Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc tin tưởng, nếu như hệ thống chính sách “khoan sức”, môi trường thông thoáng, bình đẳng, doanh nghiệp tư nhân Việt Nam sẽ lớn và đủ sức dẫn dắt nền kinh tế.
Trước thềm Hội nghị Thủ tướng đối thoại với DN dân doanh diễn ra hôm 28/4, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam bày tỏ, Thủ tướng đã ban hành Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Đây là một tín hiệu tích cực, mang lại niềm tin cho DN.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong lần gặp mặt DN trẻ năm 2011. |
Nghị quyết 19 đã đặt Việt Nam trong mối quan hệ tương quan với quốc tế, đưa mục tiêu năng lực cạnh tranh của Việt Nam tới năm 2015 phải đạt mức trung bình trong ASEAN – 6, là mức tiên tiến hiện nay. Chúng tôi rất mong các bộ ngành, địa phương, soi vào tiêu chuẩn ASEAN – 6 này để có thể cải cách thủ tục hành chính tốt hơn nữa.
Ông Vũ Tiến Lộc. (Ảnh Việt Dũng) |
Ở trong nước, Thủ tướng cũng đã lấy thước đo sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp để đánh giá quá trình cải cách của các bộ ngành, địa phương. Chúng tôi đã kiến nghị Thủ tướng sẽ thực hiện khảo sát, xếp hạng tín nhiệm của doanh nghiệp với các bộ ngành địa phương 3 tháng một lần.
Đây là hai sức ép rất lớn để đổi mới, cải cách. Tôi tin là khi đặt ra các yêu cầu đó, mục tiêu đề ra sẽ thành công.
DN lớn dẫn dắt nền kinh tế
Nhiều ý kiến đã lo ngại DNNN chèn lấn DN tư nhân, vạ lây tới DN tư nhân khi có khó khăn. Theo ông, điều này sẽ được cải thiện như thế nào để DN tư nhân có thể bứt phá lớn mạnh?
Quá trình tái cấu trúc và cổ phần hóa DNNN hiện nay chính là một cơ hội lớn để phát triển DN tư nhân. Chúng ta cứ nghĩ, khi cổ phần hóa, phải tìm được đối tác chiến lược nước ngoài, nhưng tôi nghĩ, đối tác đó phải chính là các DN tư nhân Việt Nam. Khi mua được cổ phần của DNNN, tư nhân sẽ lớn lên.
Hiện nay, chúng ta chỉ có 2% DN lớn, khoảng 2% DN vừa và 96% DN nhỏ và siêu nhỏ. Sau 30 năm đổi mới, nhiều doanh nhân cũng đã tích lũy được tài sản, của cải, nhưng chúng ta vẫn chưa có được một thế hệ các nhà công nghiệp lớn, cạnh tranh ngang ngửa với các đối tác quốc tế.
Vấn đề làm thế nào để hỗ trợ cho các DN vừa thành DN lớn, đủ sức dẫn dắt nền kinh tế?. Việt Nam có những doanh nghiệp rất tiềm năng trong những lĩnh vực chúng ta có lợi thế. Đôi mắt xanh của Nhà nước phải phát hiện được các tiềm năng đó, giúp sức đưa họ thành doanh nghiệp lớn.
Xưa nay, chúng ta hỗ trợ DN khó khăn như thể đó là cách duy nhất để giúp DN, nhưng thực tế, không phải như vậy. Thậm chí, dường như chỉ có biện phát giúp DNNN lớn hơn mà chưa có biện pháp để DN tư nhân lớn lên. Tất nhiên, cần có một thời gian đủ dài để các DN lớn dần, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể rút ngắn được thời gian này và có thể làm được.
Khoan sức thuế, phí, thông thoáng tín dụng
Có tới 300 kiến nghị cụ thể của cộng đồng doanh nghiệp gửi lên Thủ tướng. Ông có thể cho biết, những vấn đề nào có thể triển khai được ngay hỗ trợ cho doanh nghiệp?
Chúng tôi đã tóm lược 8 nhóm kiến nghị lớn để trình Thủ tướng. Trong đó, những giải pháp về thuế, phí, tín dụng có thể làm được ngay.
Chẳng hạn, về tín dụng, lãi suất giờ đã hạ tương quan với mức lạm phát kỳ vọng, không còn là vấn đề lớn nữa. Vấn đề chính hiện nay là nợ xấu và các thủ tục, điều kiện cho vay ngặt nghèo. Chính vì hai điểm này mà nhiều DN vẫn không thể tiếp cận được vốn ngân hàng.
Chúng tôi đã kiến nghị, cần phải tạo điều kiện hơn nữa để các DN vay vốn, thực hiện theo các hình thức mới như cho vay theo chuỗi sản xuất và cưng ứng, phát triển các hình thức bảo lãnh tín dụng, mở rộng cho vay theo dự án sản xuất kinh doanh, chứ không nên chỉ dựa vào tài sản thế chấp…
Hay như với tài khóa, chúng tôi mong muốn chính sách thuế, phí phải khoan sức đối với DN, chẳng hạn như có thể giảm thuế thu nhập DN từ 20% xuống 18%, bãi bỏ các khoản phí không phù hợp…
Về tiền lương, chúng tôi cũng đề nghị phải giãn tiến độ tăng lương tối thiểu ít nhất 2 năm 2014-2015, với mức tăng dựa trên cơ sở tỷ lệ lạm phát cộng với tốc độ GDP hàng năm. Điều này sẽ giảm bớt gánh nặng chi phí tăng quá nhanh cho doanh nghiệp.
Giảm bớt các chi phí đang đè nặng DN. |
Hàng loạt Luật như Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Phá sản… đang được điều chỉnh liên quan đến sự sống còn của doanh nghiệp. Ông có mong muốn gì ở các luật này?
Hệ thống pháp luật về kinh doanh này phải làm sao đảm bảo thông thoáng hơn nữa, đảm bảo quyền doanh nghiệp tự do kinh doanh những gì mà pháp luật không cấm, đảm bảo sự cạnh tranh bình đẳng giữa các DN. Chẳng hạn như việc bỏ ghi ngành kinh doanh trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh….
Trên hết, chúng tôi kiến nghị cần sớm ban hành Luật sửa đổi một số điều của toàn bộ hệ thống pháp luật liên quan đến doanh nghiệp. Hiện nay, có những luật mới ra đời nhưng đã bộc lộ những quy định không hợp lý. Nếu như phải chờ 5-6 năm cho một chu kỳ sửa Luật của Quốc hội thì quá lâu. Không thể chấp nhận được việc các doanh nghiệp cứ phải bám theo những điều bất hợp lý đó trong một thời gian lâu như vậy.
Phạm Huyền (thực hiện)