Có diện tích đất tự nhiên trên 1.393ha, trong đó đất nông nghiệp trên 1.286ha, xã Hậu Thạnh, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng gồm 05 ấp, với 1.275 hộ và 4.386 nhân khẩu.
Sau hơn 10 năm nỗ lực xây dựng nông thôn mới với sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, tháng 12/2023, Hậu Thạnh được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Xã đạt 19/19 tiêu chí theo quy định xã nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 với nhiều kết quả điển hình.
Về tiêu chí giao thông, tỷ lệ đường xã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa, đường ấp, đường liên ấp được cứng hóa, đảm bảo ôtô đi lại thuận tiện quanh năm đạt tỷ lệ 100%; tỷ lệ đường trục chính nội đồng đảm bảo vận chuyển hàng hóa thuận tiện quanh năm đạt tỷ lệ 90,65%.
Các công trình tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp đáp ứng 100% diện tích lúa, màu, cây lâu năm, nuôi trồng thủy sản; tỷ lệ diện tích đất sản xuất nông nghiệp được tưới và tiêu nước chủ động đạt từ 80%; công tác phòng, chống thiên tai thực hiện tốt theo phương châm 4 tại chỗ.
Năm 2023, mức thu nhập bình quân đầu người của người dân trên địa bàn xã đạt hơn 56,6 triệu đồng/người/năm, cao hơn so với mức quy định chuẩn của tiêu chí 10 về thu nhập.
Địa phương cũng thực hiện tốt tiêu chí môi trường. Trên địa bàn xã có 5 cơ sở sản xuất, kinh doanh đều được cấp giấy xác nhận bảo vệ môi trường, đạt 100%. Khối lượng rác thải sinh hoạt và chất thải không nguy hại phát sinh trên địa bàn là 186 tấn/tháng được thu gom, xử lý theo quy định là 158,3 tấn/tháng, đạt tỷ lệ 85,11%.
Đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao. Toàn xã chỉ còn 49/1.275 hộ nghèo, chiếm 3,84%.
Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới huyện Long Phú chọn làm Hậu Thạnh là xã điểm xây dựng đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Khi bắt đầu xây dựng nông thôn mới, Hậu Thạnh có tỷ lệ hộ nghèo cao, thu nhập bình quân đầu người thấp, cơ sở hạ tầng thiếu đồng bộ, nhận thức của người dân còn hạn chế, do đó Chương trình xây dựng nông thôn mới của xã rất khó khăn.
Trong quá trình triển khai thực hiện, xã Hậu Thạnh đã tạo được sự đồng thuận, thống nhất cao từ cấp ủy, chính quyền đến mỗi người dân. UBND xã đã xây dựng kế hoạch để chỉ đạo, điều hành tổ chức thực hiện.
Xã cũng thường xuyên nhận được sự quan tâm lãnh, chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện, sự phối hợp của các ban, ngành chuyên môn trong việc triển khai xây dựng đồ án quy hoạch; Đề án nông thôn mới cho phù hợp với điều kiện thực tế của xã. Đảng ủy đã có Nghị quyết chuyên đề và đã thành lập Ban Chỉ đạo và thường xuyên được kiện toàn. Hội đồng Nhân dân xã đã ban hành Nghị quyết về nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Công tác tuyên truyền được chú trọng, đẩy mạnh sâu rộng, từ đó làm thay đổi, chuyển biến nhận thức cho bà con. Phương thức tuyên truyền được đổi mới, đa dạng từ tờ rơi, pa nô, văn bản, loa truyền thanh đến các hội nhóm Zalo, Facebook, lồng ghép vào các buổi sinh hoạt địa phương của Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội Người cao tuổi...
Qua tuyên truyền, bà con hiểu được rằng, Nhà nước đóng vai trò hướng dẫn, giúp đỡ, hỗ trợ, người dân thực hiện và cũng là người được thụ hưởng thành quả từ quá trình đó. Từ đó, đẩy lùi tư tưởng trông chờ và ỷ lại, sự tự giác người dân trong thực hiện Chương trình nông thôn mới được thể hiện ngày càng rõ nét. Cụ thể nhất là trong việc hiến đất, làm đường giao thông nông thôn, nhận thức về tầm quan trọng của phát triển sản xuất hàng hóa gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm của nông dân được nâng lên.
Người dân xã Hậu Thạnh đã nỗ lực, đồng sức, đồng lòng, tự nguyện hiến đất, tham gia đóng góp tiền, công sức vào tu sửa, nâng cấp giao thông nông thôn; xây dựng đường làng ngõ xóm; xây dựng hệ thống đèn chiếu sáng.
Nghiều hộ gia đình tự giác xây dựng các công trình phụ hợp vệ sinh, tu sửa, xây dựng hàng rào, giữ gìn vệ sinh, cảnh quan xanh – sạch – đẹp, nhiệt tình tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ ở khu dân cư; xây dựng nếp sống văn minh, với tổng kinh phí thực hiện 56 tỷ 325 triệu đồng, trong đó người dân đóng góp trên 12 tỷ 545 triệu đồng.
Để về đích nông thôn mới nâng cao vào cuối năm 2024, xã Hậu Thạnh gắn trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên Ban Chỉ đạo phụ trách từng chi bộ, từng ấp, từng lĩnh vực để triển khai thực hiện. Xác định tuyên truyền, vận động là khâu then chốt, cấp ủy và chính quyền xã thường xuyên tổ chức triển khai, quán triệt các văn bản hướng dẫn với nhiều hình thức phong phú như thông qua các hội nghị, cuộc họp giao ban xã, họp ấp, sinh hoạt các tổ chức đoàn thể, thông qua hệ thống loa truyền thanh… Qua đó người dân hiểu được quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của mình trong xây dựng nông thôn mới.
Quỳnh Nga