- Vấn đề của cô giáo Trần Thị Minh Ngọc là mối quan hệ với đồng nghiệp, xuất phát từ cá tính khác biệt của cô.

Cô Trần Thị Minh Ngọc là giáo viên dạy môn Công nghệ của Trường THPT Xuân Đỉnh, Hà Nội.

Với kinh nghiệm giảng dạy hơn 15 năm, cô đăng ký tham gia chương trình truyền hình thực tế "Thầy cô chúng ta đã thay đổi" trên kênh Truyền hình quốc gia về giáo dục (VTV7) với mong muốn mang lại cho học sinh những tiết học vui vẻ, sôi nổi hơn.

Cô  Ngọc được học sinh yêu mến với phong cách giảng dạy mới lạ, cho học sinh làm việc nhóm, phát biểu nhiều hơn. Môn học của cô vốn ít được các em chú ý hơn các môn khác, nhưng cô đã truyền cảm hứng cho các em bằng sự hài hước và sáng tạo của mình.

Cô Ngọc được học sinh và các chuyên gia đánh giá là một giáo viên sôi nổi, tự tin, biết cách hòa nhập với học sinh.

Tuy nhiên, không phải tiết học nào cô cũng duy trì được những năng lượng tích cực đó. Phong độ của cô trồi sụt thất thường. Nhiều tiết học cô tỏ ra mệt mỏi, không đủ năng lượng để áp dụng phương pháp làm việc nhóm với cả lớp.

Sau những e dè ban đầu, cô Ngọc dần trải lòng về những vấn đề của mình với ban cố vấn.

Cô chia sẻ, nhiều đồng nghiệp đánh giá cô là người có năng lực sáng tạo nhưng… lập dị. Cô tự nhận, quan điểm sống của mình không giống mọi người cho lắm. Những khác biệt trong tính cách, quan điểm sống khiến cô phải trải qua rất nhiều chuyện. Có đồng nghiệp nhận xét tính cô Ngọc “hơi ngang tàng một chút”. Cô Ngọc cũng thừa nhận điều này sau nhiều chuyện xảy ra với mình.

Thầy hiệu phó của trường cho rằng cô có một cá tính mạnh, thẳng thắn đến mức đôi khi gây đụng chạm tới nhiều người và khó nhận góp ý của người khác.

Cô Ngọc cũng thừa nhận, nhiều đồng nghiệp phê phán mình lỳ lợm, cố chấp khi cứ khăng khăng làm theo cách của mình.

Nước mắt đã rơi rất nhiều lần trong tập phim về cô Ngọc. Cô chia sẻ, những mâu thuẫn, mọi chuyện xảy ra với cô có thể nói tất cả đều vì sự khác biệt của mình. “Sự khác biệt đó tạo sự ấn tượng. Sự ấn tượng ấy nằm trong đầu người ta và người ta áp đặt nó cho em” – cô nói.

Những chuyện xảy ra trong mối quan hệ của cô Ngọc với đồng nghiệp khiến cô trở nên ngang tàn, bất cần. Cô tạo cho mình một vỏ bọc, trở nên ít quan tâm tới những nhận xét, tới mọi người.

“Tôi tổn thương từng ngày một” – cô nói.

Ban cố vấn cho rằng vấn đề này đã gặm nhấm năng lượng của cô mỗi ngày. Mặc dù đã nhìn thấy vấn đề của mình, nhưng những ngày đầu tiên cô vẫn cảm thấy khá chơi vơi, chưa biết mình phải bắt đầu từ đâu.

Nhiệm vụ thứ nhất mà chương trình đặt ra đã khiến cô Ngọc bật khóc: Đi du lịch ở Mộc Châu.

“Mình thấy mình được yêu thương. Mình thấy biết ơn vì ban cố vấn đã thấu hiểu và muốn giúp mình, cho mình cơ hội để thư giãn, để dứt ra khỏi công việc, dứt ra khỏi những lo âu hằng ngày”.

