Chia sẻ của ông Đinh Việt Thắng - Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam.
Đẩy mạnh chuyển đổi số toàn ngành
- Xin ông cho biết ngành hàng không đã có những kế hoạch, chiến lược gì về chuyển đổi số (CĐS) cho toàn ngành?
Để triển khai quyết liệt chỉ đạo của Bộ Chính trị và Chính phủ về chủ trương, yêu cầu cấp bách trong việc đẩy nhanh quá trình CĐS, thực hiện “Chương trình CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã ban hành “Chương trình CĐS Bộ GTVT đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” và “Kế hoạch ứng dụng CNTT, phát triển Chính phủ số và bảo đảm an toàn thông tin mạng Bộ GTVT giai đoạn 2021-2025”.
Chúng ta thường nhắc tới cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, và trong cuộc cách mạng công nghiệp này, cốt lõi chính là CĐS với sự tích hợp của số hóa, kết nối, siêu kết nối và xử lý dữ liệu thông minh. Đây là quá trình phát triển tất yếu trên toàn cầu, Việt Nam nói chung và ngành hàng không dân dụng Việt Nam cũng không thể nằm ngoài lộ trình ấy.
Có thể khẳng định chắc chắn rằng, CĐS phục vụ yêu cầu của công tác chỉ đạo, điều hành và phát triển bền vững của ngành hàng không dân dụng Việt Nam là một nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong giai đoạn hiện nay.
- Hàng không Việt Nam (HKVN) đã “bắt tay” vào CĐS như thế nào? Sự hỗ trợ của Cục HKVN trong công cuộc CĐS đối với các DN hàng không tư nhân và DN nhà nước có sự khác biệt gì không, thưa ông?
CĐS hiện là nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên số một của Đảng, Chính phủ khi chỉ đạo các bộ, ngành. Và HKVN cũng không ngoại lệ. Sự quan tâm của Đảng, Chính phủ về công tác CĐS trong ngành hàng không dân dụng thể hiện trên tất cả các lĩnh vực, từ ưu tiên về vốn đầu tư, nhân lực, thể chế. HKVN nhận thấy trách nhiệm của mình rất lớn lao khi được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Chính phủ để triển khai nhiệm vụ CĐS là nền tảng cho sự phát triển bền vững của toàn ngành trong giai đoạn hiện nay và tương lai.
Trong suốt quá trình đó, Cục HKVN luôn nhận thức rõ ràng về nhiệm vụ CĐS, đó là: CĐS phải đáp ứng nhu cầu thực tiễn cho công tác quản lý nhà nước, chỉ đạo, điều hành của Cục HKVN và trong mối tương quan với các đơn vị, DN toàn ngành, không phân biệt DN nhà nước hay DN tư nhân.
Trong Kế hoạch CĐS của Cục HKVN đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã khẳng định: “Nhận thức đúng vai trò quyết định trong CĐS”. Theo đó, CĐS trước tiên là chuyển đổi nhận thức. Một cơ quan, tổ chức có thể tiến hành CĐS ngay thông qua việc sử dụng nguồn lực, hệ thống kỹ thuật sẵn có để số hóa toàn bộ tài sản thông tin của mình, tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ, cơ cấu tổ chức và chuyển đổi các mối quan hệ từ môi trường truyền thống sang môi trường số. Cục HKVN cần tận dụng tối đa cơ hội để phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, trong đó, việc xác định sớm lộ trình và đẩy nhanh tiến trình CĐS trong ngành hàng không có ý nghĩa sống còn, là cơ hội để phát triển ngành hàng không.
“Thách thức lớn nhất là thay đổi chính mình”
- Đâu là cơ hội và thách thức trong CĐS của ngành HKVN? Từ những cơ hội và thách thức này, ngành hàng không cần lưu ý những gì để có thể CĐS bền vững?
