Cơ chế giá điện thiếu đột phá, chậm thay đổi
Ủy ban Kinh tế vừa có báo cáo kết quả phiên giải trình “Thực trạng, giải pháp phát triển điện lực đến năm 2030 nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội”. Phiên giải trình này diễn ra vào ngày 7/9/2020.
Theo Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, hiện nay, Việt Nam chưa có giá điện hai thành phần, giá mua điện theo miền, theo khu vực để đưa ra định hướng đầu tư và phát triển phụ tải. Trong quá trình điều hành, chưa thực hiện được đầy đủ việc điều chỉnh giá điện theo cơ chế thị trường do ảnh hưởng đến tình hình kinh tế vĩ mô ở một số thời điểm nên còn treo một số khoản chi phí (các khoản chênh lệch tỷ giá thực hiện theo hợp đồng mua bán điện của các năm trước)...
Ủy ban Kinh tế của Quốc hội kiến nghị đẩy nhanh lộ trình thực hiện thị trường mua, bán điện cạnh tranh. |
"Cơ cấu biểu giá bán lẻ điện được xây dựng từ năm 2014 nên chưa phù hợp với thực tế tiêu thụ điện của các nhóm khách hàng”, Ủy ban Kinh tế nhận xét.
Ngoài ra, Ủy ban này cho rằng giá điện từ nguồn năng lượng tái tạo hiện cao hơn so với nguồn điện từ nguồn năng lượng truyền thống (nhiệt điện, thủy điện lớn,... ). Tập đoàn Điện lực Việt Nam đang được nhà nước giao thực hiện mua toàn bộ sản lượng điện từ các dự án điện năng lượng tái tạo với mức giá do nhà nước quy định.
"Như vậy, chi phí bù giá cho năng lượng tái tạo đang được hòa chung với chi phí của ngành điện, chưa tách rõ ràng trong hóa đơn tiền điện. Khi tỷ trọng năng lượng tái tạo tăng lên thì thành phần bù giá sẽ ngày càng tăng và ảnh hưởng lớn đến chi phí giá thành ngành điện”, Ủy ban Kinh tế đánh giá.
Do vậy, Ủy ban Kinh tế kiến nghị đẩy nhanh lộ trình thực hiện thị trường mua, bán điện cạnh tranh, cơ chế hợp đồng mua bán điện trực tiếp giữa nhà sản xuất và khách hàng tiêu thụ, cơ chế đấu thầu, đấu giá cung cấp năng lượng phù hợp, đặc biệt trong các dự án đầu tư năng lượng tái tạo, năng lượng mới; minh bạch giá mua, bán điện.
"Tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện giá bán buôn và bán lẻ điện bảo đảm các nguyên tắc của cơ chế thị trường, tính đúng, tính đủ và tạo nguồn lực tài chính để tái đầu tư ngành năng lượng, khắc phục cách tính giá điện chưa hợp lý như hiện nay”, Ủy ban Kinh tế nêu rõ và lưu ý cần xoá bỏ mọi rào cản để bảo đảm giá điện minh bạch do thị trường quyết định; không thực hiện bù chéo giá điện giữa các nhóm khách hàng, giữa các vùng, miền.
Cần xây dựng bản đồ ngập lụt hạ du và hồ chứa nước
Đề cập đến việc bảo đảm an toàn cho các công trình thủy điện, nhất là thủy điện vừa và nhỏ, Ủy ban Kinh tế cho rằng trước các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và thời tiết cực đoan (mưa lũ kết hợp với biến động địa chất) đặt ra thách thức ngày càng lớn.
Trong khi đó, hiện nay các quy định trong các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật lựa chọn địa điểm xây dựng, khảo sát địa chất - địa hình để xây dựng các công trình nói chung trong vùng có nguy cơ sạt lở đất, lũ ống, lũ quét còn chưa đầy đủ.
Chất lượng rừng trồng thay thế còn tồn tại một số nhược điểm như: loại cây trồng chưa phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, rừng trồng chưa bảo đảm mật độ, chưa bảo đảm được sự đa dạng sinh học, thảm phủ và môi trường tương đương rừng tự nhiên...
