Dọc các con đường cheo leo trên sườn núi ở huyện biên giới Kỳ Sơn, thi thoảng có một nhóm người ngồi nép bên nhau trong lán dựng tạm bên đường. Họ bày bán các loại rau, củ mà gia đình trồng được cho khách qua đường.
|
Trên tuyến Quốc lộ 16 nối từ Kỳ Sơn qua huyện Quế Phong, đoạn đi qua xã Huồi Tụ có một dãy lán được người dân dựng lên để bày bán các mặt hàng rau, củ. Đây là khu vực ngã ba nên thường xuyên có đông người qua lại, mặt hàng được bày bán tại đây cũng chỉ có duy nhất rau, củ chứ không hề có thịt, cá như các khu chợ dưới miền xuôi. Ảnh: Tiến Đông |
|
Tuyến Quốc lộ 16 là tuyến đường huyết mạch nối khu vực Tây Bắc và Tây Nam của Nghệ An nên lưu lượng người qua lại khá đông. Ảnh: Xuân Hoàng |
|
Vụ đông này người dân Kỳ Sơn không gieo cấy được nên họ chỉ trồng rau, củ trên nương rẫy như gừng, khoai sọ, cải Mông. Nhà nào trồng nhiều sử dụng không hết thì gùi lên chợ bán lấy tiền mua gạo. Ảnh: Tiến Đông |
|
Mỗi bó rau được bày bán tại đây có giá từ 5.000 đồng trở lên. Ảnh: Xuân Hoàng |
|
Nhiều du khách qua đường đã dừng mua những món quà đặc sản đem về xuôi. Ảnh: Xuân Hoàng |
|
Càng đi sâu theo Quốc lộ 16, những khu chợ lại càng nhỏ hơn. Nói là chợ nhưng thực ra cũng chỉ vài ba người gùi rau ra ngồi bán. Ảnh: Tiến Đông |
|
Nụ hoa gừng, đặc sản của Kỳ Sơn được người dân bán từng bó nhỏ, có giá từ 10-20 nghìn đồng. Ảnh: Xuân Hoàng |
|
Khách hàng của bà con nơi đây chủ yếu là giáo viên, những cán bộ dưới xuôi lên công tác có dịp đi ngang qua tuyến đường này. Ngoài giá trị vật chất là những loại rau thơm, cỏ lạ, nó còn mang giá trị tinh thần, là món quà đặc sản của miền núi gửi về cho người thân, bạn bè. Ảnh: Tiến Đông |
|
Chị Lầu Y Xỳ trú tại bản Pả Xá, xã Huồi Tụ tranh thủ lúc vắng khách lại mang khăn ra thêu. Chị Xỳ cho biết, rau gia đình trồng được nhiều trên rẫy nên mang ra bán, ngày nào có thì đem ra lán ngồi bán, không thì ở nhà. Nếu gặp khách thì có thể bán hết sớm, còn không thì ngồi cả ngày đến tối mịt mới về. Ảnh: Xuân Hoàng |
|
Bà Cử Y Mày cũng trú tại bản Pả Xá gùi rau ra lán ngồi bán. Không soạn sửa ở nhà mà ra đến đây thì bà mới tách từng lọn rau thành bó nhỏ rồi buộc lại gọn gàng. Bà Mày bán rau của mình và bán hộ cho con gái. Những chợ cóc ven đường trở thành nơi người dân đem nông sản của mình ra bán, dù đơn sơ nhưng cũng trở thành một nét văn hóa độc đáo nơi miền Tây xứ Nghệ. Ảnh: Tiến Đông |
(Theo Báo Nghệ An)
Central Market - chợ dưới lòng đất nổi tiếng tại TP.HCM - đang trải qua những ngày tháng buồn chưa từng có khi lượng khách vắng quá sức tưởng tượng.