Có thể nói, khi triển khai CĐS trong hoạt động hàng không dân dụng, cơ hội luôn đi cùng với thách thức. Ngành hàng không dân dụng Việt Nam có được cơ hội thực sự, đó là quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng của ngành trong nhiều năm; thể chế, quy định, quy trình và hoạt động đều được tối ưu hoá mạnh mẽ phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế; đó là nền tảng cơ bản để việc ứng dụng các công cụ số được triển khai thuận lợi và hiệu quả…
Đi kèm với đó, thách thức đặt ra chính là cần có sự thay đổi mạnh mẽ về tư duy và nhận thức trong toàn ngành về CĐS. Nếu chúng ta có suy nghĩ rằng, hoạt động của hàng không đã tối ưu hoá rồi, ứng dụng công nghệ hiện đại rồi và không cần có nhiều sự thay đổi và tiếp tục trăn trở, hoàn thiện chính mình thì chính chúng ta sẽ bị tụt lùi.
Các thành tựu khoa học công nghệ nói chung và CĐS nói riêng xuất hiện liên tục và không ngừng, nếu tư duy và nhận thức của nhà quản lý và của cán bộ, công nhân viên chức không thay đổi kịp và vượt trước sự thay đổi của khoa học công nghệ và CĐS, thì chính chúng ta sẽ bị cuốn theo. Thách thức lớn nhất của HKVN khi triển khai nhiệm vụ CĐS chính là thay đổi chính mình.
Tôi rất thích một câu ngạn ngữ ngày xưa, câu này rất phù hợp với nhiệm vụ CĐS của chúng tôi, đó là: “Không ai tắm hai lần trên cùng một dòng sông”. Trong dòng chảy của khoa học công nghệ và CĐS, thay đổi tư duy và nhận thức là thách thức lớn nhất.
Tối ưu hoá hoạt động của ngành, bảo đảm an ninh, an toàn hàng không
- Từ góc nhìn của cơ quan quản lý, ngành hàng không có tiềm năng và cơ hội gì khi ứng dụng công nghệ và CĐS vào hoạt động TMĐT và vận chuyển hàng hóa?
Như tôi đã trình bày ở trên, ngành hàng không dân dụng Việt Nam đã có một quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng trong nhiều năm; thể chế, quy định, quy trình và hoạt động đều được tối ưu hoá mạnh mẽ phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế. Đó là nền tảng cơ bản để việc ứng dụng các công cụ số được triển khai thuận lợi và hiệu quả đặc biệt trong hoạt động TMĐT và vận chuyển hàng hoá.
Các DN hàng không sẽ giảm được rất nhiều nhân lực nhờ tối ưu hoá quy trình lao động, sản xuất và ứng dụng các công nghệ của CĐS và từ đó giảm chi phí. Việc ứng dụng các công nghệ hiện đại của quá trình CĐS sẽ giúp cho quá trình vận chuyển hành khách, hàng hoá được tối ưu hoá, giảm mức tiêu hao nhiên liệu, trên cơ sở đó giúp bảo vệ môi trường, nâng cao năng lực tiếp nhận, giảm tình trạng tắc nghẽn cả trên không và dưới mặt đất trong hoạt động hàng không dân dụng.
CĐS còn giúp cho các DN trong ngành hàng không giảm được tối đa các thủ tục, chi phí khi thực hiện các thủ tục hành chính tại các cơ quan nhà nước. Nếu như trước đây, việc nộp các hồ sơ để giải quyết thủ tục hành chính có thể lên tới hàng trăm, thậm chí hàng nghìn trang, thì với việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung chuyên ngành hàng không dân dụng, một trong những kết quả ấn tượng nhất của CĐS trong hoạt động hàng không dân dụng trong tương lai, việc xử lý và giải quyết các thủ tục và nhu cầu của DN thực sự là một cuộc cách mạng, sẽ không còn hàng ngàn trang giấy và hồ sơ nữa, chỉ cần những click chuột trên máy tính hoặc đơn giản là sử dụng app trên smart phone. Rất thuận tiện, chắc chắn là như vậy!
- Các công ty trong ngành hàng không có thể vận dụng và ứng dụng các chính sách như thế nào để CĐS thành công và bền vững, thưa ông?