Thủy điện xả lũ. |
Theo Ủy ban Kinh tế, hành lang thoát lũ bị co hẹp do việc xây dựng lấn chiếm của các công trình dân dụng cũng như các công trình giao thông (đường ngang, cống qua đường, ngầm tràn) có khẩu độ chưa phù hợp, không đáp ứng được khả năng thoát lũ.
Mặt khác, bản đồ ngập lụt hạ du đập và hồ chứa nước chưa được xây dựng hoặc đã xây dựng nhưng chưa phù hợp để làm cơ sở xác định phạm vi và mức độ ngập của vùng hạ du đập, gây khó khăn trong công tác chỉ đạo, điều hành ứng phó khi hồ xả nước theo quy trình, xả lũ trong tình huống khẩn cấp hoặc vỡ đập.
Để bảo đảm an toàn đối với các dự án thủy điện và hạn chế các tác động xấu đến môi trường, Ủy ban Kinh tế đề nghị khẩn trương nghiên cứu, ban hành các hướng dẫn về điều tra, khảo sát dấu hiệu cảnh báo nguy cơ sạt lở đất, lũ ống, lũ quét để có phương án di dời khẩn cấp đối với các công trình hiện hữu trong mùa mưa lũ; đồng thời sớm ban hành hướng dẫn kỹ thuật trong việc lựa chọn, khảo sát địa điểm xây dựng công trình lán trại, trụ sở làm việc, cụm dân cư trong vùng có nguy cơ sạt lở đất.
"Khẩn trương xây dựng, phê duyệt bản đồ ngập lụt hạ du đập và hồ chứa nước nhằm kịp thời triển khai công tác ứng phó với tình huống thiên tai khẩn cấp. Nâng cao chất lượng thẩm định, phê duyệt đánh giá tác động môi trường đối với các dự án thủy điện”, Ủy ban Kinh tế nêu ý kiến.
Đồng thời, cần tiến hành đánh giá lại quy trình vận hành điều tiết lũ của các hồ chứa trên cơ sở cập nhật các đặc trưng lũ và năng lực vận hành các công trình thủy lợi - thủy điện để có giải pháp bổ sung, điều chỉnh cả về mặt công trình và phi công trình nhằm bảo đảm an toàn.
Việt Nam đối mặt với nguy cơ thiếu điện Theo Ủy ban Kinh tế, đầu tư cho ngành điện nói riêng và năng lượng khác (than và dầu khí) từ 2016 trở lại đây đã có sự chững lại, trong khi tăng trưởng kinh tế ở mức cao hơn, nhu cầu điện nhiều hơn. Giai đoạn 2016 2019, tăng trưởng xây dựng nguồn điện đã sụt giảm đáng kể với bình quân chỉ đạt 8%/năm, trong đó giảm nhiều nhất là thủy điện (chỉ còn bình quân 5%/ năm) và nhiệt điện than (chỉ còn bình quân 10%/ năm). Nguyên nhân chủ yếu của hiện tượng này là thủy điện đã khai thác hầu hết tiềm năng kinh tế trong giai đoạn trước; nhiệt điện than gặp nhiều khó khăn trong công tác xây dựng. Trong khi đó, điện sinh khối còn chiếm tỷ trọng rất khiêm tốn trong cơ cấu nguồn điện (đến năm 2019 chiếm 0,58%). Đối với điện năng lượng tái tạo, do phụ thuộc nhiều vào điều kiện thời tiết, địa hình, khí hậu,... nên tiềm năng các nguồn năng lượng tái tạo thường tập trung ở một số địa phương, mặt khác, hệ thống lưới điện chưa đáp ứng yêu cầu về truyền tải công suất... Sự phát triển chưa đồng bộ giữa nguồn điện, lưới điện và việc chậm tiến độ các dự án lớn dẫn đến thực tế công suất nguồn điện tại nhiều nơi còn dư thừa, chưa giải tỏa hết trong khi đó lại có nguy cơ thiếu điện cục bộ trên diện rộng. |
Lương Bằng