Năm 2024, ngành Thuế thành phố về đích sớm và hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước vượt mức dự toán HĐND thành phố giao.

Kết quả nổi bật của ngành là ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào các bước trong quy trình công tác quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế, đạt hiệu quả cao.

hai phong 1 ok.jpg
Cán bộ, công chức Cục Thuế thành phố thực hiện các biện pháp nghiệp vụ quản lý thuế. Ảnh: DUY THÍNH

Thông báo, cưỡng chế nợ thuế tự động 

Năm 2024, trong khi kinh tế còn gặp nhiều khó khăn do biến động của tình hình chính trị, kinh tế thế giới, thêm vào đó, ảnh hưởng của bão số 3 lịch sử gây thiệt hại lớn dẫn đến nhiều doanh nghiệp trên địa bàn thành phố phải tạm dừng sản xuất kinh doanh, mất khả năng thanh toán, nợ thuế.

Tuy nhiên, bằng sự quyết liệt trong công tác quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế, ngành Thuế thành phố thực hiện thu nợ thuế 1.563 tỷ đồng, đạt 86% nợ có khả năng thu năm 2023, cao hơn chỉ tiêu Tổng cục Thuế giao. Kết quả đạt được từ nhiều giải pháp quyết liệt.

Cụ thể, trong năm, ngành Thuế thành phố ban hành hơn 1,2 triệu thông báo tiền thuế nợ; hơn 5.500 lượt quyết định cưỡng chế nợ thuế với nhiều hình thức như trích tiền từ tài khoản; ngừng sử dụng hóa đơn; thu hồi giấy phép kinh doanh.

Riêng đối với cưỡng chế bằng biện pháp ra thông báo tạm hoãn xuất cảnh đối với người đại diện theo pháp luật, toàn ngành ban hành 874 thông báo đối với người đại diện theo pháp luật của các trường hợp chây ỳ nộp thuế hoặc bỏ địa chỉ kinh doanh. 

Điểm nổi bật trong công tác quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế của ngành Thuế thành phố là ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào các bước trong quy trình.

Đây là chuyển biến rõ rệt trong việc điện tử hóa công tác quản lý nợ, cưỡng chế nợ thuế nói riêng và công tác quản lý thuế nói chung, mang lại hiệu quả cao.

Cụ thể, sau khi thực hiện thông báo nợ thuế điện tử, từ tháng 8-2024 đến tháng 12-2024, ngành Thuế thành phố ban hành 17.968 lượt thông báo với tổng số tiền thuế nợ 3.421 tỷ đồng.

Từ tháng 9, Cục Thuế thành phố bắt đầu triển khai cưỡng chế nợ thuế điện tử và thông báo tạm hoãn xuất cảnh điện tử. Sau 4 tháng triển khai, toàn ngành ban hành 976 quyết định cưỡng chế điện tử đối với số tiền thuế nợ là 345,5 tỷ đồng.

Số tiền nợ thuế thu được qua 3 tháng triển khai cưỡng chế điện tử đạt 23,9 tỷ đồng. 

Bước đầu, so với các thủ tục cưỡng chế truyền thống, qua ứng dụng hệ thống điện tử giúp giảm thiểu công sức, thời gian làm việc của cán bộ, công chức ngành Thuế và một số chi phí phát sinh liên quan.

Thay vì công chức phải mất nhiều thời gian in bản giấy gửi qua đường bưu điện đến địa chỉ của từng người nộp thuế cũng như thực hiện thông báo nợ thuế gửi qua tin nhắn SMS tốn kém chi phí thì nay người nộp thuế có thể nhận thông báo, quyết định cưỡng chế và thực hiện nghĩa vụ thuế nhanh chóng, kịp thời, thuận tiện hơn.

Đồng thời, các biện pháp cưỡng chế nợ thuế theo phương thức điện tử được thực hiện nhanh chóng, chuẩn xác giúp cơ quan thuế thu hồi nợ thuế hiệu quả hơn, giảm thiểu tình trạng nợ thuế.

Cần sự phối hợp, liên thông dữ liệu 

Theo ông Nguyễn Trung Thành, Trưởng Phòng Quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế (Cục Thuế thành phố), việc áp dụng công nghệ thông tin trong công tác cưỡng chế nợ thuế còn giúp giảm thiểu rủi ro về sự thiếu minh bạch và tiêu cực trong quá trình thu hồi nợ thuế.

Ngoài ra, ứng dụng công nghệ thông tin còn tích hợp với các ngân hàng trong việc cung cấp thông tin về số tài khoản của người nộp thuế tự động cho cơ quan thuế, giúp theo dõi, kiểm soát và thực hiện biện pháp cưỡng chế tài khoản chính xác hơn.

Hay khi ứng dụng công nghệ thông tin, việc áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh cũng có những tác động tích cực, nhất là khi ban hành thông báo hay hủy quyết định cưỡng chế tạm hoãn xuất cảnh điện tử được tự động cập nhật trên ứng dụng Etaxmobile, làm tăng tính tự giác chấp hành nghĩa vụ của người nộp thuế và đáp ứng việc giải quyết nhanh chóng, kịp thời nhu cầu quyền lợi của người nộp thuế khi hoàn thành nghĩa vụ thuế. 

Xu hướng chuyển đổi số trong công tác quản lý thuế nói chung, cũng như quản lý nợ, cưỡng chế nợ thuế nói riêng là tất yếu và đòi hỏi chuyển đổi mạnh mẽ hơn nữa.

Tuy nhiên, cũng theo ông Nguyễn Trung Thành, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác cưỡng chế thuế còn những vướng mắc, khó khăn nhất định.

Như ứng dụng công nghệ thông tin hiện chưa cập nhật đầy đủ thông tin đối với người nộp thuế là cá nhân kinh doanh, hộ kinh doanh hồ sơ không nộp qua cơ chế một cửa liên thông, thực hiện các nghĩa vụ thuế về đất đai, thu nhập cá nhân, lệ phí trước bạ... dẫn đến khó khăn trong việc thực hiện thông báo nợ và các biện pháp cưỡng chế bằng phương thức điện tử.

Việc liên kết, liên thông truyền nhận dữ liệu điện tử giữa cơ quan Thuế với ngân hàng, Cục quản lý Xuất nhập cảnh (Bộ Công an) còn hạn chế, nên công chức ngành Thuế vẫn phải in bản giấy các quyết định, thông báo và gửi qua đường bưu điện.

Ứng dụng quản lý thuế chưa cập nhật đầy đủ mã ngân hàng, chưa đáp ứng nhu cầu tự động lưu số tài khoản ngân hàng, nhất là đối với trường hợp tiếp tục thực hiện biện pháp cưỡng chế tài khoản… 

Năm 2025, Cục Thuế thành phố xác định 9 nhóm nhiệm vụ giải pháp trọng tâm, trong đó có tăng cường công tác quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế, bảo đảm hoàn thành chỉ tiêu thu nợ, hạn chế thấp nhất nợ mới phát sinh. Do đó, toàn ngành tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, điện tử hóa các bước. Để triển khai hiệu quả nhất, ngành Thuế thành phố đề xuất Tổng cục Thuế nâng cấp, mở rộng hạ tầng kỹ thuật, các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu người nộp thuế; liên thông dữ liệu với các ngành, cơ quan liên quan, bảo đảm tính chính xác, kịp thời trong quản lý và thu hồi, cưỡng chế nợ thuế. 

Theo HOÀNG MINH (Báo Hải Phòng)