iDEpR80Tsozw.jpg
Các hộp đựng iPhone trên kệ cửa hàng tại Luân Đôn, Anh. Ảnh: Bloomberg

>> Hành trình về Việt Nam "lòng vòng" của iPhone cũ/ Apple trở thành “siêu nhân” bán lẻ như thế nào?

Quá trình vận chuyển bắt đầu ở Trung Quốc, nơi những chiếc iPhone hoàn thiện được chuyển từ nhà máy trong các công-ten-nơ, chất lên xe tải và chuyển đi bằng đường hàng không. Hành trình kết thúc tại các cửa hàng, nơi hãng công nghệ lớn nhất thế giới liên tục có những sự điều chỉnh dựa theo nhu cầu của khách hàng.

Hoạt động được kiến thiết dưới triều Cook, người giám sát chuỗi cung ứng nguồn của Apple trước khi ông lên kế nhiệm Steve Jobs năm 2011. Để iPhone có thể suôn sẻ di chuyển từ nhà máy tại Trung Quốc tới tay khách hàng là điều vô cùng quan trọng với Apple. Hàng phải đến đích chính xác từng giờ, từng phút, không có ngoại lệ.

Hoạt động hậu cần được khởi động từ nhiều tháng trước khi sản phẩm mới được công bố. Đầu tiên, Apple phối hợp các chuyến bay và xe tải để chuyển linh kiện từ nhà cung ứng tới nhà máy lắp ráp tại Trung Quốc. Các đội ngũ bán hàng, tiếp thị, điều hành, tài chính phải dự báo số lượng thiết bị có thể bán ra.

Con số ước tính nội bộ là tối cần thiết. Nếu không cẩn thận, có thể gây ra sai lầm nghiêm trọng như Microsoft khi rất nhiều máy tính bảng Surface không tiêu thụ được. Một khi có con số dự báo, hàng triệu iPhone sẽ được sản xuất. Những thiết bị này vẫn nằm lại nhà máy trong khi đội phát triển phần mềm tại thủ phủ Apple hoàn tất mọi thứ về iOS. Sau khi phiên bản cuối cùng hoàn thiện, phần mềm sẽ được tải lên điện thoại.

Trước khi sự kiện chính thức diễn ra, iPhone đã được chuyển tới các trung tâm phân phối khắp thế giới, bao gồm Úc, Trung Quốc, CH Séc, Nhật, Singapore, Anh và Mỹ. Đội an ninh theo sát thiết bị từng bước, từ bãi xe tải, sân bay, hải quan, nhà kho cho tới khi sản phẩm được tiết lộ.

Theo nhà tư vấn hậu cần Satish Jindel, hãng vận tải FedEx chuyển thiết bị Apple tới Mỹ chủ yếu bằng máy bay Boeing 777. Chúng có thể bay 15 tiếng liên tục từ Trung Quốc tới Memphis, Mỹ mà không cần nạp nhiên liệu. Boeing 777 chở được khoảng 450.000 chiếc iPhone với chi phí khoảng 242.000 USD (khoảng 5,1 tỉ đồng). Trong quá khứ, Apple từng thuê máy bay chuyên chở của Nga để chuyên chở iPod.

Do có trọng lượng nhẹ và giá bán cao, Apple có thể thoải mái chuyển khối lượng lớn iPhone bằng máy bay mà vẫn duy trì được lợi nhuận cao thay vì dùng vận tải biển như các mặt hàng điện tử khác. “Nếu là sản phẩm như máy in giá 100 USD và kích thước lớn, bạn không thể chuyển hàng như vậy vì sẽ làm hại đến kinh tế”, Mike Fawkes, cựu Giám đốc chuỗi cung ứng tại HP cho biết.

Sau khi iPhone lên kệ, Apple phải quản lý đơn hàng từ những người yêu cầu màu, dung lượng và thậm chí bản khắc cụ thể. Đơn hàng trực tuyến tập kết tại nhà máy Trung Quốc, nơi công nhân tùy biến điện thoại theo yêu cầu để chuyển đi.

Bằng cách kiểm soát việc bán hàng từ cửa hàng bán lẻ, website và cửa hàng được ủy quyền, Apple tái phân phối thiết bị dựa theo nơi nào có nhu cầu mạnh nhất. Ví dụ, những iPhone đang trên dây chuyền lắp ráp tại Trung Quốc cho thị trường châu Âu có thể được dùng để lấp đầy đơn hàng trực tuyến.

Sau khi “cơn sốt” sản phẩm hạ nhiệt, nhân viên của Apple chưa thể vui mừng. Sau mỗi lần ra mắt thiết bị mới, đội ngũ hậu cần phải ở lại trụ sở Apple để nghiên cứu xem có điều gì sai sót hay không, nguồn tin của hãng tin Bloomberg tiết lộ.

Theo Bloomberg