Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM vừa công bố kết quả xét học vụ dự kiến năm học 2019 – 2020.

Theo đó, có 438 sinh viên dự kiến bị buộc thôi học. Trong số này, có 257 sinh viên hệ đại học và 181 sinh viên hệ cao đẳng.

Ngoài ra, còn có hơn 1.100 sinh viên khác thuộc diện dự kiến bị cho thôi học do hết thời gian đào tạo tại trường. Trong số này, có 251 sinh viên hệ cao đẳng và 852 sinh viên hệ đại học. Trường cũng cảnh báo học vụ lần 1 với 367 sinh viên và cảnh báo học vụ lần 2 với 518 sinh viên khác.

Trường ĐH Luật TP.HCM mới đây cũng cảnh báo hơn 270 sinh viên có thể bị buộc thôi học. 

{keywords}
Sinh viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM tốt nghiệp (Ảnh: HCMUT)

Đầu tháng 10, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM thông báo dự kiến buộc thôi học 41 sinh viên và cảnh báo 759 sinh viên khác.

Trước đó, vào tháng 9, Trường ĐH Sài Gòn cũng thông báo xét tạm dừng học, cảnh báo rèn luyện, buộc thôi học với gần 1.000 sinh viên. 

Còn tại Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, 975 sinh viên bị cảnh báo học vụ và 458 sinh viên khác bị buộc thôi học sau học kỳ I năm học 2019 – 2020. Sang học kỳ II, tuy số lượng có giảm nhưng vẫn có hơn 800 sinh viên bị cảnh báo học vụ và 260 sinh viên bị buộc thôi học. 

Ở Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM, 457 sinh viên bị buộc thôi học từ học kỳ 2 năm học 2019 - 2020. Ngoài ra, trường này cũng cảnh báo học vụ 921 sinh viên.

“Rơi rụng” cao nhất tới 25% sinh viên mỗi khóa

Ông Phạm Thái Sơn, Trưởng phòng đào tạo, Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM, cho hay số sinh viên bị buộc thôi học năm 2020 của trường thấp hơn rất nhiều so với các năm 2015, 2016. Những năm này, số sinh viên bị "đuổi" học lên đến gần 2.000 em.

Theo ông Sơn, mỗi khóa trường tuyển khoảng 3.500 sinh viên. Tính chung, tỷ lệ sinh viên bị "rơi rụng" vì nghỉ học, học không đạt…hay vi phạm kỷ luật, bỏ học là khoảng 10%.

Tại Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, bà Nguyễn Thị Xuân Dung, Phó Phòng truyền thông, cho biết mỗi năm có khoảng 5% sinh viên của trường nghỉ học, bao gồm cả trường hợp bị buộc thôi học lẫn các trường hợp tự nghỉ học.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, số sinh viên bị “rơi rụng” hàng năm không đáng kể, khoảng 1-2%. Đây là những sinh viên bị đuổi học, bỏ học, hoặc cảnh báo học vụ nhiều lần dẫn tới buộc thôi học.

Còn ở Trường ĐH Nha Trang, TS Tô Văn Phương, Trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Nha Trang, cho biết tỉ lệ này ở trường là khoảng 10%.

Theo PGS Nguyễn Hoài Thắng, Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, tỷ lệ sinh viên ra trường của Bách khoa chỉ còn khoảng 70-75% tổng số sinh viên đầu vào mỗi khóa.

"Con số này nghe có thể sốc nhưng đây là mức trung bình, ở một số trường thậm chí có tới 30- 40% sinh viên bị "rụng" trong quá trình đào tạo" - ông Thắng nói.

Lê Huyền

TLĐ nói gì về việc chậm cấp bằng ở Trường ĐH Tôn Đức Thắng?

TLĐ nói gì về việc chậm cấp bằng ở Trường ĐH Tôn Đức Thắng?

Gần 2.000 sinh viên Trường ĐH Tôn Đức Thắng dự kiến sẽ được cấp bằng tốt nghiệp vào cuối tháng 11. Tuy nhiên, việc này đã bị hoãn lại.