Chỉ mất 10.000 đồng/30 phút để thuê một chiếc xe đạp trợ lực điện, 5.000 đồng cho xe đạp cơ, từ ngày 24/8 người dân Thủ đô chính thức được trải nghiệm loại hình dịch vụ mới mẻ này để đi lại hoặc vận động thể dục, thể thao.
Sáng 24/8, UBND TP Hà Nội phối hợp cùng một doanh nghiệp khai trương dịch vụ cho thuê xe đạp công cộng trên đường phố.
Với tổng cộng 1.000 xe trong đó 500 xe điện trợ lực được đưa ra, rất nhiều người dân hứng thú trải nghiệm ngày đầu dịch vụ này hoạt động. Trước đó vào đầu tháng 8 xe được chuyển đến 79 điểm cho thuê ở khu vực đông dân cư, danh lam thắng thắng cảnh, vị trí kết nối xe buýt, đường sắt trên cao tại 6 quận nội thành.
Hình ảnh tại điểm kết nối với xe buýt trên đường Thanh Niên, bên hồ Trúc Bạch. Với mô hình này, người dân có thể thuê xe từ địa điểm này rồi trả tại địa điểm khác, khá thuận tiện.
Một phụ nữ sinh sống gần bến xe Kim Mã cho biết, khoảng 2 tháng nay chị đã chuyển hẳn sang đi làm bằng phương tiện công cộng. "Cơ quan tôi ở Mễ Trì, gần nhà có trạm xe đạp. Nhờ dịch vụ này từ hôm nay tôi được đạp xe tới bến Kim Mã rồi bắt xe buýt đi làm, rất tiện, đồng thời có thể tiết kiệm tiền xăng xe", chị nói.
Nhân dịp khai trương xe đạp công cộng, Thu Hà tới điểm xe gần Nhà hát Lớn để trải nghiệm. "Vào ngày nghỉ dùng xe đạp đi chơi cũng thấy thư thái. Còn nếu dùng để đi làm có lẽ mình sẽ cân nhắc vì có thể chưa cơ động lắm", Hà chia sẻ.
Vũ Quỳnh Trang thuê xe đạp tại địa điểm gần Bốt Hàng Đậu để đạp thể dục. "Xe có trợ lực nên đạp khá nhẹ. Điểm cộng là mình thấy chi phí rẻ, chỉ mất 10.000 đồng/30 phút để thuê một chiếc xe đạp trợ lực điện, còn xe đạp cơ là 5.000 đồng. Thay vì mua một chiếc xe đạp vài triệu và tốn chỗ để xe ở nhà, mình thấy như này hợp lý hơn", Quỳnh Trang nhận định.
Trong chiều 24/8, không khó để bắt gặp những chiếc xe đạp công cộng được người dân điều khiển trên đường phố Hà Nội.
Vĩnh Khải sau khi kết thúc công việc đã quyết định ra thuê xe để trải nghiệm và hóng gió. Khi tới điểm thuê xe, rất nhiều chỗ để đã trống. Khóa của loại xe này làm bằng điện tử, được mở bằng cách quét mã trên ứng dụng. Vì là lần đầu, cậu thanh niên này loay hoay mất một lúc mới có thể sử dụng.
Tại điểm cho thuê xe đạp trên đường Thanh Niên, một vài vị khách gặp trục trặc bởi việc sử dụng ứng dụng. "Hôm nay lúc tạo tài khoản tôi đã gặp lỗi một lần và phải gọi cho tổng đài hỗ trợ. Chiều nay sau khi kết thúc buổi đạp xe thì ứng dụng của tôi lại lỗi một lần nữa. Sau khi trả xe về điểm đỗ thì ứng dụng không hiện phần kết thúc chuyến đi và tiền tiếp tục bị trừ tự động. Điều này khiến tôi khá bực mình", vị khách nữ cho biết. Chị cho biết, sau đó phải xóa ứng dụng đi, tải lại mới xử lý được tình trạng trên.
Một vài điểm xe tại quận Ba Đình như trên phố Đào Tấn, Vạn Phúc... không có nhiều người sử dụng. Theo nhận định chung của những người trải nghiệm xe đạp công cộng, dịch vụ này khá phù hợp để đi chơi, vận động thể thao. Song khi được hỏi, vẫn có một vài người tỏ ra e dè trong việc sử dụng chúng để đi làm.
Dịch vụ cho thuê xe đạp công cộng nằm trong dự án Xe đạp đô thị của thành phố dự kiến triển khai cuối năm 2022 nhưng đã bị hoãn lại do nhà đầu tư muốn phát triển thêm loại xe điện trợ lực, có tay ga.
Với 79 trạm, mỗi trạm cách nhau khoảng 1 km, gần địa điểm du lịch, bến xe buýt, tàu điện trên cao, dự án nhằm kích cầu việc sử dụng phương tiện công cộng, thân thiện môi trường.
Để thuê xe, người dân cần tải ứng dụng TNGo về điện thoại di động và tiến hành đăng ký tài khoản.
Tiếp đến, người dân cần liên kết tài khoản với ví điện tử để tiến hành nạp tiền thuê xe (mức nạp tối thiểu là 10.000 đồng/lần).
Để bắt đầu sử dụng, người thuê xe quét mã QR có trên xe để mở khóa. Trong quá trình sử dụng, người thuê cũng cần chịu trách nhiệm bảo quản xe.
Sau khi sử dụng xong, khách hàng có thể đem trả xe tại một trạm xe bất kỳ và tiến hành thanh toán. Với 30 phút sử dụng, khách hàng cần chi trả 6.000 đồng, trong đó có 5.000 đồng phí thuê xe và 1.000 đồng phí bảo hiểm đối với xe đạp cơ và 10.000 đồng đối với xe đạp điện. Nếu thuê tiếp, khách hàng cần trả thêm 1.000 đồng cho mỗi 6 phút tiếp theo.