Nếu không làm việc cho doanh nghiệp du lịch, cung ứng lao động hoặc là thành viên của hội nghề nghiệp, hàng nghìn hướng dẫn viên du lịch (HDV) có thể mất việc. Quy định này triển khai từ 2018, khi Luật Du lịch 2017 có hiệu lực.
Cụ thể, theo quy định mới, một HDV muốn hành nghề phải đáp ứng các điều kiện sau: có thẻ hướng dẫn viên du lịch; có hợp đồng lao động với doanh nghiệp lữ hành hay cung cấp dịch vụ hướng dẫn du lịch, hoặc là hội viên của tổ chức xã hội - nghề nghiệp về hướng dẫn du lịch; có hợp đồng hướng dẫn với doanh nghiệp lữ hành hay được tổ chức, cá nhân quản lý khu du lịch, điểm du lịch phân công.
Hiện nay, tại Việt Nam có trên 20.000 HDV du lịch, nhưng tới hơn 90% là HDV tự do (freelance). Với tốc độ độ tăng trưởng lượng khách như hiện nay, tương lai, con số này sẽ lên tới 30.000 người.Thực tế, bà Phạm Lê Thảo, Phó vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch) dẫn chứng, qua rà soát hệ thống hồ sơ, văn bằng, từ năm 2016 lại đây, cơ quan này đã phát hiện 393 trường hợp sử dụng bằng đại học giả để xin cấp thẻ HDV (năm 2016 có 236 hồ sơ HDV giả và 10 tháng đầu năm 2017 có 157 hồ sơ HDV giả).Chưa kể, cả đạo đức nghề nghiệp và trình độ chuyên môn của hướng dẫn viên đều chưa đáp ứng yêu cầu để có thể cạnh tranh với các nước trong khu vực.Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, cho rằng, con số lớn như vậy, nhưng chúng ta không có một tổ chức nào quản lý đội ngũ HDV. Phần lớn HDV trên cả nước hành nghề tự do, không thuộc quân số đơn vị nào. Điều này đã gây nên nhiều hệ lụy, lộn xộn trong đội ngũ HDV.
Mặc dù Tổng cục Du lịch đã cảnh cáo và có biện pháp xử lý, nhưng tình trạng làm giả hồ sơ để được cấp thẻ HDV vẫn không được giải quyết triệt để. Đã có 300 trường hợp bị chuyển sang cơ quan công an.
Bà Thảo cho biết, từ năm 2010, đã có người tại Bắc Giang sử dụng bằng đại học giả làm thẻ HDV đầu tiên. Thậm chí, có trường hợp sử dụng cả bằng đại học nước ngoài giả một cách tinh vi, gây khó khăn cho các đơn vị thẩm định cấp thẻ HDV của các địa phương.
Vì phần lớn hành nghề tự do, nên theo bà Thảo, công tác quản lý HDV gặp rất nhiều khó khăn. Có những sự việc không hay đã xảy ra, như HDV cầm tiền ứng trước của doanh nghiệp rồi bỏ tour, vi phạm hợp đồng, bỏ rơi khách,...
Vì thế, Luật Du lịch 2017 có hiệu lực từ 1/1/2018, quy định HDV phải thuộc sự quản lý của doanh nghiệp du lịch, đơn vị chuyên cung ứng HDV hoặc hội nghề nghiệp nói trên không chỉ để quản lý mà còn hỗ trợ đào tạo, nghiệp vụ, bảo vệ quyền lợi và phát hiện ra các sai phạm, đưa hoạt động hướng dẫn đi vào khuôn khổ.
Việc thành lập Hội Hướng dẫn viên du lịch Việt Nam cuối tuần trước chính là để góp phần hỗ trợ hoạt động, bảo vệ quyền lợi của HDV, đồng thời giúp các cơ quan nhà nước quản lý, nắm bắt được hoạt động của lực lượng này.
Với trụ sở chính tại Hà Nội và 2 văn phòng đại diện tại Đà Nẵng và TP.HCM, hiện đã có khoảng 5.000 hướng dẫn viên đăng ký tham gia hội này.
Ngọc Hà