– NS Nhiếp ảnh gia Thái Phiên: Nghệ sĩ chúng tôi không phải là những con Kangaroo con và những người quản lý văn hóa là Kangaroo mẹ. Chúng tôi tự biết chịu trách nhiệm về tác phẩm của mình!
Không phải cứ lõa thể là xấu!
|
Để có thêm cái nhìn từ người trong cuộc, Vietnamnet có cuộc trao đổi với NS nhiếp ảnh gia Thái Phiên về những vấn đề: Nên hay không "cởi trói" cho ảnh nude nghệ thuật |
Ảnh đẹp…hay “người” đẹp?
- Ranh giới ảnh nude nghệ thuật và sự dung tục là rất mong manh. Là một nhiếp ảnh gia nổi tiếng về ảnh nude anh có thể nói cho độc giả hiểu rõ hơn giá trị đích thực của một tấm ảnh nude là những gì để tránh tình trạng nhìn cái nào cũng giống nhau?
- Một tác phẩm ảnh khỏa thân nghệ thuật phải đáp ứng được yêu cầu về kỹ thuật lẫn mỹ thuật kể từ khi phác thảo ý tưởng đến khi bấm máy. Người chụp phải quan tâm đến tốc độ, khẩu độ, góc độ, nguồn sáng, bố cục… rồi sau đó đến phần hậu kì chỉnh sửa bức ảnh thật tỉ mỉ để làm nổi bật lên được thông điệp cần chuyển tải của bức ảnh đến với người xem qua sắc độ tương phản, đậm nhạt của từng chi tiết trong ảnh.
Và khi như vậy người xem mới có thể cảm thấy rung động trước một tác phẩm nghệ thuật vì bức ảnh nghệ thuật mang đến cho ta những giá trị mỹ cảm, làm tâm hồn thư thái, hướng mỹ, hướng thiện. Khác xa với những khao khát dục tính theo bản năng khi xem ảnh sex.
- Một tác phẩm nude khi đứng trước nhiều người mỗi người sẽ có một cái nhìn khác nhau. Người cho là dung tục, người cho đấy lại là đẹp?
- Công chúng rất rộng rãi, ông giáo sư tiến sĩ hay người ít học thì cũng là công chúng. Vì vậy người nghệ sĩ đôi khi giống như người làm dâu trăm họ, phải làm sao để mọi người cũng cảm nhận được thông điệp của người nghệ sĩ gửi gắm qua tác phẩm, thật sự là một thử thách.
Nhưng về phía người xem ảnh nude, nếu chỉ xoáy vào những vùng nhạy cảm của người mẫu chứ không nhìn bao quát hết bức ảnh thì sẽ thấy gì? Một bức ảnh nude được cho là nghệ thuật hay không cũng phụ thuộc rất nhiều vào con mắt, cái đầu của người xem.
“Hoa thơm”… không ai dám hái!
- Hiện nay việc cấp phép cho triển lãm ảnh nude nghệ thuật rất ngặt nghèo và chưa từng xảy ra. Anh có cho rằng đây sẽ là một rào cản rất lớn với công chúng khi muốn phân biệt đâu là “hoa thơm”, đâu là “cỏ dại”?
- Phải nói thẳng là chúng tôi, những người theo đuổi đề tài ảnh khỏa thân nghệ thuật cần lắm ở nhà quản lý văn hóa có cái tâm và tầm.
Đồng thời cũng cần lắm những người dám mạnh dạn chịu trách nhiệm khi cho phép một triển lãm ảnh khỏa thân chứ không phải lo sợ về một vấn đề nào đó. Tôi đã từng gặp những nhà quản lý, họ biết có những tác phẩm là đẹp nhưng lại không dám chịu trách nhiệm để cấp phép. Tôi cho rằng chính họ là những rào cản để ngăn cái đẹp đến với công chúng.
- Phải chăng anh đang muốn nói đến chuyện cuốn sách Xuân Thì của anh được cấp phép xuất bản còn triển lãm ảnh thì không?
- Cuốn sách đó được ra đời, tôi phải cám ơn đến rất nhiều người. Họ là những nhà quản lý khi cấp phép cho tôi xuất bản cuốn sách dù biết họ sẽ chả được gì nhưng vì cái tâm cái tầm nên họ đã dám làm. Về chuyện triển lãm bộ ảnh Xuân Thì ở Hà Nội, cũng như ở Huế, đều đã có một hội đồng nghệ thuật lập ra để thẩm định. Tuy nhiên khi hội đồng khẳng định tính nghệ thuật của bộ ảnh và đề nghị cấp phép triển lãm thì cuộc triển lãm ảnh ngày đó vẫn không thể diễn ra bởi khi đưa lên thì cấp Sở vẫn không dám ký quyết định cấp phép.
|
- Hậu kiểm hay tiền kiểm trong công tác quản lý đều không phù hợp với loại hình nghệ thụât nhiếp ảnh bởi tiền kiểm sẽ sợ cản trở sáng tạo còn hậu kiểm lại sợ hậu quả đã rồi. Anh suy nghĩ sao về điều này?