Hiện nay, Cục HKVN đang tích cực tham mưu để hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong hoạt động hàng không dân dụng, tiêu biểu là chúng tôi đang tham mưu và triển khai nhiệm vụ Tổng kết luật hàng không dân dụng và xây dựng mới Luật hàng không dân dụng để đáp ứng nhu cầu phát triển trong giai đoạn tiếp theo của ngành. Trong quá trình đó, Cục sẽ tham mưu để các cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để thể chế hoá hoạt động CĐS trong ngành hàng không, ví dụ như: Luật hoá trách nhiệm quản lý nhà nước về CĐS chuyên ngành hàng không dân dụng, tạo hành lang pháp lý cho việc xây dựng các văn bản dưới luật về quản lý, khai thác, sử dụng hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung chuyên ngành hàng không dân dụng, hay ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về CĐS chuyên ngành phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam và tiêu chuẩn của tổ chức hàng không dân dụng quốc tế.
Chúng ta có thể hình dung trong tương lai, khi hệ thống chính sách hoàn thiện và hạ tầng CĐS, đặc biệt là hệ thống cơ sở dữ liệu chuyên ngành được thiết lập thì các đơn vị quản lý phi công, tiếp viên sẽ trực tiếp sử dụng smartphone có cài đặt ứng dụng để cập nhật về từng phi công, tiếp viên do đơn vị mình đang quản lý, các dữ liệu về nhân thân, về hồ sơ công việc, vị trí làm việc; các đơn vị của quản lý bay sẽ cập nhật dữ liệu về kiểm soát viên không lưu, về từng hệ thống trang thiết bị bảo đảm kỹ thuật đang hoạt động, từng cảng hàng không, sân bay sẽ cập nhật hồ sơ về nhân viên an ninh hàng không, về hạ tầng sân bay…
Giám sát viên an ninh, an toàn các lĩnh vực của Cục HKVN trên cơ sở đó sẽ nhập dữ liệu đánh giá cụ thể trong phạm vi kiểm tra, giám sát. Lãnh đạo Bộ GTVT, lãnh đạo Cục HKVN sẽ nắm được thông tin, số liệu cụ thể, được cập nhật liên tục về các vấn đề cần quan tâm như: hiện tại có bao nhiêu phi công nước ngoài phục vụ cho các đội bay của các hãng HKVN, quốc tịch nào, kinh nghiệm, bằng cấp như thế nào; có bao nhiêu kiểm soát viên không lưu tới thời gian kiểm tra cấp giấy phép hành nghề trong đợt gần nhất, hay số lượng FOD thường xuất hiện nhiều tại cảng hàng không nào, các vụ va quệt trong khu bay thường diễn ra vào khung giờ nào; hay hiện nay có bao nhiêu thiết bị phát sóng VHF tầm xa phục vụ công tác điều hành bay được cài đặt trên các tần số nào, bao nhiêu thiết bị Main, bao nhiêu thiết bị standby, biến đổi khí hậu ảnh hưởng như thế nào tới từng cảng hàng không sân bay, khu vực nào, cảng hàng không nào hay kết cấu hạ tầng nào thường chịu ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu…
Mọi thông số đều có thể được truy cập, đưa ra nhằm mục đích dự báo, đánh giá, phục vụ công tác quản lý nhà nước, chỉ đạo điều hành, đánh giá rủi ro an toàn an ninh, xây dựng quy hoạch bảo đảm an toàn, chính xác, hiệu quả, lâu dài.
Tối ưu hoá hoạt động của ngành trong toàn bộ dây chuyền sản xuất và bảo đảm an ninh, an toàn, đó chính là hiệu quả lớn nhất của CĐS mang lại cho cơ quan quản lý nhà nước và các DN. Từ đó, giảm chi phí và tăng lợi nhận là điều chắc chắn, hơn thế nữa đó sẽ là lợi nhuận bền vững cho các DN hàng không vì gắn liền với việc bảo đảm an ninh, an toàn ở mức cao nhất.
Vũ Điệp (thực hiện)