Theo phản ánh của các hộ dân đang sản xuất, kinh doanh ở xã Xuân Hồng, suốt nhiều năm qua họ không được sử dụng điện sản xuất, mặc dù đã rất nhiều lần đề nghị, nhưng Hợp tác xã (HTX) dịch vụ điện năng Xuân Khánh không bán.
HTX dịch vụ điện năng Xuân Khánh là đơn vị cung cấp điện cho các hộ dân xã Xuân Khánh (nay là xã Xuân Hồng) hàng chục năm nay. Tuy nhiên, cũng từ đó đến nay các hộ sản xuất, kinh doanh ở đây chưa được dùng điện sản xuất, dẫn đến họ phải “gánh” chênh lệch giá từ 1 triệu đến chục triệu đồng/tháng.
Ông Ngô Khắc Quang ở xã Xuân Hồng cho biết, nhà ông có trang trại nông nghiệp tổng hợp nuôi 50 con lợn nái và 500 con lợn thịt. Năm nào ông cũng kiến nghị được lắp điện sản xuất, nhưng HTX điện Xuân Khánh không đồng ý mà phải dùng điện sinh hoạt giá bậc thang.
Theo tính toán của ông Quang, trang trại nhà ông có hệ thống quật điện thông gió, nếu được lắp điện sản xuất thì tiền điện chỉ rơi vào khoảng 4 - 5 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, với giá điện sinh hoạt bậc thang như hiện nay, một tháng nhà ông tiêu tốn hết khoảng hơn 20 triệu tiền điện.
“Khi xây dựng trang trại, tôi đã lắp các hệ thống điện, quạt gió theo tiêu chuẩn, nhưng suốt hơn chục năm qua nhà tôi chỉ dám sử dụng khoảng 30% công suất vì tiền điện quá lớn”, ông Quang bức xúc nói.
Cũng như gia đình ông Quang, gia đình anh Lê Đình Hòa (thông Phúc Cường) làm xưởng mộc 10 năm nay, nhưng chưa được dùng điện sản xuất, tháng nào cũng phải nộp 2,5 - 3 triệu đồng. Với quy mô xưởng 100m2 như nhà anh, nếu được lắp điện sản xuất, chi phí tiền điện rơi vào khoảng 500 - 700 nghìn đồng/tháng.
Nhà bà Lê Thị Đào làm máy sản xuất gạch vồ từ năm 2012 và có giấy phép kinh doanh, nhưng HTX dịch vụ điện điện lại không cấp điện sản xuất mà lại tính điện kinh doanh. Việc thu tiền điện không có hóa đơn, chỉ được ghi vào cuốn sổ tay và tờ giấy.
“Theo Thông tư số 23/VBHN-BCT, ngày 16/10/2018 của Bộ Công Thương quy định về thực hiện giá bán điện, các hộ dân như chúng tôi được mua điện sản xuất chỉ 1.685 đồng/kWh. Nhưng nhà tôi đang phải trả giá điện kinh doanh 2.666 đồng/kWh. Có nghĩa, mỗi kWh điện nhà tôi đang phải chịu thiệt gần 1.000 đồng”, bà Đào bức xúc phản ánh.
Để tìm hiểu về những bất cập kể trên, phóng viên đã nhiều lần liên hệ với ông Nguyễn Văn Khôi, Giám đốc HTX điện năng Xuân Khánh, tuy nhiên ông này đều từ chối trả lời.
Ông Nguyễn Đức Toàn, Chánh Thanh tra sở Công Thương cho biết, khi bán điện cho các hộ sản xuất hay kinh doanh thì phía HTX điện lực phải cho người xuống khảo sát để xác định mục đích sử dụng điện. Trên cơ sở đó, phía điện lực sẽ làm hợp đồng mua bán điện với người dân, không được tự ý chuyển từ giá điện sản xuất sang điện kinh doanh hay điện sinh hoạt.
“Sau khi tiếp nhận được thông tin, Sở sẽ cho thanh kiểm tra đối với HTX điện năng Xuân Khánh để chấn chỉnh việc kinh doanh điện của hợp tác xã, đồng thời hướng dẫn cho các hộ nắm đầy đủ quy định để được mua điện theo đúng mục đích sử dụng, nhằm đảm bảo quyền lợi cho người dân”, ông Toàn cho biết.
Lê Dương