Điều đầu tiên làm nên chiến thắng trận đầu của Hải quân Nhân dân Việt Nam là ý chí, lòng quả cảm và tinh thần dám đánh, quyết đánh và biết đánh thắng kẻ thù.
Chiến thắng ngày 2 và 5/8/1964 là trận đầu thử lửa của Hải quân Nhân dân Việt Nam (HQNDVN). Chiến thắng có ý nghĩa lịch sử to lớn, mở đầu trang sử chiến đấu và chiến thắng của HQNDVN, niềm tự hào của bao thế hệ cán bộ, chiến sĩ Quân chủng Hải quân.
50 năm đã trôi qua, thế hệ cán bộ chiến sĩ HQNDVN đã kế tục và phát huy truyền thống vẻ vang của cha anh, hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc. Những bài học của trận đầu đánh thắng gần nửa thế kỷ qua vẫn mang tính thời sự và rất bổ ích đối với bộ đội Hải quân hiện nay.
VOV phỏng vấn Chuẩn Đô đốc Đinh Gia Thật, Chính ủy Quân chủng Hải quân.
Chuẩn Đô đốc Đinh Gia Thật–Chính ủy Quân chủng Hải quân |
Thưa Chuẩn Đô đốc, ngày 2 và 5/8 đã trở thành Ngày truyền thống đánh thắng trận đầu của Hải quân Nhân dân Việt Nam. Ông có thể cho biết chiến thắng này có ý nghĩa lịch sử như thế nào?
Cách đây vừa tròn 50 năm, ngày 2 và 5/8/1964, Hải quân Nhân dân Việt Nam sau 9 năm xây dựng trong hòa bình lần đầu tiên ra quân chiến đấu, đã dũng cảm đánh đuổi tàu khu trục Maddox của đế quốc Mỹ ra khỏi vùng biển miền Bắc, bắn rơi nhiều máy bay và bắt sống giặc lái trên vùng biển, vùng trời miền Bắc, làm nên truyền thống đánh thắng trận đầu của Hải quân Nhân dân Việt Nam, của quân, dân miền Bắc.
Chiến thắng trận đầu ngày 2 và 5/8/1964 là chiến thắng của sức mạnh chính trị tinh thần toàn dân tộc, chiến thắng của ý chí quyết tâm chiến đấu dám đánh, quyết đánh và biết đánh thắng giặc Mỹ xâm lược của Hải quân Nhân dân Việt Nam và của quân dân miền Bắc; là biểu tượng của bản lĩnh Việt Nam kiên cường bất khuất, của dân tộc yêu tự do, độc lập, không bao giờ chịu khuất phục trước kẻ thù xâm lược; của trí tuệ, lòng yêu nước, căm thù giặc và nghệ thuật quân sự Việt Nam được kế thừa, phát triển trong thời đại Hồ Chí Minh.
Chiến thắng ngày 2 và 5/8/1964 đã tô thắm thêm truyền thống anh hùng của Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng; tiếp tục khẳng định sự đúng đắn trong lãnh đạo, chỉ đạo chiến lược tài tình, sáng suốt của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh ngay từ khi Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Đồng thời khẳng định về sự rèn luyện bản lĩnh, ý chí quyết tâm, lòng dũng cảm kiên cường, tinh thần cảnh giác cách mạng, chủ động, mưu trí sáng tạo, vượt qua khó khăn gian khổ, ác liệt của bộ đội Hải quân, quyết tâm đánh thắng kẻ thù mạnh hơn ta nhiều lần, có trang bị vũ khí hiện đại, khi chúng liều lĩnh xâm phạm chủ quyền vùng trời, vùng biển của Tổ quốc.
Đây cũng là thắng lợi của đường lối chiến tranh nhân dân toàn dân, toàn diện, tự lực cánh sinh, dựa vào sức mình là chính; của nghệ thuật quân sự “lấy yếu đánh mạnh, lấy ít địch nhiều”, đánh địch bằng vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện có; là thắng lợi của trí thông minh và lòng dũng cảm của quân dân ta trong cuộc đọ sức quyết liệt với sức mạnh của Hải quân và Không quân hiện đại của giặc Mỹ.
