Bị truy vấn liên tiếp về việc tại sao Trung Quốc luôn mập mờ về đường lưỡi bò, Giám đốc Học viện Nghiên cứu Biển Đông của Trung Quốc, TS Wu Shicun đã “huỵch toẹt” rằng nếu làm rõ ý nghĩa của đường chữ U, Chính phủ Trung Quốc sẽ phải lấy lại tất cả các đảo hiện đang do nước khác “chiếm giữ” bởi đường chữ U là đường chủ quyền.
>>"Gác tranh chấp, cùng phát triển" ở biển Đông có khả thi?
>>Trợ lí Ngoại trưởng Mỹ: COC và biển Đông nên mở cho bên ngoài
Trung Quốc làm chủ toàn bộ?
Phát ngôn của ông Wu đã gây phản ứng tức thì ngay tại Hội thảo quốc tế về Biển Đông do CSIS tổ chức tại DC hồi đầu tháng. Mặc dù ông Wu đã đính chính đây chỉ là quan điểm cá nhân, nhưng một học giả đã bình luận rằng phát biểu của TS Wu phản ánh suy nghĩ của không ít giới chức cao cấp hiện nay ở Trung Quốc.
Học giả này cho biết một quan chức quân đội cấp cao của Trung Quốc đã từng trả lời ông rằng “việc Trung Quốc làm rõ đường chữ U (hay còn gọi là đường chín đoạn, đường lưỡi bò) sẽ gây ra sự phẫn nộ lan tràn trong khu vực, vì thế hãy lấy làm mừng là chúng tôi không làm như vậy”. Bởi vì đường chữ U đối với Trung Quốc không có một nội hàm nào khác ngoài việc Trung Quốc sẽ làm chủ toàn bộ, một kịch bản mà những nước trong khu vực và cả cộng đồng quốc tế sẽ không thể chấp nhận và càng trở nên vô lý theo luật pháp quốc tế.
Theo học giả trên, phát biểu của ông Wu và quan chức cấp cao nọ thực chất lại phá hỏng lô gic của chính nó. “Sự mập mờ về nội hàm của đường chín đoạn, theo phía Trung Quốc có tác dụng tích cực giúp cho tình hình ổn định nhưng thực chất tác động ngược lại. Những ai muốn biết về ý nghĩa thực sự của đường chín đoạn sẽ càng có xu hướng tin vào điều tồi tệ nhất”, vốn chỉ khiến tình hình thêm căng thẳng và các bên bất an, mất lòng tin vào nhau, chuyên gia này nhận định.
Những phát ngôn của ông Wu tại diễn đàn quốc tế không có gì mới, vẫn là một hệ thống luận điệu được xác lập lâu nay. Dù chưa bao giờ chịu công khai và chính thức định danh ý nghĩa của đường lưỡi bò, nhưng phát ngôn của các nhà lãnh đạo, quan chức cấp cao và học giả Trung Quốc cho đến nay luôn thống nhất ở một điểm: “Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi đối với toàn bộ các đảo, quần đảo nằm trong đường chữ U và được hưởng các quyền lịch sử như đánh cá, khai thác tài nguyên,…”.
Bản đồ các vụ đụng độ do Trung Quốc gây ra từ năm 2009 đến nay (ảnh sử dụng từ bài trình bày của TS Trần Trường Thủy tại Hội thảo quốc tế về Biển Đông do CSIS tổ chức tháng 6/2013) |
Mặc dù trước chỉ trích dữ dội của cộng đồng quốc tế, Trung Quốc gần đây thanh minh rằng nước này chưa bao giờ đòi hỏi chủ quyền đối với toàn bộ Biển Đông hay những quyền lợi vượt ra ngoài lãnh thổ lịch sử như “xuyên tạc của một số nước”, nhiều học giả quốc tế cho rằng, tuyên bố chủ quyền đối với đường chữ U vốn chiếm 2/3 diện tích Biển Đông cũng không khác nào chuyện Trung Quốc muốn độc chiếm toàn bộ vùng biển chiến lược này. Bằng giọng điệu có phần phân trần, Giám đốc Viện nghiên cứu Biển Đông của Trung Quốc cho hay, đường chữ U là kế thừa lịch sử cho nên chính phủ Trung Quốc hiện nay dù có muốn cũng không được phép từ bỏ hay thay đổi đường này.
Mềm mỏng trên diễn đàn, cứng rắn ngoài thực địa
Từ đối thoại Shangri-La ở Singapore tới Hội thảo quốc tế về tranh chấp Biển Đông ở Washington DC, người ta chứng kiến sự thay đổi đột ngột của một Trung Quốc cứng rắn và hung hăn ngoài biển và các vùng tranh chấp sang một hình ảnh mềm mại, nhún nhường trên các diễn đàn quốc tế.
Nếu như ở Shangri-La, tướng Thích Kiến Quốc, phó tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc nhắc nhiều đến chuyện Trung Quốc sẽ theo đuổi con đường "phát triển hòa bình", rằng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Trung Quốc tìm kiếm sự hợp tác và phát triển cùng có lợi chứ không phải phát triển chỉ cho riêng mình thì ở Hội thảo quốc tế về Biển Đông, Giám đốc Học viện nghiên cứu Biển Đông nhiều lần nhấn mạnh “Trung Quốc luôn theo đuổi con đường phát triển một cách hòa bình, không bao giờ tìm kiếm đối đầu và kêu gọi các nước có tuyên bố chủ quyền khác giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán”.
