Cú bứt phá khó lường

Thị trường vàng trong nước sôi sục trong tháng cuối cùng của năm Kỷ Hợi. Giá vàng không ngừng leo thang, từ mức 36,3 triệu đồng/lượng hồi giữa năm đã nhanh chóng vượt ngưỡng 42 triệu đồng rồi qua mốc 43 triệu đồng/lượng và hiện đang ở ngưỡng 44 triệu đồng/lượng.

Giá vàng trang sức và vàng Thần Tài thậm chí có lúc đã lên ngưỡng 45 triệu đồng/lượng.

Tính chung trong năm Kỷ Hợi, giá vàng đã tăng khoảng 6,5 triệu đồng/lượng, tương đương gần 18%, một mức sinh lời hơn gấp đôi so với kênh gửi tiết kiệm.

Bà Đỗ Thị Hiền, chủ một cửa hàng ăn lớn tại khu vực Hoàng Mai cho biết giữa năm vừa rồi bà dành dụm được một khoản tiền và định vay thêm ngân hàng để đầu tư vào một căn hộ chung cư cho thuê nhưng thấy thị trường bất động sản có dấu hiệu trầm lắng nên đã quay ra mua 40 cây vàng.

Đợt sốt cuối năm vừa qua vàng tăng giá mạnh thêm 2-3 triệu đồng/lượng trong vòng 1-2 tuần đã giúp bà lời lớn.

Tính chung trong vòng nửa năm qua, bà Hiền đã lãi 7-8 triệu đồng cho mỗi cây vàng, tương đương tổng mức lãi lên tới 300 triệu đồng và tỷ suất lợi nhuận là khoảng 20% trong vòng vài tháng.

{keywords}
Giá vàng tăng mạnh trong năm 2019, nhà đầu tư lãi lớn, ăn Tết to.

Ông Lê Quang Trí - Giám đốc khối kinh doanh của CTCP Chứng khoán Trí Việt (TVB) cho rằng, sự bứt phá của giá vàng trong năm vừa qua là một diễn biến hợp lý nhờ tác động kép từ cả trong nước và quốc tế.

Theo ông Trí, sau một thời gian dài đi ngang và tích lũy trong vài năm, vàng đã trở lại chu kỳ tăng trưởng. Giá vàng trong nước đã tăng mạnh và theo sát với diễn biến trên thị trường thế giới, không còn tình trạng thế giới tăng, trong nước đi ngang như trước đó.

Đại diện CTCK Trí Việt cho rằng, vàng tăng giá mạnh trong năm vừa qua là tất yếu bởi các nền kinh tế lớn trên thế giới như Mỹ, EU, Trung Quốc… đều đang ở trong xu hướng cung tiền để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Thế giới đang trong một cuộc chiến tiền tệ, một cuộc chiến cung tiền ra trong khi nguồn cung vàng không tăng theo kịp.

Trong năm vừa qua, giá vàng thế giới đã tăng khoảng 19% (lên 1.525 USD/ounce), trong khi đó giá vàng trong nước cũng tăng ở mức gần tương tự. Sau một thời gian dài khoảng 5 năm ở quanh ngưỡng 36 triệu đồng/lượng, vàng đã bứt phá đi lên và ghi nhận một năm 2019 với tỷ suất lợi nhuận cao cho các nhà đầu tư.

Không chỉ nhờ các nước cung tiền lớn, vàng còn được hỗ trợ bởi tình trạng bất ổn xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới. Các nhà đầu tư lớn trên phạm vi toàn cầu, trong đó có ngân hàng trung ương các nước đã đẩy mạnh mua vàng để bảo vệ tài sản.

Trong năm trước đó, năm 2018, giá vàng miếng thế giới không có nhiều biến động, giá lúc cao nhất mới đạt 1.320 USD/ounce và thấp nhất là 1.180 USD/ounce. Trong cả năm 2018, vàng thế giới giảm 2,9%, tương ứng khoảng 40 USD/ounce chốt năm ở mức 1.282 USD/ounce.

{keywords}
Vàng không còn ảm đạm như các năm trước đó.