- Có nhiều người nói rằng cần phải nâng cao dân trí hơn để rồi mới tiếp cận với ảnh khỏa thân nghệ thuật. Nói như vậy là hoàn toàn sai lầm!
Thực ra công chúng sáng suốt lắm, công minh lắm, không ai có thể che mắt họ được cả và họ cũng không cần những nhà quản lý văn hóa cầm tay chỉ việc đâu. Bằng chứng là mỗi khi bức ảnh tôi đưa lên website cá nhân, công chúng bình luận rất là chuẩn xác, thâm thúy và khiến tôi còn phải tham khảo, xem xét lại chính mình. Hãy luôn nhớ rằng 50% quyết định thành công hay thất bại của một tác phẩm luôn nằm ở công chúng.
Trước đây những nhà quản lý thường vịn vào một cụm từ rất mơ hồ đó là “Thuần phong mỹ tục” để gắn chiếc vòng kim cô lên đầu các nghệ sĩ. Chiếc vòng kim cô đó không chỉ siết nghệ sĩ mà còn siết luôn cả những nhà quản lý khiến họ phải lúng túng. Vì vậy giờ đây, mong sao hãy mạnh dạn để tháo chiếc vòng đó ra, đừng có gán ghép vào cụm từ “Thuần phong mỹ tục” một cách mơ hồ và khó hiểu như vậy nữa.
Quy định: Chụp nude nhưng phải “lộ mặt” !!?
- Gần đây Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm đã đưa ra được văn bản dự thảo về những quy định và các điều khoản liên quan đến hoạt động và triển lãm nhiếp ảnh, anh có biết điều này?
- Tôi có nghe, và rất mừng về việc này. Tuy nhiên tôi nghe nói trong văn bản dự thảo này có quy định khi công bố một bức ảnh thì người chụp phải xuất trình văn bản hợp đồng kí kết với người mẫu khỏa thân. Thật ra việc này chẳng phải chờ đến khi thông tư ra mới làm, mà tôi đã làm cách đây 5 – 7 năm rồi. Tôi và những người mẫu đã làm những bản hợp đồng rồi cất trong ngăn kéo, nhưng làm chỉ để hai bên thỏa thuận trên giấy trằng mực đen thế thôi chứ không bao giờ tôi đem cái này ra để công bố. Đó là nguyên tắc của nghề nghiệp, là sự bí mật riêng tư về nhân thân người mẫu, do đó tôi phải bảo vệ và tôn trọng họ đến cùng. Nếu quản lý chặt như thế thì sẽ chẳng có cuộc triển lãm nào, sẽ chẳng có bông hoa nào “dám” nở trong rừng cỏ dại ấy đâu! Tâm lý của người Việt luôn luôn ngần ngại trước vấn đề cực kỳ tế nhị này.
Những người làm nghệ thuật và các nhà quản lý văn hóa hãy cùng ngồi với nhau để xây dựng ra một văn bản thật “có tình có lí” để những người nghệ sĩ có thể được sáng tạo và tuân theo những quy định một cách thoải mái chứ không phải vượt rào hay luồn lách. Không ai muốn như vậy cả!
- Trách nhiệm của một nhiếp ảnh khi đưa tác phẩm đặc bịêt là nude ra với công chúng theo anh cần có những gì?
- Người chụp đầu tiên phải có tấm lòng muốn đem đến cho người xem vẻ đẹp uyên nguyên và thiêng liêng của tạo hóa đã ban tặng cho người phụ nữ để ca tụng và tôn vinh nó lên chứ không phải để hạ thấp nó xuống nhằm tạo cảm giác nhục dục thấp hèn. Vì vậy người nghệ sĩ đầu tiên là cần phải có cái tâm hồn hướng thiện, hướng mỹ và tiếp đến là phải có tay nghề.
Thêm một vấn đề nữa, mỗi khi tác phẩm ra đời cũng giống như một đứa con của mình được sinh ra vậy, người nghệ sĩ luôn phải chịu trách nhiệm khi đứa con đó gây ra hậu quả hay bất kì vấn đề gì.
Trẻ không xem “nude”… lớn lên “lộ hàng”!
