Nhiều kênh YouTube của công ty môi giới hôn nhân ở Hàn Quốc đang tạo ra hàng nghìn video quảng cáo các cô gái trẻ Việt Nam “như các món hàng”, khiến đàn ông xứ sở kim chi đang tìm vợ có thái độ coi rẻ, trông chờ sự phục tùng, ngoan ngoãn.
Đây chính là một nguyên nhân sâu xa của nạn bạo hành gia đình mà nhiều cô dâu Việt Nam phải chịu đựng, theo khảo sát gần đây đối với các nội dung trên YouTube.
Trong báo cáo đầu tháng này, tổ chức giám sát truyền thông ở Hàn Quốc có tên Liên minh Công dân vì Truyền thông Dân chủ (Citizens’ Coalition for Democratic Media) nhận định việc các kênh YouTube “trưng bày” cô dâu nước ngoài đang đi ngược lại tinh thần của Luật Môi giới Hôn nhân nước này.
Một kênh YouTube môi giới hôn nhân quảng cáo các cô gái Việt Nam. Ảnh: Sisa In. |
Kênh YouTube khuếch đại quan niệm coi rẻ phụ nữ
Các công ty giúp đàn ông Hàn Quốc tìm vợ các nước đã chịu nhiều chỉ trích những năm gần đây khi các vụ bạo hành gia đình có nạn nhân là vợ nước ngoài trở nên phổ biến. Vụ việc chồng Hàn Quốc liên tục đánh đập vợ người Việt trong suốt ba giờ, trước mặt con trai hai tuổi, ngày 4/7 đã gây phẫn nộ dư luận cả ở Hàn Quốc và Việt Nam.
Người chồng họ Kim, 26 tuổi, ở tỉnh Jeolla Nam, thậm chí đập cả chai rượu soju vào vợ mình, khiến cô gái Việt Nam bị nứt xương sườn và nhiều chấn thương khác, phải lưu viện bốn tuần để điều trị. Hắn bị cảnh sát Hàn Quốc bắt khẩn cấp.
Kênh YouTube của các công ty môi giới thường đăng video giới thiệu những cô gái ôm mộng lấy chồng Hàn để khách hàng lựa chọn. Phần hội thoại trong video hoặc phía dưới video có các nhận xét cụ thể về chiều cao, cân nặng, tuổi tác của nhân vật.
“Cô này hơi có tuổi một chút nhưng khá ổn. Cô ta sinh năm 1994, da cũng đẹp, trang điểm lên cũng xinh”, theo một video. Dưới một video khác cùng kênh, người môi giới miêu tả: “Cô gái Việt Nam này mặt mũi có vẻ trẻ trung. Sinh năm 1999, chỉ nhỏ hơn cô ở video trước một tuổi”.
Trang chủ một công ty môi giới hôn nhân. Ảnh: Sisa In. |
Liên minh Công dân vì Truyền thông Dân chủ khảo sát 25 kênh YouTube của các công ty môi giới hôn nhân, được tìm thấy qua từ khóa như “kết hôn quốc tế”, “phụ nữ Đông Nam Á”, “phụ nữ nhập cư”.
Kết quả của khảo sát, cũng là báo cáo mới nhất trong chuỗi 5 báo cáo gần đây của tổ chức về nội dung kỳ thị trên YouTube, hé lộ cách phụ nữ nước ngoài, trong đó có Việt Nam, hiện lên trong mắt hàng triệu lượt xem ở Hàn Quốc.
Trong 7 tháng từ ngày 1/1 đến 10/7, các kênh này đăng tải 4.515 video như trên, và nhóm khảo sát đã theo dõi ngẫu nhiên 518 video. Theo quan sát của Zing.vn trên một kênh, phần lớn video giới thiệu cô gái Việt Nam đang tươi cười phỏng vấn với người môi giới, tuy có một vài video trò chuyện hoặc cảnh đám cưới diễn ra. Mỗi video giới thiệu một người, như vậy có thể thấy số phụ nữ được “quảng cáo” trên YouTube trong thời gian nói trên lên tới hàng nghìn người.
“Ở Hàn Quốc làm sao chọn vợ thế này được? Ở đây thì có thể. Muốn thế nào cũng được”, một khách hàng Hàn Quốc nói trong một video.
“Cô này từng ly hôn, có thể chỉ muốn tiền đây. Cô kia có hình xăm, tôi không muốn con gái có hình xăm”, người đàn ông Hàn nói trong video khác cùng kênh. Cũng trong video đó, người môi giới còn hỏi: “Hôm nay anh đã xem mặt hơn 20 người rồi. Tính từ đầu tới giờ là người thứ 100 rồi. Anh hài lòng chứ?"
"Chúng tôi có thể giúp các bạn (đàn ông Hàn) chọn lựa một cô chỉ biết yêu các bạn thôi", người môi giới trên một kênh khác quảng cáo. "Tiêu chuẩn tuyển chọn của giám đốc công ty chúng tôi là cân nặng không quá 46 kg".
Trong 7 tháng từ ngày 1/1 đến 10/7, 25 kênh YouTube công ty môi giới được khảo sát đã đăng tải 4.515 video quảng cáo cô dâu ngoại quốc. Ảnh: Liên minh Công dân vì Truyền thông Dân chủ. |
Đi ngược tinh thần Luật Môi giới Hôn nhân Hàn Quốc
Một trong những nhận xét chính từ khảo sát cho rằng việc trưng bày và chọn lựa những người vợ tương lai dựa vào ngoại hình, cân nặng, hình dáng cơ thể phản ánh thái độ coi phụ nữ như hàng hóa.
