LTS: Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người là những vấn đề rất hệ trọng mà quốc gia nào cũng quan tâm xây dựng. Xác định hệ giá trị văn hóa Việt Nam là một công việc vô cùng khó khăn, tuy nhiên, khó hơn nữa là việc triển khai thực thi những giá trị đó trong đời sống thực tiễn. Hội thảo quốc gia "Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hoá, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới" nhằm nhìn lại một năm thực hiện chỉ đạo của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hoá toàn quốc diễn ra tháng 11/2021.

Báo VietNamNet ghi lại ý kiến của PGS.TS Phạm Văn Dương, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam về xây dựng hệ giá trị văn hóa và con người Việt Nam.

Trong vai trò Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, PGS.TS Phạm Văn Dương nhìn nhận: mỗi cộng đồng tộc người hay một dân tộc, quốc gia trong quá trình hình thành và phát triển nhất thiết phải tạo dựng cho mình những giá trị riêng.

Những giá trị này được bồi đắp, kết tinh thành hệ thống tinh hoa văn hóa, từ đó tạo nên bản sắc tộc người, bản sắc dân tộc và quốc gia.  

Bản sắc này là nền tảng, điểm tựa cho phát triển ở mọi thời đại, tạo ra sự ổn định lâu dài cho quốc gia, dân tộc đó. Việt Nam là quốc gia đa dân tộc, đa văn hóa, có quá trình hình thành và phát triển gắn với các biến cố lịch sử như: bị xâm chiếm, đô hộ và âm mưu đồng hóa văn hóa...

Sức mạnh nội sinh

Lịch sử dân tộc và văn hóa đã chứng minh, trải qua hơn 1.000 năm Bắc thuộc và 100 năm cai trị của thực dân Pháp, dân tộc Việt Nam vẫn giành lại được độc lập, vẫn giữ được bản sắc riêng của mình.

Đó chính là nhờ vào nền tảng hệ giá trị văn hóa của con người Việt Nam được tạo dựng qua nhiều thế hệ, trở thành “bản năng văn hoá” không chịu khuất phục, nô dịch và đồng hóa.

Tuy nhiên, trong bối cảnh đương đại, dưới tác động của toàn cầu hóa và sức mạnh của công nghệ thông tin, đã và đang đặt ra những thách thức lớn về kiến tạo và giữ gìn bản sắc nhằm tạo lập những giá trị riêng của con người làm hành trang cho hội nhập và phát triển, chống lại các biểu hiện “tự diễn biến, tự chuyển hóa” về văn hóa dẫn đến tự nô dịch về văn hóa.

Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 do Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo. Trong bối cảnh xã hội lúc đó, khi “văn hóa nửa phong kiến, nửa tư sản và hoàn toàn có tính cách thuộc địa” thống trị, thì Đề cương là cương lĩnh văn hóa đầu tiên của Đảng chỉ lối và định hướng tư tưởng, nhận thức, phương châm hoạt động văn hóa, văn nghệ cho toàn Đảng, toàn dân và cuộc đấu tranh cách mạng. 

Khi đó, Đảng xác định xây dựng nền văn hóa Việt Nam: Dân tộc hóa (chống mọi ảnh hưởng nô dịch và thuộc địa khiến cho văn hóa phát triển độc lập); Đại chúng hóa (chống mọi chủ trương hành động làm cho văn hóa phản lại đông đảo quần chúng hoặc xa đông đảo quần chúng); Khoa học hóa (chống lại tất cả những cái gì làm cho văn hóa trái khoa học, phản tiến bộ).

Trong đó, yếu tố dân tộc được ưu tiên số một, thể hiện tầm nhìn của Đảng đối với nguy cơ văn hóa dân tộc bị thực dân, đế quốc ngoại lai nô dịch, đồng hóa, bản sắc, bản lĩnh con người Việt Nam có thể bị xóa nhòa, từ đó tinh thần độc lập dân tộc suy yếu.

