằm mở rộng thị trường, hoàn thiện và phát triển hệ thống thông tin thị trường, ứng dụng công nghệ thông tin trong việc thu thập và cung cấp thông tin chuyên sâu về thị trường trong nước và quốc tế.
Bên cạnh đó, khuyến khích, hỗ trợ DN xây dựng sản phẩm xuất khẩu đạt thương hiệu quốc gia và xây dựng thương hiệu DN. Hỗ trợ DN trong việc xác lập, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của DN ở thị trường trong nước và tại các thị trường xuất khẩu.
Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xúc tiến thương mại thông qua ứng dụng thương mại điện tử và các nền tảng công nghệ số. Chú trọng công tác quảng bá sản phẩm qua các phương tiện này, tận dụng cơ hội đẩy mạnh thương mại điện tử thúc đẩy phát triển mạnh thị trường trong nước và xuất khẩu đối với những sản phẩm xuất khẩu chủ yếu của thành phố nhất là các sản phẩm nông lâm thủy sản, sản phẩm điện tử, may mặc, giày da,...
Bảo Phùng