Thắng đậm vẫn tiền ẩn rủi ro

Theo ông Lê Quang Trí, trong năm vừa qua, vàng là một kênh đầu tư tăng trưởng tốt. Trong hầu như suốt cả năm, vàng theo hướng đi ngang hoặc đi lên, hoàn toàn không có khoảng thời gian nào giảm sâu.

Thậm chí, trong năm có những thời điểm vàng tăng mạnh như hồi tháng 6 và tháng 8 và cú bứt phá hồi cuối năm 2019 đầu 2020. Mỗi một lần bứt phá như vậy, giá vàng tăng thêm khoảng 2-3 triệu đồng trong một thời gian rất ngắn và trụ vững luôn trên mức cao đó, không quay đầu giảm.

Trên thị trường chứng khoán, giao dịch trầm lắng hơn và mức độ tăng giá cũng thấp hơn khá nhiều so với năm trước đó.

Thực tế, trên thị trường chứng khoán có những mã cổ phiếu tăng rất mạnh, lên tới 300% và lời lãi cũng tùy thuộc vào từng danh mục đầu tư. Nhưng tính chung cả năm 2019, chỉ số VN-Index của Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM chỉ tăng 7,7%. HNX-Index của Sàn Hà Nội giảm 1,65% so với cuối 2018.

Lãi suất tiết kiệm trong năm vừa qua có tăng nhưng không đáng kể. Hiện tượng lãi suất huy động tăng không phải là phổ biến và cho các kỳ hạn mà thực tế chỉ là ở một số ngân hàng và giải quyết vấn đề thanh khoản trong ngắn hạn. Lãi suất dài hạn không bị đẩy lên mà có xu hướng giảm xuống theo định hướng cung tiền của Ngân hàng Nhà nước.

{keywords}
 
{keywords}
 

Với kênh bất động sản, theo ông Lê Quang Trí, thị trường này có dấu hiệu chùng xuống và rủi ro tăng lên khi mà một số dự án lớn, trong đó có các dự án condotel gặp khó khăn và tình hình đặc khu có nhiều biến động.

Nếu như trong vài năm trước, khi giá vàng chỉ lình xình đi ngang, và vàng chỉ được chọn là công cụ bảo toàn tài sản, ít nhiều mất mục đích thu lời so với gửi tiền tiết kiệm hoặc đầu tư chứng khoán, thì trong năm vừa qua, vàng đã tỏa sáng và vượt trội hầu hết các kênh đầu tư khác, về cả mặt sinh lời lẫn độ an toàn.

Trong bối cảnh, cả thế giới đang bơm tiền ra nền kinh tế, lạm phát có thể quay trở lại bất cứ lúc nào và bất ổn rình rập ở khắp nơi thì vàng là một lựa chọn an toàn. Hơn thế, triển vọng giá được nhiều tổ chức dự báo tốt khi thế giới có nhiều biến động.

{keywords}
Triển vọng tươi sáng trong 2020.

Trên thế giới, vàng phụ thuộc vào nhiều yếu tố, như tình hình kinh tế - chính trị: quan hệ thương mại, đầu tư, chính trị giữa các nước, phụ thuộc cả và giá nhiều dầu và giá USD… Ở  Việt Nam, vàng không chỉ là một kênh đầu tư, mà còn là một loại tài sản tiết kiệm và tích trữ. Điều này càng đúng vào thời điểm trước và sau Tết Nguyên đán. Bởi vào kỳ nghỉ Tết, người dân thường tiết kiệm được một khoản tiền nên có nhu cầu mua vàng, vừa để tích trữ vừa mang ý nghĩa lấy may.

Một số dự báo trên Kitco cho rằng, 2020 tiếp tục sẽ là một năm “rối loạn và bất ổn” và vàng tiếp tục tăng giá. Vàng có thể lập kỷ lục 2.000 USD/ounce ngay trong 2020 và 2021 khi mà tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ phai nhạt và Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) duy trì lãi suất thấp và các nước vẫn đẩy mạnh mua vàng.

Tuy nhiên, đi cùng với triển vọng tăng giá, vàng luôn tiềm ẩn rủi ro song hành với các biến động thế giới. Vì thế, đầu tư vàng luôn là lĩnh vực nhiều cảnh báo. Nhất là khi đã từng đã có những cú trượt lớn khiến nhiều người thua lỗ đậm tronng các năm trước đây.

V. Minh