Đã giải ngân hơn 95,7 nghìn tỷ đồng

Tại báo cáo này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cập nhật tình hình thực hiện, giải ngân các chính sách hỗ trợ thuộc Chương trình. Thống kê sơ bộ, ước giải ngân các chính sách hỗ trợ đạt hơn 95,7 nghìn tỷ đồng.

Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội mang lại nhiều kết quả tích cực.

Cụ thể đối với các chính sách thực hiện thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội, Bộ này cho biết: Đến ngày 24/9/2023, Ngân hàng Chính sách xã hội ước giải ngân 5/5 chương trình tín dụng chính sách của Chương trình đạt 21.019 tỷ đồng.

Trong đó: Cho vay mua máy tính và thiết bị học tập trực tuyến đạt 834 tỷ đồng cho hơn 89 nghìn khách hàng, cho vay nhà ở xã hội đạt 8.087 tỷ đồng cho hơn 21,6 nghìn khách hàng, cho vay hỗ trợ việc làm đạt 10 nghìn tỷ đồng cho hơn 211 nghìn khách hàng vay vốn tạo việc làm, cho vay cơ sở giáo mục mầm non, tiểu học ngoài công lập đạt 151 tỷ đồng cho hơn 2,6 nghìn cơ sở giáo dục, cho vay Chương trình đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đạt 1.946 tỷ đồng cho gần 40 nghìn khách hàng.

Ngoài ra, Ngân hàng Chính sách xã hội đã hỗ trợ lãi suất cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác từ khoản vay có lãi suất cho vay trên 6%/năm là 2.623 tỷ đồng.

Đối với chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, báo cáo cho biết: Đến nay đã hết thời hạn thực hiện chính sách, theo báo cáo của Bộ Tài chính đã thực hiện giải ngân khoảng 3.679,3 tỷ đồng hỗ trợ tiền thuê nhà theo Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg.

Đối với chính sách hỗ trợ 2% lãi suất cho các khoản vay thông qua ngân hàng thương mại của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam báo cáo đến hết tháng 8/2023, các ngân hàng thương mại đã thực hiện hỗ trợ lãi suất khoảng 781 tỷ đồng, doanh số hỗ trợ lãi suất đạt hơn 169.000 tỷ đồng, dư nợ hỗ trợ lãi suất đạt gần 57.000 tỷ đồng cho hơn 2.100 khách hàng.

Giảm hàng trăm nghìn tỷ thuế phí hỗ trợ người dân, doanh nghiệp

Đối với các chính sách miễn giảm thuế, phí; gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất, báo cáo của Bô Kế hoạch và Đầu tư cho hay đã miễn, giảm các loại thuế, phí là 60.243 tỷ đồng. Trong đó: Giảm 2% mức thuế suất giá trị gia tăng đối với nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng áp dụng mức thuế suất 10% (còn 8%) theo Nghị định số 15/2022/NĐ-CP đạt 44.458 tỷ đồng (giảm thuế giá trị gia tăng sản xuất kinh doanh trong nước là khoảng 25.200 tỷ đồng, giảm thuế giá trị gia tăng trong xuất, nhập khẩu khoảng 19.258 tỷ đồng), bằng 90% dự kiến khi xây dựng Chương trình (49.400 tỷ đồng).

Ngoài ra, đã giảm 50% mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay theo Nghị quyết số 13/2021/UBTVQH15 ngày 31/12/2021 đạt 2.383 tỷ đồng, bằng 158,8% dự kiến khi xây dựng Chương trình (1.500 tỷ đồng); Giảm 50% lệ phí trước bạ khi đăng ký ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước theo Nghị định số 103/2021/NĐ-CP đạt 7.987 tỷ đồng, bằng 109,2% dự kiến khi xây dựng Chương trình (7.314 tỷ đồng); Giảm thuế suất thuế xuất nhập khẩu trong năm 2022 đối với nhiều nhóm mặt hàng theo Nghị định số 101/2021/NĐ-CP ngày 15/11/2021 của Chính phủ khoảng 2.123 tỷ đồng.

Bộ Tài chính cũng đã giảm mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 theo Thông tư số 120/2021/TTBTC ngày 24/12/2021 quy định mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid- 19 khoảng 117 tỷ đồng.

Đối với việc giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước của năm 2022 đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, theo báo cáo của Bộ Tài chính, đã thực hiện đến tháng 7/2023 đạt 3.176 tỷ đồng.

"Hiện nay, các chính sách miễn, giảm các loại thuế, phí, lệ phí trong phạm vi Chương trình đã hết thời hạn thực hiện", Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết.

Bên cạnh đó, đã gia hạn các loại thuế, tiền thuê đất theo các nghị định của Chính phủ là 110.919 tỷ đồng. Chi phí cơ hội hỗ trợ thông qua các chính sách gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất là 7,4 nghìn tỷ đồng (theo số liệu báo cáo từ tháng 6/2022).

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng cần tập trung tổ chức, thực thi một cách quyết liệt, tổng thể và đồng bộ từ tất cả các cấp, ngành, địa phương các giải pháp, chính sách đã ban hành để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, các ngành, lĩnh vực, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đặc biệt là các chính sách về thuế, phí, tiền tệ, thương mại, đầu tư.

Đặng Hoài Thanh, Trần Quang Ninh, Nguyễn Quyết Thắng