Sau những ngày cuối tuần giải tỏa tinh thần, cô Ngọc trở lại lớp học với một tinh thần mới khiến cho không khí lớp học trở nên sôi nổi, hứng thú, tràn đầy năng lượng.

Một trong những nội dung mà cô Ngọc tâm đắc trong khóa tập huấn với các chuyên gia của chương trình, đó là chấp nhận sự khác biệt.

Tuy nhiên, không phải vì thế mà cô khăng khăng giữ lại toàn bộ sự khác biệt của mình, bởi “không có ai hoàn hảo cả” như lời cô nói. “Không phải khác biệt nào cũng tốt. Có những khác biệt chưa phù hợp, tôi sẽ thay đổi”.

Trước kia, cô tưởng rằng mình đã miễn nhiễm với những lời nhận xét, cách mọi người nhìn nhận về mình, đã quên đi được mọi chuyện; nhưng sau này cô nhận ra mình chưa đủ sự bao dung, sự vững vàng và vẫn để những tổn thương đó ảnh hưởng đến mình.

Cô Ngọc tự đặt mục tiêu cho mình: mỉm cười với tất cả mọi người, hòa đồng lại với đồng nghiệp, không tạo vỏ bọc cho mình nữa. Mặc dù, một cách thật lòng, cô vẫn có một chút e ngại. Thế nhưng, cô đã có sự cởi mở, sự chân thành và tin tưởng vào những gì mình sắp làm.

Nhiệm vụ thứ 2 khiến cô Ngọc trăn trở, suy nghĩ trong gần 1 tháng: tổ chức một cuộc họp để chia sẻ với các đồng nghiệp của mình.

Với tinh thần cởi mở, cô Ngọc cho rằng đây là một cơ hội để mình làm lại, trở thành một người khác, đón nhận tình cảm của các đồng nghiệp dành cho mình. Tại đây, cô cũng đã rơi nước mắt khi trực tiếp đối diện với những đồng nghiệp mà cô từng có mâu thuẫn.

Đồng nghiệp nhìn thấy sự thay đổi của cô và ghi nhận điều đó.

Nói về câu chuyện của cô Ngọc, chuyên gia Peck Cho tới từ Hàn Quốc nhận định: Cơ thể chúng ta giống như một cục pin cần năng lượng. Chúng ta nạp năng lượng bằng chính mối quan hệ tốt với mọi người. Mối quan hệ có thể làm chúng ta mất hết năng lượng hoặc mang lại năng lượng cho chúng ta. Năng lượng đó sẽ được lan tỏa tới các em học sinh.

“Nếu chúng ta cứ khăng khăng ghét bỏ, chỉ trích, không tha thứ hay yêu thương người khác, chúng ta sẽ làm can kiệt nguồn năng lượng của chính mình”.

Khác với câu chuyện của các thầy cô đã phát sóng những tập trước, vấn đề của cô Ngọc nằm ở chính tính cách, con người cô.

Sau khi xem chương trình, đã có một số ý kiến của khán giả đăt câu hỏi: “Liệu một chương trình truyền hình có thể khiến con người ta thay đổi?”, và “sự thay đổi ấy nếu có thật, liệu có bền vững?”

Một độc giả cho rằng, nếu là một chương trình giải trí, sự “phơi bày” những chuyện không nên chia sẻ trước bàn dân thiên hạ còn có thể chấp nhận được. Nhưng đây là một chương trình có tham vọng làm thay đổi một lĩnh vực chuyên môn lớn là giáo dục thì cách làm như vậy sẽ là hời hợt và chưa coi trọng tiến trình thay đổi vốn đầy vật vã và trường kỳ ở mỗi người làm giáo dục. Ngoài ra, cũng có độc giả băn khoăn vì những yếu tố về cá nhân con người được "công chúng hoá" thì có phù hợp với tính chất của giáo dục.


Nguyễn Thảo