Cưới xin giống như đi mua “con búp bê” hay “mang về nhà một món hàng trả tiền”, thay vì tìm người bạn tâm giao. Đài MBC (Hàn Quốc) nhận xét cứ 10 cơ sở môi giới thì có bốn cơ sở giới thiệu cô dâu như một "món hàng", và đây là hành vi xâm phạm nhân quyền nghiêm trọng.
Trước đây, đàn ông Hàn Quốc đến Việt Nam để gặp cùng một lúc nhiều cô gái. Nhưng dư luận Hàn Quốc dần phản đối và coi hình thức này là vô nhân đạo, chú ý đến tỷ lệ ly hôn 20% của chồng Hàn - vợ Việt, trong đó đa phần đám cưới được tổ chức chỉ vài ngày sau lần gặp đầu.
Vì vậy, năm 2012 các điều bổ sung Luật Môi giới Hôn nhân nước này cấm giới thiệu nhiều cô gái cùng một lúc, theo trang tin Sisa In (Hàn Quốc).
Nhưng các công ty sau đó chuyển hướng sang dùng YouTube, và khách Hàn vẫn có thể “xem mặt” một lúc nhiều người và chọn người ưng ý nhất. Chẳng hạn, công ty In** (được giấu tên trong báo cáo), có kênh YouTube nhắc đến các cô gái sinh năm 1994 và 1999 kể trên, đăng tải 526 video trong 7 tháng từ đầu năm đến ngày 10/7, đồng nghĩa với việc môi giới số lượng phụ nữ ngoại quốc tương ứng, báo cáo viết. Video đầu tiên trên kênh hiện tại của công ty là từ đầu 2018.
Chồng Hàn Quốc say xỉn và đánh đập người vợ Việt Nam trước mặt đứa con trai hai tuổi ngày 4/7, gây phẫn nộ dư luận hai nước. Ảnh: Korea Times. |
Phụ nữ ngoại quốc hiện lên trên các kênh YouTube quảng cáo luôn hiền lành và làm tốt việc nhà, biết phục vụ chồng và không phàn nàn, thậm chí đối với đòi hỏi quan hệ tình dục của chồng. Các lợi ích như “đi tất cho chồng”, “ngoan ngoãn ở nhà”, “nấu ăn giỏi”, “chăm sóc, nấu ăn cho chồng và mẹ chồng” được các kênh “lăng xê”, mời gọi người tìm vợ ở Hàn Quốc.
Một người lấy vợ Thái Lan khoe: "Vợ tôi còn đi tất cho tôi... Dù tôi về nhà muộn, cô ấy vẫn không ăn cơm mà chờ tôi. Tôi bảo vợ ăn cơm trước đi, nhưng cô ấy nói là phải ăn cùng".
“Em muốn làm gì khi tới Hàn Quốc”, người môi giới hỏi trong một video khác. “Em muốn làm việc nhà để chồng đi làm”, cô gái trả lời, rồi được vỗ tay, khen ngợi.
Dù các video này được tạo ra để quảng cáo, hàng nghìn video có nội dung như trên khiến đàn ông Hàn Quốc có quan niệm coi rẻ và lầm tưởng về lấy vợ nước ngoài, báo cáo nhận xét.
Các lợi ích như “đi tất cho chồng”, “ngoan ngoãn ở nhà”, “nấu ăn giỏi”, “chăm sóc, nấu ăn cho chồng và mẹ chồng” được các kênh “lăng xê”, mời gọi người tìm vợ ở Hàn Quốc. Ảnh: Chụp màn hình. |
Tổ chức thực hiện khảo sát cho rằng cách thức kinh doanh này đang đi vào vùng xám về pháp lý. Điều 12 Luật Môi giới Hôn nhân Hàn Quốc quy định công ty môi giới hôn nhân không được quảng cáo sai lệch, hoặc phân biệt đối xử, hoặc cổ xúy cho các thành kiến về quốc tịch, chủng tộc, giới tính, tuổi tác, nghề nghiệp.
Mức hình phạt bao gồm đóng cửa kinh doanh một năm, ngồi tù dưới ba năm, hoặc phạt tiền lên tới 30 triệu won (24.500 USD).
Cách thức quảng cáo và thương mại hóa phụ nữ như ôsin, trên quy mô lớn, là một nguyên nhân căn bản của nạn bạo hành gia đình, báo cáo nhận định. 42% số cô dâu ngoại quốc thừa nhận bị bạo hành (387 trong số 920 người được khảo sát vào tháng 6/2018), theo số liệu của Ủy ban Nhân quyền Quốc gia Hàn Quốc (NHRCK).
Họ bị ngược đãi cả về thể xác lẫn tinh thần. Trong số cô dâu thừa nhận bị bạo hành, 81,1% nói họ bị quấy rối về tinh thần và chửi rửa. 67,9% nói họ bị cưỡng hiếp hoặc quấy rối tình dục ngay trong nhà. Ít nhất 77 cô dâu từng bị đe dọa bằng vũ khí.
Nhóm thực hiện khảo sát cũng kêu gọi YouTube và các cổng thông tin có ảnh hưởng khác trấn áp các kênh quảng cáo cô dâu, vì các kênh này có dấu hiệu vi phạm nhân quyền.