Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Thông tin và Truyền thông về chuyển đổi số, phát triển kinh tế số và xã hội số, hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, ngày 17-12-2021, UBND tỉnh Hậu Giang đã ban hành Kế hoạch số 211 về hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2021-2023 trên địa bàn tỉnh Hậu Giang.
Kế hoạch 211 đặt ra mục tiêu tổng quát là: “Hỗ trợ hộ sản xuất nông nghiệp, hộ kinh doanh cá thể, hợp tác xã, tổ hợp tác tham gia các sàn thương mại điện tử để kết nối, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, thêm các kênh phân phối mới, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản của Hậu Giang”.
Theo thống kê của Tổ Công tác hỗ trợ hộ sản xuất nông nghiệp (SXNN) lên sàn thương mại điện tử (TMĐT), thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn tỉnh Hậu Giang, toàn tỉnh đã có 273 hộ SXNN tham gia giao dịch trên sàn TMĐT, đưa lên sàn 173 sản phẩm nông nghiệp. Tổng giá trị giao dịch trong 6 tháng đầu năm 2022 khoảng 400 triệu đồng.
Ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, nhấn mạnh: Trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn tới, tỉnh xác định nông nghiệp là 1 trong 4 trụ cột để đưa Hậu Giang phát triển. Tỷ trọng khu vực nông nghiệp trong tổng sản phẩm (GRDP) trên địa bàn của tỉnh chiếm khoảng 27%, vì vậy việc phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tỉnh Hậu Giang cũng đặt mục tiêu trong năm 2022 là “Hỗ trợ hộ sản xuất nông nghiệp, hộ kinh doanh cá thể, hợp tác xã, tổ hợp tác tham gia sàn thương mại điện tử để kết nối, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, thêm các kênh phân phối mới, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản của Hậu Giang giai đoạn 2021-2023”.
Mục tiêu của tỉnh trong năm 2022 là 50% hộ sản xuất nông nghiệp, tương đương khoảng 50.000 hộ sẽ được lên sàn thương mại điện tử.
Cửu Long