Tuần tới, Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có Nghị quyết 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. 

Có thể khẳng định, các chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội quy định tại Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội. Nghị quyết 43/2022/QH15 là quyết sách chưa có tiền lệ, được ban hành trong một thời điểm đặc biệt; các chính sách tài khóa, tiền tệ được ban hành theo Nghị quyết được xem như những "phao cứu sinh" của phần đông cộng đồng doanh nghiệp và người dân trong cả nước.

nganhdetmay.jpg
Ảnh minh hoạ

Những chính sách đó đã giúp doanh nghiệp, người dân giảm chi phí sản xuất, kinh doanh; thúc đẩy doanh nghiệp sớm phục hồi, phát triển để đóng góp trở lại cho ngân sách nhà nước và nền kinh tế.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Chính phủ, trong 9 tháng năm 2023, có 135.000 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, giải thể; trong khi số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động chỉ đạt 165.200 doanh nghiệp. Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường 9 tháng năm 2023 tăng gần 20% so với cùng kỳ năm 2022. Số lượng doanh nghiệp rời khỏi thị trường 8 tháng đầu năm 2023 đã cao hơn tổng số doanh nghiệp rời khỏi thị trường cả năm của các năm từ 2018 - 2021, gần bằng giá trị của cả năm 2022.

Để đạt mục tiêu về tăng trưởng GDP cho năm 2023 và giai đoạn 5 năm 2021 - 2025 là 6,5 - 7%, cần tiếp tục thực hiện chính sách giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT) và hỗ trợ 2% lãi suất cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh để duy trì và tạo làm mới cho người lao động theo Nghị quyết 43. Đồng thời, kiến nghị Quốc hội cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư phát triển bố trí cho các dự án đầu tư của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đến hết năm 2024. 

Văn Bắc và nhóm PV, BTV