- Họ và những người khiếm thị khác có chung một số phận với nhiều bất hạnh; người bị mù khi tuổi đôi mươi, người thì khi sinh ra đã thế! Thế nhưng khác là họ đã biết nhìn lên phía trước, bấu víu vào nhau mà sống. Và khi những bàn tay biết đan vào nhau thật chặt thì hạnh phúc cũng mỉm cười với họ.

Tin bài cùng chuyên mục:


Một ngày thấy đời chỉ toàn bóng tối…

Chìu A Tài sinh năm 1980, là thanh niên người Dao quê ở huyện Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh. Từ khi sinh ra, cuộc sống của anh gắn với làng bản, ruộng nương và một cuộc sống bình thường… Anh Tài kể: Tôi đi đâu cũng được, thoắt cái vào rừng kiếm củi, thoắt cái lên rừng xem ngô, chăn trâu, chăn bò, đi xe máy… việc gì tôi cũng biết. Bàn chân trèo cao, bàn chân lội suối, chỗ nào tôi muốn đi là đi được
"Đôi mắt bỏ đi, người vợ xinh đẹp cũng bỏ đi..." anh Tài chia sẻ

Năm 18 tuổi anh lấy vợ, một cô gái có mái tóc dài và đẹp nhất nhì ở bản. Người vợ đó sinh cho Tài 3 đứa con. Hai vợ chồng đang quần quật làm lụng để có tiền nuôi con thì Tài thấy mắt có nhiều dấu hiệu khác thường..

Một ngày đầu tiên mắt Chìu A Tài mỏi mệt, vài ngày sau mắt tối dần, ban đầu tối vài phút và sau đó tối hàng tiếng đồng hồ. Nhà đông con, làm lụng vất vả để nuôi con, anh Tài không được đi chữa bệnh, đến khi hai con mắt rơi vào tình trạng trầm trọng thì Tài mới buộc phải đi khám. Năm 21 tuổi Tài đến viện, bác sĩ nói: “Dây thần kinh khô hết rồi, mắt đã hỏng”.

Khi ấy anh Tài buồn như nhận được tin ngày mai mình chết. Một ý nghĩ đơn giản xuất hiện trong đầu anh: Tôi sẽ không đi đâu được nữa. Tôi sẽ làm gì để có cái ăn… ở trên nhà tôi chỉ muốn chết thôi.
 
Một thời gian ngắn sau người vợ xinh đẹp của Tài bỏ đi. “Chỉ 2 năm sau cô ấy lấy chồng nữa, tôi phải nuôi 3 người con và sống nhờ bố mẹ trong đói nghèo và bóng tối”.

Thế rồi theo thời gian có người biết đến Tài, người ta đến vùng heo hút vận động anh đi học tẩm quất. “Học tẩm quất có thể nuôi mình, học tẩm quất được làm việc thì sẽ thấy đời có ý nghĩa hơn… được động viên như thế, tôi khăn gói ra Vân Đồn học nghề năm 2007. Tìm ra cách sống, tức là chấm dứt những ngày “chỉ muốn chết thôi” và mở ra những ngày với với một người bạn đời mới.

Khi sinh ra không biết màu của trời…

“Khi sinh ra tôi đã bị mù, màu của bầu trời không biết, khuôn mặt của từng người không biết…” chị Thúy nói

Chị Lê Thị Thúy sinh 1986 cũng là người phụ nữ bất hạnh. “Khi sinh ra tôi đã bị mù, màu của bầu trời không biết, khuôn mặt của từng người không biết… Ăn ngủ đi đứng phải nhờ mẹ giúp cho”.

Chị Thúy tâm sự rất thật: “Nhà mình có hai chị em gái, mình khuyết tật còn em lành lặn. May mắn mẹ thương yêu mình thực sự, mẹ luôn bảo: Con sinh ra thế rồi, con phải cố lên”.

Chị Thúy bảo đã có lúc phải khóc ròng, làm người mà bao nhiêu tủi thân, chán nản. Thế nhưng thật may sau đó chị đi học tẩm quất, gặp bao nhiêu mảnh đời như mình. Bao nhiêu những con người mà cuộc đời họ cũng sinh ra bóng tối hoặc bị tước đoạt ánh sáng từ khi còn trẻ tuổi bởi những đen đủi của số phận… Chị dần lạc quan lên.

Khi chị và anh Tài đi làm chung ở một cơ sở tẩm quất thì họ quấn vào nhau. Cả hai cùng bị mù nên gia đình hai bên phản đối quyết liệt. “Cùng mù lấy nhau thì lấy ai chăm con, cùng mù thì chăm sóc cho nhau sao được”… Tủi thân đè lên cả hạnh phúc riêng tư. Khuôn mặt của chị Thúy lúc ấy rất buồn, nó như bao chứa sức tuyệt vọng to lớn của một thế lực siêu nhiên nào đó.

Không thể nhìn cùng một hướng, thì họ cùng nghĩ chung một hướng
Ai bảo hai nửa trái tim tật nguyền, gắn vào nhau sẽ không thành một trái tim?

Cuộc đời cho họ gặp nhau như thế, thế rồi dễ ai cưỡng lại được số phận. Họ tìm cách có con với nhau, khiến gia đình hai bên ngỡ ngàng rồi phải cưới.

Chị Thúy thật thà như đếm nói: Tích lũy của hai người chỉ là thời gian ở bên cạnh nhau. Chúng tôi có con với nhau thì gia đình mới cho cưới.

Không có một lời nói hoa mỹ nào giữa họ. Họ đối xử và yêu thương nhau bằng sự thẳng thắn. Khi con nhỏ của họ hơn một tuổi, ngoan ngoãn, xinh xắn thì sự yêu thương đó lại nhân lên gấp bội. Họ đan những bàn tay vào nhau như ngại ngùng với quá khứ nhưng lại tự hào về tương lai. Thế là dù không thể nhìn cùng một hướng, thì họ cùng nghĩ chung một hướng.

“Làm ở cơ sở tẩm quất đủ để ăn tiêu, chăm con… Tháng trước anh Tài ăn cơm rồi còn có lương hơn 3 triệu. Tôi cũng được đều đặn hơn 2 triệu/1 tháng” chị Thúy chia sẻ.

“Ở đời có những thứ mình muốn mà không có được, mình có được nhưng mình lại không muốn… sau những gì trải qua tôi cố gắng hài lòng với những vừa vặn mà ông trời cho, như thế tốt hơn nhiều” anh Tài tâm sự.

Triết lý gắn vào nhau của hai người khuyết tật, triết lý của Tài, triết lý của Thúy... Ai bảo hai nửa trái tim tật nguyền, gắn vào nhau sẽ không thành một trái tim?

  • Minh Hải