Tuy nhiên, luận điệu “phát triển hòa bình” của Trung Quốc không thuyết phục được ai khi có sự mâu thuẫn, thậm chí đối lập gay gắt giữa những gì Trung Quốc nói và những gì Trung Quốc làm.
Gs Renato Cruz De Castro, ĐH La Salle nói thẳng, cách thức tiếp cận của Trung Quốc ở Biển Đông cho đến nay là điển hình của bá quyền nước lớn. Bá quyền nước lớn thể hiện ở chỗ đối với Trung Quốc đơn giản là không một nước nào khác có chủ quyền hợp pháp ở Biển Đông bởi vì Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi tại đây. Luôn nhấn mạnh phát triển hòa bình, không đối đầu nhưng theo ông De Castro, chính thái độ bá quyền nước lớn của Trung Quốc là tác nhân khiến căng thẳng leo thang ở Biển Đông.
Trong khi đó, TS Peter Dutton, Giám đốc Viện nghiên cứu hàng hải Trung Quốc, US Naval War College đặt câu hỏi: Nếu như Trung Quốc nói rất tôn trọng luật quốc tế, tại sao Trung Quốc lại phản đối đề nghị giải quyết tranh chấp với Philippines ở tòa trọng tài của Liên Hiệp Quốc về luật biển? Một câu hỏi mà khi trả lời, ông Wu Shicun chỉ khăng khăng: “Vấn đề giữa Trung Quốc và Philippines là tranh chấp chủ quyền vì Philippines đã chiếm cứ bất hợp pháp 8 đảo của Trung Quốc chứ không phải là vấn đề về tình trạng pháp lý của đường chữ U như tuyên bố của Chính phủ Philippines. Mà theo UNCLOS thì tòa trọng tài không giải quyết các tranh chấp liên quan đến chủ quyền”.
Trong khi TS Wu Shicun ra sức khẳng định Trung Quốc sẽ đóng vai trò tích cực trong việc duy trì an ninh và đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông thì Ts Trần Trường Thủy, Giám đốc Viện nghiên cứu Biển Đông, Học viện Ngoại giao Việt Nam lại chỉ ra một loạt những vụ đụng độ mà Trung Quốc khởi xướng trên Biển Đông chỉ trong vòng một năm qua như vụ việc ở bãi cạn Scaborough với Philippines, cắt cáp tàu thăm dò Bình Minh ngay bên ngoài cửa vịnh Bắc Bộ trong khu vực thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Gần đây nhất, hải quân Trung Quốc đã bắn cháy một tàu cá của ngư dân Việt gần quần đảo Hoàng Sa. Thậm chí, lần đầu tiên Trung Quốc gây hấn với Malaysia khi tàu hải giám của Trung Quốc quấy nhiễu tàu thăm dò của Malaysia trong thềm lục địa của nước này (tháng 10 năm 2012). “Nếu đặt những vụ việc này trong một bức tranh rộng lớn hơn, chúng ta có thể thấy Trung Quốc vẫn tiếp tục xu hướng từ năm 2009 là đa dạng hóa các hình thức gây hấn, bao gồm các vụ quấy nhiễu của lực lượng chấp pháp, đụng độ với các tàu cá, thăm dò và khai thác dầu khí, các hành động quân sự như diễn tập đổ bộ”, ông Thủy phân tích.
Nếu như TS Wu phê phán các nước khác đã có nhiều hành động đơn phương gây mất thêm căng thẳng ở Biển Đông, thì chính nước ông, như nhiều học giả đã chỉ ra, lại theo đuổi các hành động đơn phương một cách quyết liệt nhất như áp đặt lệnh cấm đánh cá toàn Biển Đông, diễn tập quân sự ở kênh Bashi giữa Philippines và Đài Loan, ban hành hộ chiếu in hình đường lưỡi bò. Theo ông Peter Dutton, những hành động này mang tính “bắt nạt và khiêu khích”, đặc biệt là sự kiện tháng 11/2012, chính quyền Hải Nam ban hành luật cho phép các tàu chấp pháp được khám xét, bắt giữ, trục xuất hoặc sung công các tàu nước ngoài có các hoạt động bất hợp pháp trong vùng biển của Trung Quốc.
Theo TS Trần Trường Thủy, mặc dù các quan chức và người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã tìm cách trấn an cộng đồng quốc tế rằng phạm vi áp dụng của điều luật này chỉ trong khu vực 12 hải lý quanh đảo Hải Nam và quần đảo Hoàng Sa, cách diễn đạt của điều luật liên quan đến “vùng biển thuộc quyền tài phán” và “thành phố Tam Sa” tương đối mập mờ và có thể sẽ được các cơ quan chấp pháp của Trung Quốc khai thác để mở rộng các hoạt động bắt giữ và khám xét tàu nước ngoài trong đường chữ U hoặc chí ít là vùng biển xung quanh các đảo đá khác ở Biển Đông.
Bất chấp hình ảnh mềm mỏng và những phát biểu ngọt ngào của các quan chức và học giả Trung Quốc tại các diễn đàn quốc tế, cộng đồng quốc tế vẫn tỏ ra hoài nghi sâu sắc về một Trung Quốc sẽ phát triển hòa bình, tôn trọng luật lệ quốc tế bởi có quá nhiều mâu thuẫn giữa cam kết “trỗi dậy hòa bình, giải quyết tranh chấp thông qua đối thoại và đàm phán” với những hành động thực tế mang tính khiêu khích, gây hấn và bắt nạt các nước khác của họ trên các vùng biển xung quanh – như bình luận của bà Bonnie Glaser, cố vấn cao cấp về châu Á của CSIS.
Trường Minh