Ông Bùi Tiến Phong, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hải Phòng cho biết, thời gian qua, Hải Phòng đã tích cực huy động mọi nguồn lực để trở thành một trong những địa phương đi đầu cả nước trong việc thúc đẩy thực hiện hiệu quả các mục tiêu về tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, mục tiêu phát triển thiên niên kỷ… 

anh bai 2.jpg
Hải Phòng đang nỗ lực trở thành Thành phố cảng xanh.

Hải Phòng là một trong số ít các thành phố sớm triển khai thí điểm các dự án trong Kế hoạch hành động về tăng trưởng xanh dưới sự hỗ trợ của thành phố Kytakyushu (Nhật Bản). 

Một số dự án nổi bật đã triển khai trong giai đoạn 2014 – 2020. Đáng chú ý là Dự án phân loại rác thải gia đình và Dự án sản xuất phân compost tại Khu liên hợp xử lý chất thải Tràng Cát với sự hợp tác của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Môi trường đô thị Hải Phòng (URENCO). Từ tháng 10/2015 đến tháng 3/2016, thành phố Kitakyushu đã cử chuyên gia phân bón đến Hải Phòng tiến hành sản xuất thí điểm phân compost ở quy mô nhỏ tại Khu liên hợp xử lý chất thải Tràng Cát. Dự án thí điểm đã được thực hiện thành công, mẫu sản phẩm đã được gửi đi kiểm định phân tích tại Viện Thổ nhưỡng Nông hóa. Kết quả phân tích mẫu phân compost cho thấy, tất cả các chỉ tiêu phân tích đều đạt và đảm bảo tiêu chuẩn được quy định tại Thông tư số 41/2014 về phân bón của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Bên cạnh đó còn có: Dự án về rác thải điện tử triển khai thành công tại quận Hồng Bàng; Dự án xúc tiến tiết kiệm năng lượng của nhà máy và tòa nhà cao tầng; Dự án phát điện thu hồi nhiệt thải ở nhà máy xi măng và nguyên liệu thô cho sản xuất xi măng; Dự án sử dụng xe buýt điện EV trên đảo Cát Bà nhằm xây dựng đảo Cát Bà thành đảo xanh, không khói, bụi; Dự án phổ cập U-BCF (Hệ thống lọc nước theo công nghệ tiếp xúc sinh học ngược), thực hiện tại Nhà máy nước Vĩnh Bảo với sự hỗ trợ từ JICA, Cục Cấp thoát nước thành phố Kitakyushu và Công ty Cổ phần cấp nước Hải Phòng…

Mặt khác, Hải Phòng cũng tích cực thúc đẩy hợp tác nghiên cứu ứng dụng các mô hình tăng trưởng xanh với các thành phố, quốc gia trên thế giới đã trở thành những mô hình tăng trưởng mẫu, với những thành công vượt bậc trong việc phát triển nền kinh tế theo hướng xanh, bền vững, cũng như các tổ chức quốc tế có kinh nghiệm và thực tiễn phong phú trong lĩnh vực này, như: Kitakyushu, OECD, Trung tâm Nghiên cứu, giáo dục môi trường và phát triển CERED, Fukuoka… 

Thành phố đã triển khai các hoạt động thí điểm để thu thập kết quả làm cơ sở áp dụng các chỉ tiêu về tăng trưởng xanh, như: Mô hình xử lý nước và rác thải theo phương pháp Fukuoka tại bãi rác Đình Vũ đã xử lý chỉ số CO2 tại bãi rác vốn đông đặc khí metan trước đây, giảm từ 30,4% xuống còn 8%; khí metan giảm từ 67% xuống 6%; các chỉ số COD và BOD5 trong nước rác giảm từ 80% xuống 20%, đặc biệt, làm giảm thiểu khí thải ra ngoài không gian, giảm khí thải hiệu ứng nhà kính...

Sau nhiều năm thực hiện Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh, Hải Phòng đã đạt một số thành quả đáng ghi nhận như: Tỷ lệ chất thải rắn được thu gom và xử lý hợp vệ sinh ở đô thị đạt 100%, nông thôn đạt 91%; Tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật là 21,2%; Tỷ lệ cơ sở khám, chữa bệnh xử lý chất thải y tế đạt tiêu chuẩn môi trường là 86%; Tỷ lệ khu, cụm công nghiệp được thành lập theo quy định có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường là 75%...

Tới nay, Hải Phòng đã đạt được những thành công đáng ghi nhận trong việc hình thành và nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế xanh.

Về thành phố cảng xanh, đã nghiệm thu đề tài nghiên cứu luận cứ khoa học để xây dựng Hải Phòng trở thành Thành phố cảng xanh, trình Quốc hội xem xét ban hành Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù phát triển TP. Hải Phòng.

Về đô thị xanh, phát triển các khu đô thị mới, đáp ứng các tiêu chí văn minh, hiện đại.

Về công nghiệp xanh, dần hình thành một thành phố điện tử tại Khu công nghiệp Tràng Duệ, huyện An Dương.

Về nông nghiệp xanh, đã phê duyệt Đề án Tái cơ cấu nông nghiệp Thành phố và triển khai thí điểm mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại huyện Vĩnh Bảo.

Những mô hình xanh nêu trên khi hoạt động hiệu quả thì nguy cơ sự cố chất thải tại Hải Phòng sẽ được giảm thiểu.

Thanh Hùng và nhóm PV, BTV