Sau một thập niên tranh cãi, Hàn Quốc sẽ khánh thành tiểu thủ đô mới, nơi mà những người ủng hộ cho là một thành công về phát triển còn những nhà chỉ trích nói đó là một dự án phung phí tiền bạc để chính phủ giành phiếu bầu một cách cổ điển. 


Thành phố Sejong vào năm 2015 sẽ là nơi đóng đô của 16 bộ hoặc cơ quan và 20 văn phòng chính phủ trung ương, vốn đang tọa lạc ở trong hoặc gần Seoul. Hơn 10.000 công chức sẽ làm việc ở đây, nơi việc xây dựng đã hoàn tất.

Việc xây dựng tiểu thủ đô là nhằm tái cân bằng sự phát triển của quốc gia vì thủ đô Seoul và các thành phố vệ tinh đã chứa gần một nửa dân số và chiếm gần 1/2 sản lượng quốc gia.

Thành phố mới, cách Seoul 120 km về phía nam, sẽ chính thức mở cửa vào 8/7 và lễ khánh thành sẽ diễn ra vào ngày 9/7 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Kim Hwang-Sik.

Tuy nhiên, khoảng 10 cơ quan nhà nước, gồm dinh Tổng thống, bộ ngoại giao, bộ quốc phòng và quốc hội sẽ vẫn ở lại Seoul. Các nhà chỉ trích cho rằng việc chia tách chính phủ sẽ dẫn tới việc lãng phí thời gian đi lại và không hiệu quả.

Thành phố mới trải rộng 465km vuông. Tổng số 22,5 nghìn tỷ won, gồm cả 8,5 nghìn tỷ won quỹ nhà nước, đã được chi để tạo cơ sở hạ tầng, tòa nhà chính phủ và nhà cho các cư dân sắp tới.

Ý tưởng tạo dựng thành phố Sejong - lấy tên theo tên vị vua thời thế kỷ 15, người có công phát triển hệ thống chữ cái Triều Tiên, xuất phát từ ông Roh Moo-Hyun khi ông tranh cử Tổng thống vào năm 2002. Mục đích của ông Roh là giảm tình trạng quá nhiều người tập trung tại Seoul, bằng cách chuyển thủ đô tới miền trung - vùng Chungcheong - theo truyền thống là nơi ở của những cử tri không ràng buộc bởi sự thuyết phục của cả hai đảng trong các cuộc bầu cử.

Ông Roh đã thắng cử Tổng thống, một phần là nhờ sự ủng hộ của Chungcheong. Tuy nhiên, năm 2004, tòa án hiến pháp đã ra phán quyết nói, thủ đô phải là Seoul. Roh đã sửa đổi kế hoạch, giữ lại một số bộ ở Seoul và mô tả Sejong là thành phố hành chính thay vì thủ đô mới. 

Tổng thống bảo thủ Lee Myung-Bak, nhậm chức năm 2008, muốn giảm quy mô dự án và biến nó thành một trung tâm khoa học, giáo dục và kinh doanh thay vì một trung tâm của chính phủ.

  • Hoài Linh (Theo Asia1)