TS. Nguyễn Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch cho biết, rác thải nhựa tác động xấu đến các hoạt động du lịch, gây ô nhiễm môi trường. Sự tồn tại của rác thải nhựa làm mất đi cảnh quan đẹp và sự hấp dẫn của các khu, điểm du lịch, gây phản cảm cho khách du lịch, đặc biệt với du lịch biển, đảo; giảm doanh thu và đóng góp của ngành du lịch: Làm suy giảm lượng khách, thiệt hại về kinh tế ngành du lịch, ảnh hưởng đến nền kinh tế địa phương.

Nhiều khu du lịch đã và đang phải đối mặt với hiện tượng ô nhiễm rác thải, đặc biệt là rác thải nhựa như: Vịnh Hạ Long, trung bình 4 tấn rác thải/ngày đêm, chủ yếu là rác thải nhựa trôi nổi trên biển; Đà Nẵng: 1.100 tấn rác thải/ngày đêm, trong đó rác thải nhựa chiếm 17%; Tuy Hòa (Phú Yên): 524 tấn rác thải/ngày đêm, rác thải nhựa chiếm 18,31%; Rạch Giá (Kiên Giang): 250 tấn rác thải/ngày đêm, trong đó 4,48 tấn rác thải rắn/ngày thải ra môi trường.

Lượng phát sinh rác thải nhựa từ khách du lịch khi chưa chịu tác động của đại dịch COVID-19 khoảng 116.144 (tấn/năm) vào năm 2019. Dự báo, lượng phát sinh rác thải nhựa từ hoạt động du lịch năm 2030 là 336.400 (tấn/năm).

Trước thách thức rác thải nhựa đang ảnh hưởng trực tiếp đến ngành du lịch, dự thảo “Kế hoạch hành động giảm thiểu rác thải nhựa trong ngành du lịch” đã được Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Cục Du lịch quốc gia và Quỹ Môi trường Toàn cầu, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc đưa ra và thảo luận ngày 6/8.

Kế hoạch này khi hoàn thiện sẽ được triển khai trong giai đoạn từ nay đến năm 2030 với mục tiêu du lịch không rác thải nhựa. 

Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề, Hiệp hội Du lịch Việt Nam (VITA) dự kiến sẽ ban hành Kế hoạch hành động về giảm thiểu rác thải nhựa trong ngành du lịch. Đây là cơ sở để các thành viên của VITA thực hiện các hoạt động giảm thiểu rác thải nhựa một cách bài bản, hiệu quả cao, qua đó góp phần đạt được các mục tiêu đặt ra trong Nghị định 08/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ Môi trường và Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030.

W-minhhoa.png
Ảnh minh hoạ

Cụ thể, mục tiêu đến năm 2025, 100% các đơn vị thành viên của Hiệp hội Du lịch Việt Nam được nâng cao nhận thức về tác hại của rác thải nhựa và tầm quan trọng của việc giảm thiểu rác thải nhựa; 50% các thành viên Hiệp hội du lịch Việt Nam là khu du lịch, khách sạn không sử dụng túi ni lông khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần; 100% các đơn vị thành viên của Hiệp hội Du lịch Việt Nam ban hành hướng dẫn/kế hoạch giảm thiểu rác thải nhựa hoặc lồng ghép nội dung giảm thiểu rác thải nhựa trong các quy chế/kế hoạch hoạt động. Phấn đấu đến năm 2030, 100% các thành viên Hiệp hội du lịch Việt Nam không sử dụng túi ni lông khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần.

Bên cạnh đó, nền tảng số về rác thải nhựa của VITA được xây dựng và vận hành; nội dung về giảm thiểu rác thải nhựa được đưa vào Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam (VITM) hàng năm để thông tin, tuyên truyền kiến thức, tri thức về giảm thiểu rác thải nhựa; Bộ tài liệu hướng dẫn giảm thiểu rác thải nhựa đối với khách sạn/nhà hàng, khu du lịch, các điểm tham quan du lịch, lễ hội, các doanh nghiệp lữ hành; khách du lịch được xây dựng và ban hành; Bộ tiêu chí công nhận doanh nghiệp du lịch không rác thải nhựa được ban hành và áp dụng rộng rãi trong các đơn vị thành viên của VITA.

Đồng thời xác định 6 nhiệm vụ trọng tâm dưới đây để giảm thiểu rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch:

Một là, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về giảm thiểu rác thải nhựa, trong đó phối hợp với các phương tiện thông tin đại chúng (truyền hình, phát thanh, báo chí, internet, mạng xã hội…) nâng cao nhận thức, phổ biến tri thức về giảm rác thải nhựa cho các cơ sở kinh doanh, dịch vụ du lịch.

Hai là, tham gia xây dựng, phổ biến, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về giảm thiểu rác thải nhựa trong du lịch.

Ba là, xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch xanh, không rác thải nhựa. Hướng dẫn phổ biến các hướng dẫn giảm thiểu rác thải nhựa cho các Liên chi hội du lịch chuyên ngành, các đơn vị trực thuộc, Hiệp hội Du lịch các tỉnh/thành phố và cộng đồng doanh nghiệp du lịch.

Bốn là, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến du lịch gắn với giảm thiểu rác thải nhựa với các cơ quan, Bộ ngành chức năng trong và ngoài nước.

Năm là, đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về giảm thiểu rác thải nhựa cho đội ngũ cán bộ của các đơn vị thành viên Hiệp hội.

Sáu là, huy động nguồn lực quốc tế để thúc đẩy giảm thiểu rác thải nhựa.