Chiến thắng trận đầu có ý nghĩa hết sức quan trọng, tạo tiền đề thuận lợi, cổ vũ động viên khí thế tiến công của quân và dân ta quyết tâm đánh bại các bước “leo thang” chiến tranh của đế quốc Mỹ, bảo vệ vững chắc hậu phương lớn miền Bắc, sát cánh cùng tiền tuyến lớn miền Nam tạo nên sức mạnh tổng hợp của cách mạng để đánh thắng Mỹ, Ngụy, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Ngày 2 và 5/8/1964 chúng ta có bị bất ngờ trước âm mưu và thủ đoạn của Đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh ra miền Bắc không? Trước thời điểm đó, Hải quân Nhân dân Việt Nam đã có sự chuẩn bị như thế nào, thưa Chuẩn Đô đốc?
Trước hết khẳng định chúng ta không bị bất ngờ trước âm mưu và thủ đoạn của Đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh ra miền Bắc, bởi những lí do sau: Tháng 12/1963, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa III) họp Hội nghị lần thứ 9 bàn về một số vấn đề quốc tế và tình hình nhiệm vụ cách mạng ở miền Nam; trong đó cũng chỉ rõ: Chúng ta phải cảnh giác, sẵn sàng đối phó với trường hợp Mỹ mạo hiểm mở rộng chiến tranh bằng chiến lược “Chiến tranh cục bộ”.
Tháng 1/1964, Bộ Tổng tham mưu tổ chức hội nghị phòng không nhân dân toàn miền Bắc lần thứ nhất để bàn các biện pháp đánh bại các cuộc tập kích của máy bay địch.
Ngày 27 và 28/3/1964, Chủ tịch Hồ Chí Minh triệu tập Hội nghị chính trị đặc biệt. Hội nghị này được coi như “Hội nghị Diên Hồng” của dân tộc trong thời đại mới, thể hiện quyết tâm chiến đấu bảo vệ miền Bắc.
Tháng 6/1964, Bộ Chính trị Trung ương Đảng ra chỉ thị “tăng cường sẵn sàng chiến đấu, phá tan âm mưu khiêu khích, đánh phá miền Bắc của không quân địch”. Chỉ thị nêu rõ: “Các lực lượng vũ trang trên miền Bắc phải sẵn sàng chiến đấu, kiên quyết tiêu diệt địch nếu chúng xâm phạm miền Bắc”. Đồng thời, Tổng Tham mưu trưởng đã ra lệnh báo động sẵn sàng chiến đấu và chỉ thị “Hải quân nhanh chóng chuẩn bị mọi mặt để chiến đấu bảo vệ vùng biển, tuyến ven bờ, các hải cảng, cửa sông và căn cứ; nhanh chóng chuyển mọi sinh hoạt của đơn vị sang thời chiến”.
Đối với Quân chủng Hải quân, quán triệt Nghị quyết Trung ương và Lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch. Đầu tháng 4/1964, Thường vụ Đảng ủy Quân chủng đã quyết định triển khai đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng nhằm làm chuyển biến nhận thức tư tưởng trong toàn quân chủng trước tình hình yêu cầu nhiệm vụ mới. Thực hiện tư tưởng chỉ đạo: “Sẵn sàng khi có lệnh là đi, có địch là đánh; nhiệm vụ ở đâu cũng làm, khó khăn mấy cũng vượt; kẻ địch nào cũng đánh, đánh là phải tiêu diệt”; đẩy mạnh thi đua “Ba nhất”, hăng hái ghi tên đi chiến đấu và thi đua giành đơn vị quyết thắng.
Đầu tháng 5/1964, Đảng ủy Quân chủng ra nghị quyết lãnh đạo nhằm tạo động lực mạnh mẽ, chủ động chuẩn bị tốt mọi mặt, từng bước đưa quân chủng chuyển vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu với quyết tâm cao nhất.
Từ ngày 6/7/1964 toàn Quân chủng Hải quân đã chuyển sang trạng thái thời chiến; điều động lực lượng và tăng cường huấn luyện kỹ thuật, chiến thuật, vừa nâng cao cảnh giác, ngụy trang chu đáo đề phòng địch tập kích bằng đường không và biệt kích người nhái.
