Nhiều nhà nghiên cứu Hàn Quốc đã gia tăng cơ hội vào đại học của con em mình bằng cách đưa chúng vào danh sách đồng tác giả trong bài báo khoa học của mình.

Chính phủ Hàn Quốc đang mở rộng cuộc điều tra về việc các nhà nghiên cứu đã thêm tên con em mình vào vị trí đồng tác giả trên các bài báo khoa học do mình và đồng nghiệp thực hiện. Sau báo cáo với chính phủ Hàn Quốc vào cuối tháng 1/2018, cuộc thăm dò mở rộng này được loan báo rộng rãi vào ngày 1/2/2018, trong đó đã xác nhận 82 bài báo quốc tế có đồng tác giả là con hoặc họ hàng của nhà nghiên cứu, thậm chí nhiều em còn đang học phổ thông cấp 2 hoặc cấp 3.

{keywords}
Các học sinh chuẩn bị tham gia kỳ thi Đánh giá khả năng học đại học – kỳ thi chuẩn để vào đại học ở Hàn Quốc. Nguồn: Nature

Trong một số trường hợp, hành động này được cho là để giúp các em có thêm lợi thế khi nộp hồ sơ vào đại học – quá trình thi tuyển vào đại học ở Hàn Quốc vốn cạnh tranh rất khắc nghiệt.

Trong vòng một tháng, cuộc điều tra do Bộ Giáo dục Hàn Quốc đảm trách đã diễn ra nhằm xem xét các bài báo quốc tế do 70.000 nhà nghiên cứu về khoa học và nghệ thuật ở các trường đại học Hàn Quốc xuất bản trong vòng 10 năm qua. Vụ việc này bắt đầu từ một trường hợp phát hiện ra tác giả trẻ em có mặt trong công bố ở Đại học Quốc gia Seoul hồi cuối năm ngoái.

Kết quả điều tra đã được công khai vào ngày 25/1/2018, đã tìm ra những trường hợp tương tự từ 29 trường đại học Hàn Quốc. Trong 39 bài báo thuộc số này có các học sinh được cho là đã tham gia vào nghiên cứu như là một chương trình học liên quan; 43 bài báo khác thì không.

Các công bố có chỉ mục

Bộ Giáo dục Hàn Quốc không công bố tên của các nhà nghiên cứu tham gia vào những bài báo đồng trẻ em giả mạo này cũng như các tạp chí đã xuất bản bài báo. Tuy nhiên, theo các phương tiện truyền thông Hàn Quốc, nhiều bài báo trong số này đã xuất hiện trên các tạp chí thuộc danh mục SCI. Giải thích với Nature, Bộ Giáo dục Hàn Quốc cho rằng việc đánh giá ban đầu dựa vào các vụ việc do chính các trường báo cáo với Bộ, số lượng này có thể không đầy đủ bởi nhiều nhà nghiên cứu còn đang trong kỳ nghỉ đông.

Trong cuộc thăm dò vẫn tiếp tục diễn ra đến 16/3/2018 này, Bộ Giáo dục dự định kiểm tra các bài báo của các tác giả Hàn Quốc được lập chỉ mục trên các cơ sở dữ liệu trích dẫn, bao gồm SCI, Web of Science và Scopus, và để kiểm tra chéo tên họ của 76.000 nhà nghiên cứu thuộc biên chế các trường đại học với những người có mối quan hệ gia đình của họ.

Bộ Giáo dục dự định chuyển từng trường hợp tới ủy ban đạo đức nghiên cứu của các trường đại học quản lý họ để xác nhận liệu trong công bố của họ có hành vi sai trái hay không. Theo quan điểm của Bộ Giáo dục, nếu trường hợp đồng tác giả học sinh không tham gia vào nghiên cứu thì có thể sẽ kỷ luật, thậm chí là sa thải các nhà nghiên cứu vi phạm.

Các trường đại học bị ảnh hưởng nhất về việc đồng tác giả này có cả một số trường đại học hàng đầu ở Seoul như Đại học Sungkyunkwan (8 trường hợp), Đại học Yonsei (7 trường hợp), Đại học Quốc gia Seoul và Đại học Kookmin (6 người). Người phát ngôn của ĐH Sungkyunkwan khẳng định, trường sẽ mở cuộc điều tra theo yêu cầu của Bộ, bao gồm cả phạt hoặc sa thải.

Phát ngôn viên của ĐH Quốc gia Seoul nhấn mạnh rằng vẫn chưa có các phát hiện nào để khẳng định rằng hành vi sai trái đã xảy ra ở trường, và ủy ban liêm chính nghiên cứu sẽ điều tra tất cả các trường hợp. ĐH Yonsei từ chối trả lời câu hỏi của Nature về vụ điều tra, và đang chờ đợi thêm thông tin từ chính phủ.

Phát ngôn viên của ĐH Kookmin nói với Nature rằng một cuộc tìm hiểu ban đầu về các vụ việc của trường cho thấy rằng việc hợp tác là hợp pháp – “Chúng tôi có một số bản ghi và ghi chú rằng con em của họ tham gia vào nhiều hoạt động nghiên cứu, vì vậy, chúng tôi nghĩ là không có vấn đề gì với trường chúng tôi.”

Truyền thông giận dữ

Vụ việc bị tiết lộ đã dẫn tới làn sóng phản đối khắp nước. Trong một bài xã luận, Korea Herald gọi đây là các hành vi “không kém một sự gian lận, đe dọa đến tính liêm chính của trường đại học và giáo dục khắp Hàn Quốc.”

Bộ Giáo dục Hàn Quốc nói rằng bất kỳ học sinh, sinh viên được liệt kê là đồng tác giả mà không tham gia vào nghiên cứu sẽ bị rút lại giấy nhập học.

Theo Kyosu Shinmun – một tờ báo về giáo dục đại học, trong tương lai, Bộ Giáo dục cũng cần nêu có biện pháp tương tự với bất kỳ học sinh ở tuổi vị thành niên là đồng tác giả bài báo quốc tế nào.

Theo Tia sáng/ Thanh Trúc dịch