Tình trạng ca khúc bị hát sai lời ngày càng phổ biến, không chỉ ở ca sĩ trẻ mà kể cả giọng ca gạo cội. Và nhiều khi, hát sai mãi rồi thành… quen, đó là thực trạng hiện nay. Vấn nạn này sẽ gây ra hệ luỵ thế hệ người nghe sẽ hiểu sai cái hay, cái đẹp của những ca từ trong bài hát cũng như nội dung câu chuyện tác giả muốn truyền tải, làm biến dạng đứa con tinh thần của nhạc sĩ.
Đơn cử, mới đây thôi tại chương trình Hoà nhạc quốc gia Điều còn mãi 2022, ca sĩ Đào Tố Loan hát bài Biển hát chiều nay của nhạc sĩ Hồng Đăng và ca sĩ Phạm Thu Hà hát Đất nước tình yêu của nhạc sĩ Trần Lệ Giang đúng lời nhưng một số ý kiến lại thắc mắc thậm chí đặt giả định liệu ca sĩ có hát sai vì họ nghe quen thì lời lại khác...
Ca sĩ Đào Tố Loan cho biết khi nhận lời mời của VietNamNet để thể hiện 'Biển hát chiều nay' trong chương trình Điều còn mãi 2022, chị lên mạng tìm ca khúc và thấy ca từ quen thuộc, nhiều ca sĩ trước đó cũng hát và cứ thế hát theo. Tuy nhiên, may mắn cho Đào Tố Loan khi buổi tập với dàn nhạc giao hưởng bà Lê Anh Thuý - vợ nhạc sĩ Hồng Đăng có mặt xem tập luyện đã góp ý sửa một số lời cho đúng bản gốc của tác giả viết. Nhưng không phải bài nào Đào Tố Loan cũng được may mắn như vậy, ca sĩ không phải lúc nào cũng được tiếp cận với bản nhạc gốc của tác giả, đó cũng là khó khăn mà nhiều ca sĩ gặp phải, không riêng chị.
Phần trình diễn của Đào Tố Loan cho ca khúc Biển hát chiều nay ở Hoà nhạc quốc gia Điều còn mãi, bà Lê Anh Thuý - vợ nhạc sĩ Hồng Đăng bày tỏ sự hài lòng: ''Tố Loan không chỉ hát đúng lời mà còn nhẹ nhàng, tình cảm, có sự trong sáng cũng là màu sắc mới cho ca khúc''.
Clip Đào Tố Loan hát ''Biển hát chiều nay'' trong Điều còn mãi 2022:
Về việc ca sĩ hát sai lời, bà Lê Anh Thuý - vợ cố nhạc sĩ Hồng Đăng chia sẻ, nhiều ca khúc nổi tiếng của chồng mình bị ca sĩ hát sai lời. Nhìn nhận ở nhiều góc độ, bà Thuý cho rằng nó có nhiều nguyên nhân, cả chủ quan lẫn khách quan. “Không phải lúc nào ca sĩ tiếp cận được bản nhạc chuẩn của ca khúc khi trình diễn. Với một ca khúc, thực ra tác giả cũng có những chỉnh sửa nhất định sau khi nó tới với công chúng” - bà Thuý nói.
Bà Thuý lấy ví dụ bài Biển hát chiều nay, các ca sĩ thường hát “... Theo luồng cá bơi đan trên biển lớn”. Tuy nhiên, lời chính xác của ca khúc lại là “Theo luồng cá bay đan trên biển lớn”. Bà Thuý phân tích: “Nhiều người nghĩ logic đơn giản là cá thì sẽ bơi, và cứ thế hát theo luồng cá bơi. Khi chồng tôi đi sáng tác, anh ấy theo đoàn thuyền đánh cá ra khơi. Ở giữa không gian bao la, hùng vĩ của biển cả, đoàn thuyền đánh cá thường đi theo một luồng cá để đánh, trong luồng cá đi, có những lúc cá lao vun vút trên mặt nước, như thể đang bay. Thế nên chồng tôi mới có tứ là "Theo luồng cá bay đan trên biển lớn", còn nếu cá bơi, nó chìm dưới nước làm sao nhìn thấy được mà ví là đan trên biển lớn. Về mặt logic, cá bay thì nghe buồn cười, nhưng nghệ thuật mà, có cái logic, có cái phi logic.
