Chính phủ vừa quyết nghị thông qua Kế hoạch thực hiện chủ trương xử lý Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy (SBIC).

Theo kế hoạch này, công ty mẹ SBIC và 7 công ty con (các Công ty TNHH một thành viên Đóng tàu: Hạ Long, Phà Rừng, Bạch Đằng, Thịnh Long, Cam Ranh; Công ty TNHH một thành viên Công nghiệp tàu thủy Sài Gòn; Công ty TNHH một thành viên Đóng tàu và Công nghiệp hàng hải Sài Gòn) được yêu cầu khẩn trương rà soát, hoàn thiện hồ sơ, thủ tục theo quy định pháp luật để nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản. 

Thời gian thực hiện dự kiến từ quý I/2024. 

vinashin.jpg
Vụ án liên quan Vinashin để lại nhiều hệ lụy sau hàng thập kỷ.

Đối với Công ty cổ phần Đóng tàu Sông Cấm, Chính phủ yêu cầu thu hồi phần vốn góp của Công ty mẹ - SBIC, Công ty TNHH một thành viên Đóng tàu Bạch Đằng tại Công ty cổ phần Đóng tàu Sông Cấm trong quá trình phá sản Công ty mẹ - SBIC, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Đóng tàu Bạch Đằng theo trình tự, thủ tục của Luật Phá sản, quy định pháp luật về chuyển nhượng vốn nhà nước và các quy định pháp luật khác có liên quan. 

Thời gian thực hiện sẽ căn cứ phương án xử lý được phê duyệt, phù hợp với lộ trình phá sản Công ty mẹ SBIC và Công ty TNHH một thành viên Đóng tàu Bạch Đằng, dự kiến triển khai từ quý II/2024.

Với các doanh nghiệp thuộc cơ cấu Vinashin trước đây không giữ lại trong cơ cấu SBIC nhưng chưa hoàn tất quá trình tái cơ cấu, Chính phủ yêu cầu các bên tiếp tục xử lý để thu hồi tài sản.

Bản kế hoạch của Chính phủ yêu cầu các cơ quan, đơn vị phối hợp chặt chẽ với Quốc hội, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao để phấn đấu xử lý dứt điểm đối với SBIC.

"Thu hồi tối đa vốn và tài sản, hạn chế tối đa việc sử dụng ngân sách nhà nước, trường hợp phải sử dụng ngân sách nhà nước thì thực hiện đúng quy định của pháp luật; giảm thiểu tổn thất tiền, tài sản của Nhà nước, tổ chức và cá nhân liên quan cũng như đối với ngành đóng, sửa chữa tàu", Chính phủ yêu cầu.

Bản kế hoạch yêu cầu nghiên cứu áp dụng cơ chế, chính sách phù hợp trong thẩm quyền của Chính phủ và các Bộ; đề xuất với Quốc hội, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao để bổ sung, ban hành kịp thời các hướng dẫn, cơ chế, chính sách, sửa đổi các quy định pháp luật theo thẩm quyền để xử lý các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình xử lý phá sản Công ty mẹ - SBIC, 7 Công ty con và thu hồi vốn, tài sản, quyền tài sản của Công ty mẹ - SBIC, 7 công ty con tại Công ty cổ phần Đóng tàu Sông Cấm và tại các doanh nghiệp còn lại theo đúng quy định của pháp luật. 

"Quan tâm, bảo đảm quyền lợi chính đáng, hợp pháp của người lao động, tránh để xảy ra những ảnh hưởng tiêu cực về tư tưởng, gây khiếu kiện làm mất ổn định về chính trị, trật tự an toàn xã hội", Chính phủ yêu cầu.

Ngày 30/8/2012, phiên toà xét xử phúc thẩm vụ án “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) đã kết thúc.

Tòa án nhân dân tối cao đã tuyên bố 8 bị cáo phạm tội “Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng”, theo quy định tại Khoản 3, Điều 165 Bộ Luật hình sự. Cụ thể: 

Bị cáo Phạm Thanh Bình, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Vinashin lĩnh mức án 20 năm tù giam.