- Mỗi nghệ sĩ sáng tác đều có một cái “tôi” nhất định để tạo nên chính mình trong nghệ thụât. Tuy nhiên khi một tác phẩm của một nghệ sĩ bị quá nhiều lời chỉ trích thậm chí là phê phán nặng nề, vậy theo anh một người đã có nhiều năm kinh nghiệm trong nghề thì khi đó nghệ sĩ sáng tác cần phải cư xử thế nào bên cái “tôi” của họ?
- Là một nghệ sĩ cần phải có cá tính. Cá tính đó sẽ hình thành qua quá trình làm việc của họ và thể hiện qua tác phẩm chứ không thể nghe lời bàn tán rồi thành đẽo cày giữa đường được. Tuy nhiên, khi nhiều người nói quá thì mình cũng cần phải xem lại tác phẩm của mình chứ không thể chủ quan.
Tuy nhiên trong nghệ thuật đôi khi cũng không thể theo đám đông, 99% người chê chưa chắc đã đúng. Câu chuyện Tháp Eiffel của Paris là một ví dụ. Khi đưa tháp đó ra rất nhiều người chê nhưng bây giờ nó lại trở thành một biểu tượng của kinh đô ánh sáng. Rất khó để nói trong một thời điểm, tuy nhiên cái tôi của một nghệ sĩ luôn cần thiết thì mới hình thành được chuỗi sản phẩm của họ. Việc khăng khăng cãi chày cãi cối với công chúng không để làm chi!
- Văn hoá phương tây và phương đông là hoàn toàn khác nhau trong chuyện kín đáo. Tuy nhiên trước đây, trong văn hoá phương đông đã từng xuất hiện ảnh nude hay đề tài tương tự hay chưa?
- Trong văn học đã có những hình ảnh nude từ xa xưa. Trong truyền thuyết Việt Nam đã có Chử Đồng Tử và nàng Tiên Dung. Văn hóa Chăm thờ sinh thực khí nam (linga), sinh thực khí nữ (yoni). Trong truyện Kiều cụ Nguyễn Du cũng tả Thúy Kiều tắm: “Dày dày sẵn đúc một tòa thiên nhiên”. Hay những hình ảnh gợi hình trong thơ của Hồ Xuân Hương. Trong điêu khắc cũng thể hiện rất rõ những cặp nam nữ đang ân ái trên nắp thạp đồng Đào Thịnh….
Chiếc máy ảnh mới chỉ xuất hiện khoảng 180 năm trở lại đây, và việc những tác phẩm nhiếp ảnh nude trên thế giới cũng đã có từ lâu. Tôi cũng đã từng đến Trung Quốc, là cái nôi của phong kiến của cả thế giới vậy mà sách ảnh khỏa thân cũng bày bán một cách công khai và trân trọng.
Nghệ thuật đích thực không được công chúng tiếp cận, thì việc nhầm lẫn giữa đâu là “hoa thơm” đâu là “cỏ dại” sẽ rất dễ xảy ra. |
- Anh nghĩ sao khi hiện nay tình trạng các nhân vật trong giới giải trí đua nhau tung ảnh gợi dục lên ?
- Báo chí hiện nay cũng một phần tiếp tay cho một số người tung những ảnh tạm gọi là “lộ hàng”, rồi khi đàn chị tung ra đàn em theo gót cũng tung lên để rồi ngày càng kiếm được nhiều show diễn hơn, cat-xê cao hơn… Trong khi “hoa thơm” là các tác phẩm nude nghệ thuật đích thực không được công chúng tiếp cận, thì việc nhầm lẫn giữa đâu là “hoa thơm” đâu là “cỏ dại” sẽ rất dễ xảy ra.
Trong các trường dạy mỹ thuật đều có vẽ nude, nhưng trong nhiếp ảnh vẫn chưa có một trường lớp nào dạy ảnh khỏa thân nghệ thuật cả. Vậy mà còn cấm cả nghệ sĩ đưa ảnh nude nghệ thuật ra nữa, thì các bạn trẻ sẽ lấy gì làm chuẩn để phân biệt giữa đâu là nghệ thuật và đâu là phi nghệ thuật đây?
- Xin cám ơn anh về cuộc trò chuyện!
Nhiếp ảnh gia Dương Quốc Định: Tại sao ở Việt Nam ta có rất nhiều nghệ sĩ nhiếp ảnh nude
nghệ thuật đoạt rất nhiều giải trong nước lẫn các tổ chức uy tín của
thế giới lại không được công nhận và đem tác phẩm của họ ra để triển lãm
cho công chúng có dịp thưởng thức và phân biệt đâu là ảnh nude nghệ
thuật thực sự với loại hình nude trần trụi. |
Hoàng Nguyên (Thực hiện)