Hay như bài Hoa sữa nổi tiếng như vậy nhưng bà Thuý bảo nhiều ca sĩ cũng hát nhầm. “Hoa sữa chồng tôi viết cho phim Hà Nội mùa chim làm tổ. Câu chuyện trong bài hát là câu chuyện đôi cặp sinh viên yêu nhau, khi ra trường được phân công công tác khác nhau, họ có nhiều kỷ niệm tan vỡ. Bài hát có hai phần Anh – Em. Nó là hai tâm trạng của hai người yêu nhau, nam và nữ. Nhưng nhiều ca sĩ khi hát thì lại cho thành một giới”.
Ở góc nhìn cảm thông, bà Thuý cho rằng, điều kiện ca sĩ và nhạc sĩ gặp nhau không nhiều, chỉ có chương trình rất lớn và kỹ càng ca sĩ cần làm việc với nhạc sĩ để ra được bản hát chuẩn. “Thực ra có câu sai lời thì vô hại, nhưng có những câu sai thành ngớ ngẩn. Chẳng hạn như bài Nối vòng tay lớn của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, nhiều ca sĩ cứ hát “Và nụ cười nở trên môi” nhưng thực ra sẽ là “Và nụ cười nối trên môi”. Từ “nối” và “nở” thật ra gần nhau nhưng ý nghĩa sẽ khác nhau, xuyên suốt của Nối vòng tay lớn là nụ cười nối con người, ý nó lớn hơn rất nhiều so với từ “nở”. Mỗi câu chữ đưa vào bài hát, nhạc sĩ đã nâng lên đặt xuống rất nhiều lần, nếu ca sĩ hát được đúng, được chuẩn, biểu diễn theo đúng tinh thần của ca khúc thì đó là sự thành công. Tuy nhiên, có những lý do khách quan mà không phải lúc nào nhạc sĩ mong muốn mà đạt được”.
Nhạc sĩ Đức Huy từng chia sẻ trên truyền hình, có khá nhiều ca sĩ từng hát sai lời ca khúc của ông: “Tôi thoải mái việc ca sĩ hát sai vài lời nhưng nếu sai một từ làm lệch hẳn ý nghĩa thì không nhạc sĩ nào chấp nhận được. Ví dụ như lời bài hát Một tình yêu có câu hát “Những xa xưa tuyệt vời chỉ dành cho ai sống xa hiện tại”. Mọi người hát “sống cho” hoặc “sống trong” sẽ sai ý nghĩa. Hoặc như bài Như đã dấu yêu, mình “đến bên nhau” hay “đến trong nhau” rất khác biệt và tôi phải chỉnh liền. Một điều khiến tôi khó chịu nhiều năm nay, có ca sĩ hát Người tình trăm năm như sau: “Bầu trời nhiều sao sáng đêm nay, nhiều hơn những gì mình đã có” là sai hoàn toàn, đúng lời phải là “nhiều như”.
Tôi nói ra sẽ thành mích lòng các em nhưng nếu hát không để ý lời cũng giống nói mà không biết đang nói gì. Hát một bài hát nên chú trọng lời, nghĩ đến ý nghĩa sâu xa của bài. Đôi lúc do lỗi chính tả trong soạn thảo, in ấn sao chép nhưng ca sĩ phải dùng tuệ giác để quyết định lời đúng”.
Mỗi ca từ nhạc sĩ viết ra đều có dụng ý, mang ý nghĩa riêng, nên nhiều khi người hát chỉ thay đổi một chữ, hoặc thêm hoặc bớt một chữ cũng làm mất đi cái hay, cái đẹp của câu hát, thay đổi hoàn toàn ý nghĩa, dẫn đến “hỏng” cả ca khúc. Người ca sĩ, hát một cách cẩu thả thì bản thân ca sĩ đang xúc phạm bản thân mình trước, sau đó là xúc phạm khán giả của mình và cuối cùng là xúc phạm nhạc sĩ sáng tác.
Ca sĩ Đào Tố Loan mong muốn, các bản nhạc chuẩn gốc của các nhạc sĩ được phổ biến trên mạng để tránh được các lỗi sai khách quan. Trong khi đó, vợ của cố nhạc sĩ Hồng Đăng chia sẻ, chỉ mong có một kho dữ liệu về các bản nhạc của các nhạc sĩ để lưu giữ đứa con tinh thần của họ, ca sĩ và công chúng lúc đó có thể tiếp cận bản gốc một cách chính xác nhất. Nhưng ai làm được điều đó thì quả thật là dấu hỏi lớn?