Đến cuối tháng 7/1964 mọi công tác chuẩn bị chiến đấu của quân chủng đã cơ bản hoàn thành.
Như vậy, một lần nữa khẳng định rằng chúng ta không bị bất ngờ kể cả ở cấp độ chiến lược. Nhờ vậy, chúng ta đã giành thắng lợi to lớn ngay từ trận đầu ra quân chiến đấu.
Thả vòng hoa tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ hy sinh cho chiến thắng trận đầu của Hải quân Việt Nam tại biển Cửa Lục sáng 3/8/2014. Ảnh: Thanh Niên |
Hải quân lúc đó còn non trẻ nhưng lần đầu tiên ra quân chiến đấu đã dũng cảm kiên cường đánh đuổi tàu khu trục Maddox của Đế quốc Mỹ, bắn rơi 8 máy bay và bắt sống phi công đầu tiên của Đế quốc Mỹ trên vùng biển, vùng trời miền Bắc. Theo ông, điều gì đã làm nên chiến công đó?
Theo tôi, điều đầu tiên làm nên chiến thắng trận đầu đó là ý chí, lòng quả cảm và tinh thần dám đánh, quyết đánh và biết đánh thắng kẻ thù mặc dù chúng có thế mạnh hơn ta gấp nhiều lần của cán bộ, chiến sỹ Hải quân.
Thứ hai là tinh thần cảnh giác sẵn sàng chiến đấu; công tác huấn luyện và làm chủ vũ khí trang bị kỹ thuật, nhất là tin tưởng vào vũ khí hiện có.
Thứ ba là sự vận dụng linh hoạt các yếu tố chiến thuật trong tổ chức hiệp đồng chiến đấu của biên đội tàu, nắm chắc thời cơ tấn công tiêu diệt địch và phát huy cao độ sức mạnh tổng hợp của các lực lượng; sự phối hợp hiệp đồng chiến đấu giữa các lực lượng, tạo thành mạng lưới lửa phòng không nhân dân vững chắc để đánh địch.
Chiến thắng trận đầu không chỉ có ý nghĩa về mặt lịch sử mà còn để lại những bài học kinh nghiệm quý. Xin ông cho biết việc vận dụng những bài học kinh nghiệm đó như thế nào trong xây dựng Quân chủng Hải quân hiện nay?
Chiến thắng trận đầu để lại cho chúng ta những bài học quý giá. 50 năm đã trôi qua những bài học ấy vẫn còn nguyên giá trị. Trong tình hình hiện nay, trước những diễn biến phức tạp trên biển, với yêu cầu nhiệm vụ của Quân chủng ngày càng nặng nề thì việc nghiên cứu vận dụng những bài học kinh nghiệm từ đánh thắng trận đầu của Hải quân Nhân dân Việt Nam càng hết sức quan trọng. Cụ thể là:
Một là: Phải thường xuyên làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho bộ đội, quán triệt sâu sắc tình hình nhiệm vụ, không ngừng nâng cao cảnh giác cách mạng, nắm chắc âm mưu thủ đoạn của địch, không để bị động bất ngờ trong mọi tình huống: Đây là kinh nghiệm quan trọng hàng đầu, là cơ sở nền tảng cho thắng lợi, chính vì vậy cần phải thường xuyên giáo dục, quán triệt sâu sắc tình hình nhiệm vụ cách mạng, Quân đội, Quân chủng, đơn vị và truyền thống của dân tộc, đặc biệt là yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Chú trọng đi sâu vào quán triệt tình hình nhiệm vụ cụ thể của đơn vị, luôn nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng sẵn sàng chiến đấu cao, xây dựng ý chí quyết tâm vượt qua khó khăn gian khổ, thử thách, sẵn sàng chiến đấu hy sinh; tinh thần quả cảm, quyết chiến, quyết thắng kẻ thù.
Hai là: Nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, dám đánh, quyết đánh và biết đánh thắng kẻ thù xâm lược: Biết khai thác những điểm yếu, sơ hở của địch và biết tận dụng thế mạnh cũng như vũ khí trang bị hiện có của ta để đánh địch.
