Trước đó, vào ngày 17/10, trong khi đang thực hiện nhiệm vụ trực sẵn sàng chiến đấu tại vùng biển quần đảo Trường Sa, tàu CSB 8002 nhận được tin tàu cá QNa 90129 TS bị lốc xoáy làm chìm tàu và tàu cá QNa 90927 TS bị sóng đánh chìm tại khu vực đảo Song Tử Tây.
Cụ thể, tàu cá QNa 90129 TS do ông Lương Văn Viên (47 tuổi, ở Tam Giang, huyện Núi Thành) làm thuyền trưởng, hành nghề câu mực, trên tàu có 54 lao động, đang hoạt động tại tọa độ 13 độ 37 phút Vĩ độ Bắc-114 độ 33 phút Kinh độ Đông (cách Đông Bắc Nha Trang 315 hải lý, cách đảo Song Tử Tây, QĐ Trường Sa khoảng 125 hải lý về hướng Bắc - Đông Bắc) thì bị lốc xoáy làm chìm tàu vào lúc 19h30 ngày 16/10/2023.
Tàu cá QNa 90927 TS do ông Trần Công Trường (42 tuổi, ở xã Tam Giang) làm thuyền trưởng, hành nghề câu mực, trên tàu có 38 ngư dân, đang hoạt động tại tọa độ 13 độ 32 phút Vĩ độ Bắc, 113 độ 27 phút Kinh độ Đông (cách Quy Nhơn khoảng 240 hải lý về hướng Đông - Đông Nam, cách đảo Song Tử Tây khoảng 135 hải lý về hướng Bắc - Tây Bắc) thì bị sóng đánh chìm.
Ngay sau khi nhận được thông tin, Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam (Cục Hàng hải, Bộ GTVT) phối hợp với Đài thông tin duyên hải Đà Nẵng phát thông báo hàng hải khẩn cấp, huy động tàu thuyền tại chỗ hành trình đến hỗ trợ tàu cá bị nạn. Vị trí hai tàu gặp nạn nằm trên tuyến đường hàng hải quốc tế, có nhiều tàu vận tải nước ngoài hành trình qua lại. Trung tâm đã triển khai các biện pháp nghiệp vụ, tìm kiếm tàu qua các tín hiệu vệ tinh, đến 15h00 ngày 17/10 đã trực tiếp liên hệ 6 tàu hàng quốc tế cỡ lớn và gửi thông tin báo nạn cho hàng chục tàu khác tham gia hỗ trợ tìm kiếm. Ngoài ra, nhóm tàu cá tại hiện trường cũng được huy động tìm kiếm theo kế hoạch.
Song song đó, lực lượng cảnh sát biển cũng đã nhận mệnh lệnh điều tàu CSB 8002 nhanh chóng cơ động ra vị trí tàu cá bị nạn, phối hợp với tàu KN 467, KN 471 và 7 tàu cá của ngư dân triển khai công tác cứu nạn. Trong 6 ngày, từ 17-23/10, biên đội tàu do tàu CSB 8002 chỉ huy đã cứu được 93 ngư dân, tìm kiếm được 2 thi thể, bàn giao cho chính quyền địa phương.
Hội nghị đã đánh giá kết quả tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ cứu nạn hai tàu cá QNa 90129 TS và QNa 90927 TS của tàu CSB 8002. Nhiều ý kiến tham luận tại Hội nghị đã chỉ rõ những ưu điểm, hạn chế và rút ra những bài học kinh nghiệm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ cứu nạn trên biển.
Tại hội nghị, Thượng tá Hoàng Quốc Đạt, Hải đoàn trưởng Hải đoàn 21 nhấn mạnh, nhiệm vụ tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn trên biển là nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình, đòi hỏi ý chí quyết tâm cao của mỗi cán bộ, chiến sĩ trong toàn Hải đoàn.
Biểu dương tập thể tàu CSB 8002 đã quán triệt sâu sắc nhiệm vụ, bám sát sự chỉ huy, chỉ đạo của cấp trên, đoàn kết, hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn để thực hiện nhiệm vụ được giao. Với những kết quả đã đạt được, Đảng uỷ, chỉ huy Hải đoàn nhất trí đề nghị Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2 khen thưởng cho tập thể tàu CSB 8002.
Trước tình hình thời tiết, khí hậu, thủy văn trên khu vực biển miền Trung được dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp trong thời gian tới, Hải đoàn 21 xác định hoạt động tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, đòi hỏi quyết tâm chính trị cao của toàn thể cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị.
Từ công tác cứu nạn hai tàu cá trên biển vừa qua, Hội nghị đã rút ra những bài học kinh nghiệm quý báu nhằm góp phần thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn trên biển. Theo đó, phải thường xuyên làm tốt công tác chuẩn bị sẵn sàng về mọi mặt; tổ chức huấn luyện chuyên sâu về công tác tìm kiếm, cứu nạn trên biển; duy trì, bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt trong mọi điều kiện, hoàn cảnh; hiệp đồng chặt chẽ với các đơn vị, tạo được sức mạnh tổng hợp trong thực hiện nhiệm vụ cứu nạn… hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn được giao, thực sự trở thành điểm tựa vững chắc cho ngư dân yên tâm bám biển.
Đối với các tàu thuyền thực hiện việc đánh bắt cá xa bờ, các chuyên gia cũng lưu ý, các chủ tàu phải thường xuyên theo dõi, cập nhật dự báo thời tiết trong quá trình hoạt động trên biển, đối với trường hợp gặp sóng to gió lớn đe dọa sự an toàn của tàu, sức khỏe thuyền viên nên ngừng hoạt động khai thác, tìm nơi tránh trú an toàn.
Với các tàu thuyền thường xuyên xa bờ, ngư dân cần chuẩn bị thuốc men phòng trường hợp có người ốm đau trong chuyến đi dài ngày trên biển.
Một túi đựng thuốc cơ bản cần có gồm 1 hộp đựng thuốc bằng chất liệu túi da hoặc hộp nhựa cứng với cơ số thuốc tối thiểu chuẩn bị cho 10 người đi biển có: Kháng sinh điều trị nhiễm trùng Cephalexin 0,5g: 60 viên; Hạ sốt, giảm đau Panadol: 20 viên; Cảm sốt Decolgen: 20 viên; Đau dạ dày Phosphalugel: 20 gói; Omeprazol 20mg: 60 viên; Ngộ độc thức ăn Natri bicacbonat: 20 viên; Berberin: 2 lọ; Chống mất nước do nôn mửa, tiêu chảy Orezol: 10 gói; Salonpas: 2 hộp; Giảm đau cơ bắp – Dầu nóng: 2 lọ; Chống dị ứng Promethazin 25mg: 30 viên.
Trong hộp thuốc cần có một số trang thiết bị cần thiết sơ, cấp cứu gồm: Bông hút nước: 0,5kg; Băng thun cỡ lớn: 2 cuộn; Băng cuộn vải cỡ lớn: 10 cuộn; Băng gạc cỡ lớn: 20 miếng; Băng dính: 20 cuộn; Cồn sát trùng iot: 2 lọ; Nẹp cố định gãy xương đùi: 1 bộ; Nẹp cố định gãy xương cánh tay: 1 bộ.