Với những lợi thế đặc trưng về khí hậu, tỉnh Hậu Giang đã ổn định diện tích canh tác lúa 78.000 ha, vùng nguyên liệu mía 4.000 ha, vùng nguyên liệu khóm 2.700 ha, vùng cây ăn trái nhiệt đới 49.000 ha, vùng nuôi trồng thủy sản 8.000 ha. Canh tác nông nghiệp rất đa dạng với nhiều loại cây trồng, vật nuôi, thủy sản. trong đó có 5 sản phẩm chủ lực: Lúa, mít, chanh không hạt, cá thát lát, lươn đồng và các nhóm sản phẩm đặc trưng, tiềm năng của địa phương như mãng cầu xiêm, mít ruột đỏ, cá dày được tỉnh chọn để tập trung đầu tư và kêu gọi đầu tư phát triển.
Với tiềm năng, lợi thế sẵn có, tỉnh Hậu Giang đã xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm là tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng chất lượng cao, ưu tiên phát triển nông nghiệp hữu cơ, gắn nông nghiệp với du lịch, nông nghiệp công nghệ cao theo chuỗi giá trị, kết nối công nghiệp chế biến với thị trường, từng bước chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp nhằm huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, tạo bước phát triển đột phá cho lĩnh vực nông nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh theo hướng bền vững.
Do đó, tỉnh tiếp tục quan tâm đến mô hình kinh tế tập thể, bởi trong quá trình sản xuất hiện nay, không có con đường nào khác là nông dân phải tham gia vào các mô hình kinh tế tập thể để có hướng đi phù hợp.
Chính vì vậy trong thời gian qua, ngành NN&PTNT đã thực hiện tốt vai trò tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh trong chỉ đạo, lãnh đạo, tổ chức triển khai thực hiện phát triển kinh tế tập thể, HTX trên địa bàn tỉnh. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 4 liên hiệp HTX nông nghiệp, 219 HTX nông nghiệp và 661 tổ hợp tác.
Theo Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang, các HTX đã củng cố một bước về tổ chức quản lý, vốn quỹ, về trách nhiệm và quan hệ giữa các thành viên với HTX. Sự gắn bó, liên kết giữa các HTX với các doanh nghiệp cung ứng đầu vào và tiêu thụ nông sản hàng hóa đầu ra ngày càng nhiều. Do các HTX đã áp dụng tốt các quy trình sản xuất hàng hóa theo hướng nâng cao chất lượng, nhờ đó mà nhiều HTX đã mở rộng thêm quy mô sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ, tăng thu nhập cho thành viên.
Điển hình như HTX Kỳ Như hoạt động chủ yếu lĩnh vực thủy sản hiện đã có 11 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 4 sao. Trong đó, có 10 sản phẩm từ cá thát lát và 1 sản phẩm là khô cá sặc rằn. Với vùng nguyên liệu khoảng 15ha diện tích nuôi hiện nay, mỗi năm HTX Kỳ Như cho ra sản lượng khoảng 500 tấn cá thát lát nguyên liệu phục vụ sản xuất.
Hay như HTX Trái cây sinh học OCOP, hoạt động chủ yếu lĩnh vực trái cây, đến nay có 265 hộ tham gia liên kết, với diện tích khoảng 300ha, trong đó có 70 ha đạt tiêu chuẩn Globalgap, có các sản phẩm (chanh không hật, bưởi năm roi,…) xuất khẩu trực tiếp sang thị trường Châu Âu. Trong năm 2022, HTX trái cây sinh học OCOP cung cấp sản lượng đưa ra thị trường khoảng 2.500 tấn, doanh thu đạt 67 tỷ đồng, đứng thứ 5 HTX nông nghiệp có doanh thu cao của cả nước.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi thì khu vực kinh tế tập thể, HTX cũng còn gặp không ít khó khăn. Đó là việc đa số HTX nông nghiệp hiện nay mới chỉ tập trung hoạt động đối với các dịch vụ đầu vào cho sản xuất nông nghiệp. Các mặt hàng nông sản của HTX làm ra tuy được cải thiện nhưng vẫn chưa đảm bảo chất lượng và ổn định về số lượng do việc áp dụng khoa học, kỹ thuật và công nghệ vào sản xuất nông nghiệp còn hạn chế.
Bên cạnh đó, số lượng HTX khá nhiều nhưng qui mô nhỏ; hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ của nhiều HTX hiệu quả còn thấp. Năng lực nội tại và quản trị của nhiều HTX còn yếu, thiếu nguồn lực đầu tư sản xuất kinh doanh, đầu ra không ổn định, thiếu sự liên kết chặt chẽ giữa HTX với HTX, giữa HTX với doanh nghiệp.
Để khắc phục những hạn chế này, Sở NN&PTNT tỉnh cho biết trong thời gian tới Sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về HTX kiểu mới, về liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm; tổ chức triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ, ưu đãi phát triển kinh tế tập thể.
Đồng thời, tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của khu vực kinh tế tập thể, HTX. Các địa phương tiến hành đánh giá, phân loại HTX hoạt động có hiệu quả, trung bình, yếu kém để có biện pháp hỗ trợ, tư vấn cụ thể cho từng HTX; mạnh dạn giải thể các HTX yếu kém không củng cố được, HTX ngưng hoạt động
Ngoài ra, tỉnh sẽ tạo điều kiện và hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn liên kết phát triển HTX gắn với tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.