Ba là: Phát huy sức mạnh tổng hợp, trong đó đặc biệt coi trọng công tác tổ chức lãnh đạo, chỉ huy và nắm chắc lực lượng, chỉ đạo chặt chẽ từng giai đoạn của cuộc chiến đấu, bảo đảm yếu tố bí mật bất ngờ, nắm vững thời cơ, vận dụng cách đánh hợp lý đạt hiệu quả cao: Trước hết, phát huy vai trò của các tổ chức Đảng trong lãnh đạo xây dựng ý chí quyết tâm, xác định các chủ trương, biện pháp lãnh đạo nhất là các phương án chiến đấu, bảo đảm cho trận đánh giành được thắng lợi. Đồng thời cần phát huy vai trò của tổ chức chỉ huy và nắm chắc tình hình, xây dựng kế hoạch tác chiến, quán triệt nhiệm vụ, tổ chức lực lượng, tổ chức bảo đảm các mặt… phải được tiến hành nghiêm túc, đúng theo yêu cầu nhiệm vụ chiến đấu và công tác đảm bảo bí mật của trận chiến đấu.
Bốn là: Phải giữ vững tính tổ chức, tính kỷ luật, đoàn kết, hiệp đồng và làm tốt công tác chính sách trong chiến đấu: Đây là nét đặc trưng của Quân đội, đặc biệt trong chiến đấu, tính tổ chức kỷ luật càng phải được giữ nghiêm. Đồng thời xây dựng mối đoàn kết, hiệp đồng chặt chẽ giữa các lực lượng trong tàu, trong biên đội, trong cụm chiến đấu, với các đơn vị bạn, với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương và làm tốt công tác chính sách trong chiến đấu phải chu đáo, tỉ mỉ và chấp hành đúng nguyên tắc.
Năm là: Nhanh chóng làm chủ khoa học kỹ thuật quân sự, sử dụng có hiệu quả các loại vũ khí trang bị kỹ thuật hiện có: Thường xuyên giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên quốc phòng đi sâu vào nghiên cứu và làm chủ khoa học kỹ thuật, chuẩn bị và thực hiện tốt công tác bảo đảm phục vụ cho chỉ huy ra mệnh lệnh chính xác, giành thắng lợi; kịp thời rút kinh nghiệm, nâng cao trình độ kỹ thuật, chiến thuật qua từng trận đánh.
Hải quân là quân chủng chiến đấu, quân chủng kỹ thuật. Các trang bị vũ khí, khí tài, máy móc đặc biệt là vũ khí trang bị kỹ thuật ở trên tàu đòi hỏi phải có sự hiểu biết mới sử dụng được. Khi chiến đấu, tình huống diễn biến rất nhanh và nảy sinh nhiều sự cố phức tạp mà lúc bình thường không lường hết. Sự tinh thông kỹ thuật sẽ làm cho thao tác của người chiến sĩ nhanh nhẹn, chính xác, kịp thời và sẽ tạo ra khả năng giành thắng lợi cao. Nếu không nắm chắc kỹ thuật sẽ dẫn đến thao tác lúng túng, vụng về, lỡ thời cơ tiêu diệt địch, thậm chí bị thương vong.
Trước những diễn biến phức tạp hiện nay trên các vùng biển của nước ta, ông có thể cho biết Hải quân Nhân dân Việt Nam cần phải làm gì để cùng các lực lượng bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc?