Bị cáo Trần Văn Liêm, nguyên Trưởng ban Kiểm soát Tập đoàn, nguyên Giám đốc Công ty Viễn Dương 19 năm tù giam.

Bị cáo Tô Nghiêm, nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Một thành viên (MTV) Công nghiệp tàu thủy (CNTT) Cái Lân, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư phát triển khu kinh tế Hải Hà 18 năm tù giam.

Bị cáo Nguyễn Văn Tuyên, nguyên Giám đốc Công ty Cổ phần CNTT Hoàng Anh Vinashin 16 năm tù giam.

Bị cáo Trịnh Thị Hậu, nguyên Tổng Giám đốc tài chính Công ty TNHH Một thành viên CNTT Vinashin (VFC) 14 năm tù giam.

Bị cáo Hoàng Gia Hiệp, nguyên Phó Tổng Giám đốc Công ty VFC, Giám đốc Công ty cho thuê tài chính CNTT 13 năm tù giam.

Bị cáo Trần Quang Vũ, nguyên Tổng Giám đốc Tập đoàn Vinashin, nguyên Tổng Giám đốc Công ty CNTT Nam Triệu 11 năm tù giam.

Bị cáo Đỗ Đình Côn, nguyên kế toán trưởng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần CNTT Hoàng Anh Vinashin 10 năm tù giam.

Về trách nhiệm dân sự, HĐXX cho rằng thủ tục giám định đã được tiến hành đúng pháp luật, việc giám định thiệt hại là khách quan, cách tính bồi thường đúng quy định, không có căn cứ cho rằng cách tính là bất lợi cho các bị cáo, cũng như không có căn cứ để giảm nhẹ hình phạt bồi thường. Buộc các bị cáo phải bồi hoàn các khoản tiền liên quan đến sai phạm của mình trong từng vụ việc. Theo đó, buộc các bị cáo Phạm Thanh Bình, Trần Văn Liêm phải liên đới bồi thường cho Công ty TNHH MTV vận tải Viễn Dương - Vinashin mỗi bị cáo hơn 495 tỷ đồng. Bị cáo Phạm Thanh Bình, Nguyễn Văn Tuyên và Đỗ Đình Côn phải liên đới bồi thường thiệt hại cho Công ty Cổ phần CNTT Hoàng Anh gần 35 tỷ đồng: trong đó, Bình và Tuyên mỗi bị cáo phải bồi thường gần 14 tỷ đồng; bị cáo Côn gần 7 tỷ đồng. Phạm Thanh Bình và Tô Nghiêm còn phải bồi thường cho Công ty TNHH MTV CNTT Cái Lân mỗi bị cáo hơn 16,8 tỷ đồng. Bị cáo Bình và Nghiêm còn phải bồi thường cho Công ty nhiệt điện Cái Lân-Vinashin hơn 16,4 tỷ đồng. Buộc bị cáo Trần Quang Vũ phải bồi thường thiệt hại cho Công ty TNHH MTV Tổng Công ty CNTT Nam Triệu hơn 25 tỷ đồng (Vũ đã bồi thường 1 tỷ đồng).

Ngoài hình phạt tù và bồi thường dân sự, Tòa phúc thẩm còn phạt các bị cáo cấm các bị cáo đảm nhiệm chức vụ trong các cơ quan nhà nước và tổ chức kinh tế trong thời hạn 5 năm kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù.

Tháng 6/2019, TAND TP. Hà Nội lại xử và tuyên án các bị cáo vụ lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin).

HĐXX tuyên phạt bị cáo Nguyễn Ngọc Sự (cựu Chủ tịch HĐTV Vinashin) mức án 13 năm tù; Trần Đức Chính (cựu Kế toán trưởng kiêm Trưởng ban Tài chính Vinashin): 17 năm tù; Trương Văn Tuyến (cựu Tổng Giám đốc Vinashin): 7 năm tù; Phạm Thanh Sơn (cựu Phó Tổng Giám đốc Vinashin): 6 năm tù.

Cấm bị cáo Chính, Sơn đảm nhiệm công tác quản lý trong 3 năm kể từ khi thực hiện xong bản án.