Quan chức hàng đầu Hải quân Mỹ đã công bố chiến lược nhằm đảm bảo Biển Đông và khu vực Tây Thái Bình Dương vẫn luôn "khai thông" cho vận chuyển quốc tế.
Đô đốc Jonathan Greenert. Ảnh: Wordpress |
Quan chức này cũng nói rằng, sự trỗi dậy của Trung Quốc có thể là nhằm cố gắng "hạn chế sự tiếp cận trong khu vực". Đô đốc Jonathan Greenert, Tư lệnh phụ trách các hoạt động của Hải quân Mỹ, đã thẳng thắn nói về việc đối phó với sức mạnh tiềm năng của Trung Quốc khi nước này tiếp tục tăng cường quân sự bao gồm cả nỗ lực gia tăng trang bị nhiều tàu chiến và các vũ khí chống tàu.
Phát biểu mà Đô đốc Greenert đưa ra xuất hiện sau một tuần khi Tổng thống Mỹ Obama công bố chiến lược quân sự mới trong đó nhấn mạnh, các lực lượng Mỹ sẽ điều chỉnh cơ cấu và lực lượng, tập trung vào châu Á và Trung Đông. Chiến lược mà ông Obama đưa ra có đề cập tới việc Trung Quốc như một "cường quốc khu vực" và vì thế có thể ảnh hưởng tới an ninh Mỹ "trong nhiều cách khác nhau".
Xuất hiện tại Trung tâm An ninh Mỹ mới (CNAS), Đô đốc Greenert đã nói cụ thể hơn: “Về lâu dài, Trung Quốc sẽ có khả năng lớn nhất, tôi nghĩ như vậy, để ảnh hưởng tới các động lực kinh tế và an ninh khắp khu vực và có lẽ cả thế giới". "Sức mạnh kinh tế của họ đã gia tăng. Họ có khả năng khu vực rất lớn và năng lực ấy đang phát triển. Trong những hoàn cảnh nhất định, khả năng ấy có thể hạn chế sự tiếp cận trong khu vực".
Ông Greenert cho biết, Hải quân Mỹ đã triển khai 100 trong số 285 tàu của mình, và nửa số đó là ở Tây Thái Bình Dương. "Khoảng một nửa số tàu được triển khai cho các lực lượng hải quân ở trong và xung quanh Nhật Bản", ông nhấn mạnh. “Đó là lực lượng hiện đại nhất chúng tôi có, những tuần dương hạm và tàu khu trục tối tân, hậu cần hay chiến tranh chống ngầm. Và chúng tôi kiểm tra cẩn trọng các thủy thủ, chỉ huy. Chúng tôi đặt lực lượng tốt nhất của mình ở Tây Thái Bình Dương".
Đô đốc Mỹ nghi ngờ rằng, Trung Quốc - vốn bị cho là tổ chức các cuộc tấn công ảo vào mạng lưới máy tính công nghiệp và quân sự Mỹ - cũng đang hướng mục tiêu vào các tàu trên biển. “Khu vực đầu tiên và quan trọng nhất sẽ là Tây Thái Bình Dương, nơi chiếm phần lớn đầu tư vào mạng lưới ảo của chúng tôi hiện tại cũng như tương lai", ông nói.
Điều mà Đô đốc Greenert không đả động tới là tương lai hạm đội hải quân. Chiến lược quốc phòng mới đặt ra mục tiêu thu gọn quân đội hơn so với mức 1,4 triệu lực lượng tại ngũ. Theo giới phân tích, Hải quân Mỹ đang đối mặt với viễn cảnh duy trì lực lượng ít hơn 300 tàu trong nhiều năm, cho dù mục tiêu của họ là 320 tàu hoặc nhiều hơn.
Max Boot, nhà phân tích của Hội đồng Đối ngoại Mỹ, người đang cố vấn cho chiến dịch tranh cử tổng thống của Mitt Romney, cho hay, một số nước láng giềng của Trung Quốc đang nhìn vào động thái từ Mỹ. “Hải quân Trung Quốc ngày càng trở nên tích cực hơn trong nỗ lực hất cẳng hải quân Philippines, Nhật Bản và những cường quốc địa phương khác để mở rộng chủ quyền Trung Quốc ra ngoài những gì luật pháp quốc tế cho phép", ông Boot khẳng định. “Mọi người đều muốn thấy Trung Quốc trỗi dậy hòa bình. Nhưng chúng ta cũng chứng kiến khuynh hướng quân phiệt và dân tộc chủ nghĩa ở Trung Quốc với những tuyên bố mạnh mẽ từ quân đội Trung Quốc nhằm gây chiến chống lại Mỹ".
Ông nhấn mạnh: “Tôi nghĩ chúng ta phải duy trì sự cân bằng quyền lực ở Thái Bình Dương. Nhưng không may, ít nhất lúc này, tôi thấy cán cân thiên về phía bất lợi cho Mỹ. Và tôi vẫn thấy điều đó trừ khi chúng ta tăng cường chi tiêu quốc phòng và mở rộng quy mô hải quân".
Trong khi đó, Richard Betts, cũng là nhà phân tích trong hội đồng, người làm việc cho chiến dịch tranh cử tổng thống của Walter Mondale thì nói, Hải quân Mỹ vẫn là vô địch thế giới. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng: “Nếu sứ mệnh của Mỹ là cảnh sát toàn cầu, là kiểm soát toàn bộ vùng xung đột trên thế giới, thì ngân sách quốc phòng của chúng ta hiện tại không đủ lớn".
Tuần trước, tại Lầu Năm Góc, Tổng thống Mỹ Obama đã tuyên bố chiến lược quốc phòng mới, trong đó tập trung vào khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Chiến lược mới hứa hẹn việc tăng cường sức mạnh Mỹ trong khu vực để đối phó với các khả năng trỗi dậy của Trung Quốc kể cả khi các lực lượng Mỹ rút lui ở nơi nào đó trên toàn cầu.
Theo chiến lược này, Mỹ sẽ vẫn duy trì các căn cứ lớn tại Nhật Bản và Hàn Quốc, đồng thời triển khai lính thủy đánh bộ, tàu hải quân và máy bay tới vùng phía bắc của Australia. Tài liệu này còn kêu gọi các lực lượng Bộ binh, Hải quân, Không quân và Lính thủy đánh bộ Mỹ cần phối hợp các nguồn lực để ngăn chặn bất kỳ nỗ lực nào của các nước như Trung Quốc hay Iran khi cố cản trở sự tiếp cận của Mỹ với Biển Đông, vịnh Ba Tư và các khu vực chiến lược khác.
Thái An (theo Washingtontimes)