Chuẩn Đô đốc Đinh Gia Thật: Tình hình trên các vùng biển hiện nay khá phức tạp, ảnh hưởng rất lớn đến quốc phòng, an ninh của nước ta. Trong tình hình đó, với vai trò là lực lượng nòng cốt trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, Hải quân Nhân dân Việt Nam phải nỗ lực phấn đấu nhiều hơn nữa để xây dựng Quân chủng thực sự cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đủ sức hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ, trong đó tập trung làm tốt những vấn đề sau đây:
Một là: Phải tập trung xây dựng Hải quân Nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị, tinh nhuệ về chính trị, làm cơ sở để nâng cao chất lượng và sức mạnh tổng hợp của Quân chủng. Đây là một tất yếu khách quan, cơ sở lý luận khoa học và thực tiễn cho quá trình phát triển của Hải quân Nhân dân Việt Nam. Trong đó chú trọng bồi dưỡng nâng cao lòng yêu nước, yêu CNXH cho cán bộ, chiến sĩ, xây dựng bản lĩnh chính trị kiên định, vững vàng, sắc sảo, nhanh nhạy trước mọi tình huống; tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân, luôn nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, phát hiện kịp thời những động thái mới của nước ngoài, sẵn sàng chiến đấu, sẵng sàng chấp nhận hy sinh bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Hai là: Tập trung nâng cao chất lượng huấn luyện, xây dựng nền nếp chính quy, kỷ luật, an toàn, nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu, quản lý, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Bám sát phương châm huấn luyện theo hướng: Cơ bản, thiết thực, vững chắc, thực sự đổi mới công tác huấn luyện theo hướng đồng bộ, chuyên sâu, sát với thực tế tình hình nhiệm vụ; sát phương án chiến đấu của các lực lượng tàu, đảo, phòng thủ căn cứ và đối tượng tác chiến, lấy chiến trường làm thao trường, lấy mục tiêu bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo làm mục tiêu huấn luyện.
Duy trì nghiêm nền nếp chế độ công tác, kỷ luật quân đội, các quy định của Quân chủng, bảo đảm Quân chủng tuyệt đối an toàn về mọi mặt.
Ba là: Làm tốt công tác bảo đảm hậu cần, kỹ thuật cho các lực lượng của Quân chủng trong mọi điều kiện, tình huống. Phải bảo đảm công tác hậu cần, kỹ thuật cho các lực lượng trong Quân chủng có thể tác chiến độc lập, liên tục dài ngày ở vùng biển gần cũng như vùng biển xa thắng lợi. Duy trì tốt chất lượng của vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện có, sử dụng có hiệu quả các loại vũ khí mới, hiện đại được trang bị, chủ động nắm bắt các thành tựu khoa học - công nghệ mới để nghiên cứu cải tiến, sáng chế, góp phần đổi mới trang thiết bị, cơ sở hậu cần, kỹ thuật theo hướng hiện đại, đáp ứng ngày càng đầy đủ nhiệm vụ của Quân chủng.
Bốn là: Phối hợp hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng, ngay trong thời bình phải chú trọng xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận chiến tranh nhân dân trên biển vững chắc, trong đó Hải quân Nhân dân Việt Nam là lực lượng nòng cốt. Đây là một trong những nội dung quan trọng trong quá trình triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết TW8 (Khoá XI) về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”, cũng như Nghị quyết TW4 (Khóa X) về “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”. Để làm được điều đó, các lực lượng trong Quân chủng tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về biển, đảo trong các tầng lớp nhân dân, nhằm nâng cao nhận thức về chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ quốc gia trên các vùng biển, đảo và trách nhiệm, nhiệm vụ công dân trong việc bảo vệ, khai thác tài nguyên biển.
Phát huy năng lực hiện có, tận dụng tối đa thế mạnh của các doanh nghiệp Quân chủng vào những ngành kinh tế biển. Chủ động hướng dẫn, hỗ trợ ngư dân làm ăn, sinh sống trên các vùng biển xa, tổ chức có hiệu quả việc tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai.
Thực hiện tốt công tác đối ngoại quân sự, nhất là với Hải quân các nước truyền thống, các nước láng giềng và trong khu vực. Chủ động thiết lập đường dây nóng, hợp tác tuần tra chung... với các nước trong khu vực nhằm mục đích xây dựng vùng biển hoà bình, phục vụ sự nghiệp CNH, HĐH đất nước.
Năm là: Xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo toàn diện và sức chiến đấu của các tổ chức đảng trong Đảng bộ, tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết TW4 (khoá XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Tập trung quán triệt sâu sắc các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, nhất là Nghị quyết TW 4 (Khoá XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”; phấn đấu mỗi chi bộ đảng, mỗi cán bộ, đảng viên trong Đảng bộ Quân chủng phải thực sự là những tấm gương tiêu biểu về phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị và năng lực hành động. Chú trọng xây dựng các chi bộ tàu, đảo, nhà giàn đủ sức lãnh đạo đơn vị hoạt động độc lập, nhất là khi có tình huống tác chiến xảy ra.
Theo VOV