Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ thể OCOP trên địa bàn tỉnh quảng bá và tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa hiệu quả, Sở Công thương tỉnh Hậu Giang đã có nhiều hoạt động thúc đẩy và hỗ trợ doanh nghiệp đa dạng các phương thức kinh doanh và quảng bá sản phẩm.
Cụ thể, tháng 6/2021, Sở Công thương Hậu Giang đã phối hợp với đại diện các công ty, doanh nghiệp có sàn giao dịch thương mại điện tử đóng trên địa bàn tỉnh tổ chức nhiều hoạt động.
Dứa, một nông sản của Hậu Giang |
Đó là các buổi hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ thể OCOP tạo tài khoản, đăng ký bán hàng trên các trang thương mại điện tử lớn, tiếp cận với nhiều khách hàng trên cả nước.
Mỗi buổi hướng dẫn tập trung với quy mô phù hợp, không quá 5 đơn vị để phù hợp với tình hình mới. 11 doanh nghiệp, hợp tác xã và chủ thể OCOP với tổng cộng hơn 20 mặt hàng chế biến từ cá thát lát, trà mãng cầu, gạo sạch, trà khổ qua, mật ong… được đưa lên các trang thương mại điện tử Shopee, Lazada, Voso, PostMart.
Sở Công thương tỉnh Hậu Giang cho biết sau khi đăng ký thành công, các chuyên viên thuộc tổ hỗ trợ về thương mại điện tử sẽ tiếp tục hướng dẫn và tháo gỡ vướng mắc trong thời gian hoạt động cũng như cập nhật hình ảnh, thông tin các sản phẩm, giá bán… cho đến khi các đơn vị thành thạo việc quản lý kinh doanh và tương tác với khách hàng trên các trang thương mại điện tử.
Chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp nói riêng hay cho doanh nghiệp Việt nói chung đã trở thành một xu hướng tất yếu mà mỗi người nông dân, mỗi hợp tác xã hay mỗi doanh nghiệp đang hướng tới.
Tiêu thụ nông sản trên nền tảng số ứng dụng thương mại điện tử hiện là điểm nổi bật trong quá trình chuyển đổi số của lĩnh vực nông nghiệp.
Hoạt động này sẽ tạo điều kiện cho hợp tác xã và bà con nông dân mở rộng kênh phân phối của mình, tạo cơ hội kết nối trực tiếp với người bán và quảng bá thương hiệu nông sản cho địa phương của mình.
Thu Hương