Ngày 14/4, bệnh nhân Phan Hữu Nghiêm được chính Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy đến chúc mừng khi xuất viện. Anh là bệnh nhân có thời gian điều trị lâu nhất tại bệnh viện này. Đây cũng là lần trở về quê nhà vui vẻ nhất của anh Nghiêm.
Năm 2003, anh Phan Hữu Nghiêm (sinh năm 1984) bị ngã. Vết thương khiến máu chảy âm ỉ, bị mủn xương hông, xương đùi và xương chậu.
Năm 2010, anh Nghiêm vào Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) vì bệnh chảy máu di truyền Hemophilia ở thể nặng. Thời điểm đó, bệnh nhân chỉ có thể truyền thuốc yếu tố VIII (một chế phẩm rất đắt tiền) mà chưa có phương án điều trị.
Mẹ anh Nghiêm chăm con nằm viện suốt 11 năm vì căn bệnh hiếm gặp |
Anh Nghiêm cho biết, năm 2014, khối máu tụ bỗng nhiên bị thủng lỗ chỗ như tảng đá ong, khiến máu mủ trào ra ngoài. Tiến sĩ Trần Thanh Tùng, Trưởng khoa Huyết học nhận chỉ đạo của BS Nguyễn Trường Sơn (hiện là Thứ trưởng Bộ Y tế), phải phẫu thuật để cứu bệnh nhân trước.
Ca đại phẫu được tiến hành với sự tham gia của 3 chuyên khoa Huyết học, Ngoại niệu và Chấn thương chỉnh hình. Máu, mủ, xương hoại tử được bóc ra ngoài với khối lượng lên đến gần 3 kg. Khối hoại tử này ăn sâu đến mức khi lấy gần hết, bác sĩ phẫu thuật nhìn thấy cả ruột của bệnh nhân.
Phần bụng hông anh Nghiêm khi đó giống một quả bóng da bị moi hết ruột, để lại lỗ hổng rất lớn. Các bác sĩ dù đã ghép da, dùng nhiều phương cách để khép kín lỗ hổng này cũng không thành công. Vết thương gây ra nhiễm trùng máu kéo dài.
Anh Nghiêm nhận được tin mình được xuất viện |
Anh Nghiêm chia sẻ: “Mổ xong là mình nhẹ lắm, lấy hẳn đi khối máu mủ đến 3 kg mà. Nhưng bác sĩ nói 1 năm vết mổ mới lành. Vậy nhưng 1 năm cũng không lành. Bác sĩ lại động viên bảo 1 năm sau nữa sẽ lành. Mình cũng chờ nhưng vết mổ cứ như vậy. Đến năm thứ 3 thì mình không hỏi nữa, tuyệt vọng lắm, cứ nằm như thế trong bệnh viện thôi. Nhiều lúc muốn bỏ cuộc”.
Suốt 7 năm kể từ ca mổ đầu tiên, bệnh nhân thường trú tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Có lần nhớ nhà quá, anh và mẹ thuê xe về quê. Khi anh vừa được bế vào trong nhà, máu từ vết thương phun ra ướt áo quần không thể nào cầm được.
Chiếc xe lại tiếp tục đưa anh Nghiêm trở ngược lên TP.HCM. Suốt tuyến đường, bác tài phải chạy nhanh hết khả năng vì sợ anh chết do mất máu. Kể từ đó, chỉ có ngày Tết Nguyên đán, anh mới xin về 1-2 ngày, rồi lại vào viện ở.
Cuộc sống của anh Nghiêm có lẽ sẽ cứ như thế đến cuối đời, nếu 1 ngày, bác sĩ Ngô Đức Hiệp không quyết định “liều lĩnh”.
Anh Phan Hữu Nghiêm trong ngày xuất viện |
Tiến sĩ Hiệp là Trưởng khoa Bỏng phẫu thuật tạo hình. Không nỡ nhìn bệnh nhân sống mòn, ông quyết định thử nghiệm phương pháp mới và tốn kém, là hút dịch bằng máy áp lực âm VAC.
Mọi nỗ lực được đền đáp khi vết thương hồi phục dần, 10 lần nhiễm khuẩn máu cũng được xử trí thành công. Bác sĩ Hiệp chia sẻ, chỉ riêng việc thay băng đã rất kiên trì. Khi đó, mùi hôi của phần mô xương hoại tử bay ra khắp phòng bệnh. Thế nhưng các nhân viên y tế không một lần than phiền.
Đến hôm nay, vết thương của anh Nghiêm đã lành. Tuy nhiên do loại bỏ các phần xương viêm nên bệnh nhân chỉ có thể ngồi xe lăn hoặc dùng nạng. Đây là lần xuất viện chính thức của bệnh nhân.
“Về nhà lần này là thực sự nghỉ ngơi, được sống vui, chứ trước đây là như mang cả bệnh viện về theo”, anh Nghiêm chia sẻ.
Bệnh viện thống kê tổng chi phí trong 11 năm điều trị của bệnh nhân này là 40 tỷ đồng. Trong đó, BHYT chi trả 38,3 tỷ đồng. Phần còn lại, Thạc sĩ Lê Minh Hiển, Trưởng phòng Công tác xã hội của bệnh viện đã vận động các Mạnh Thường Quân hỗ trợ. Mẹ của anh Nghiêm, bà Trần Thị Mai, đã nuôi con trong viện suốt 11 năm. Bà nói: “Tôi đi xin cơm từ thiện. Các cô ở bệnh viện bảo tôi cứ ăn đi rồi chữa bệnh cho Nghiêm, các cô sẽ xin tiền cho tôi trả”. Các bác sĩ tại Bệnh viện Chợ Rẫy chia sẻ, họ có lúc không dám nhìn vào mắt người mẹ này, vì chưa chữa khỏi bệnh cho anh Nghiêm. |
Ca Linh
Chàng trai 26 tuổi được ‘làm lạnh’ 24 tiếng, cứu sống sau ngừng tim
Các bác sĩ đã tiến hành kỹ thuật hạ thân nhiệt chỉ huy để bảo vệ não bệnh nhân T. bên cạnh các biện pháp hồi sức tích cực.