Từ văn kiện này, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, chính sách văn hóa của Đảng ngày càng được khẳng định tính xuyên suốt, hệ thống và sáng tỏ. Trong phát triển văn hóa, ở mọi giai đoạn cách mạng, Đảng luôn coi trọng yếu tố con người làm then chốt, mọi nguồn lực kinh tế, văn hóa phục vụ cho mục tiêu phát triển con người Việt Nam, kiến tạo bản lĩnh, bản sắc văn hóa con người phục vụ cho phát triển đất nước hùng cường về kinh tế và văn hóa.

Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng (năm 2021) nhấn mạnh: “... tài năng, trí tuệ, phẩm chất của con người Việt Nam là trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển quan trọng nhất của đất nước”. Một lần nữa, vai trò của con người được khẳng định là sức mạnh nội sinh quan trọng nhất để phát triển đất nước.

Đây chính là nhận thức mới của Đảng về mối quan hệ hữu cơ chặt chẽ giữa văn hóa với con người, nhấn mạnh hơn đến vai trò của con người với tính chất là chủ thể, cũng là mục đích của phát triển văn hóa. Phát triển văn hóa chính là phát triển con người và ngược lại.

Cùng với chủ trương gắn kết chặt chẽ giữa tăng trưởng kinh tế với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, sự tăng cường, gắn kết xây dựng con người và nền văn hóa trong một thể thống nhất sẽ là cơ sở vững chắc để khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển, không chỉ làm cho văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần, mà còn trở thành sức mạnh nội sinh cho sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước. 

“Đề kháng, miễn dịch” trước những tác động của toàn cầu hóa, nô dịch văn hóa

Xây dựng các hệ giá trị, chuẩn mực trong lĩnh vực văn hóa và con người, văn kiện Đại hội Đảng 13 không chỉ đặt ra vấn đề đúc kết, xây dựng hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị con người, mà còn nhấn mạnh, làm rõ hơn yêu cầu về xây dựng “hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người” gắn với giữ gìn, phát triển “hệ giá trị gia đình Việt Nam” trong thời kỳ mới.

Trong việc giáo dục, bồi dưỡng, xây dựng con người, Báo cáo chính trị nêu rõ một nội dung mới, đó là: “Từng bước vươn lên khắc phục các hạn chế của con người Việt Nam; xây dựng con người Việt Nam thời đại mới, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại”.

Đây là lần đầu tiên văn kiện của Đảng đặt vấn đề khắc phục các hạn chế trong mối quan hệ hữu cơ, không tách rời với việc giáo dục, phát huy những đức tính tốt đẹp của con người Việt Nam đã được hình thành trong suốt quá trình lịch sử dựng nước và giữ nước.

Đó chính là một bước nhận thức mới rõ hơn, sâu sắc và toàn diện hơn về văn hóa và con người Việt Nam, vừa khẳng định những giá trị tốt đẹp, tích cực, có ý nghĩa căn bản và quyết định làm nên bản sắc văn hóa và con người, vừa nhìn thẳng vào sự thật với tinh thần tự phê bình, phê bình nghiêm khắc.

Nhận diện giá trị văn hóa con người hiện nay là công việc khó khăn, phức tạp. Thực tế, công tác nghiên cứu, đánh giá giá trị văn hóa ở Việt Nam nói chung và giá trị văn hóa con người Việt Nam nói riêng cho thấy thời gian qua chúng ta đã có các phương pháp khoa học để nhận diện giá trị. Tuy nhiên, những nghiên cứu nhận diện thường chỉ hiệu quả với các công trình, di sản văn hóa đã bảo tồn “tĩnh”, độc lập, ít liên đới đến đời sống đương đại như: các di tích lịch sử, di tích kiến trúc nghệ thuật.., còn với các di sản văn hóa “sống” liên quan đến bản sắc, bản tính, phẩm chất con người thì việc nhận diện chưa thật sự được nhìn nhận đầy đủ và còn nhiều tranh luận.

Do vậy, xây dựng hệ giá trị văn hóa con người phải dựa trên nền tảng hệ giá trị chung của quốc gia; chắt lọc, kế thừa phát triển và ngày càng hoàn thiện từ các giá trị văn hóa con người Việt Nam đã được tạo dựng, thử thách và được khẳng định qua thời gian.

Xây dựng hệ giá trị văn hóa con người Việt Nam phải là sự kết tinh, hòa quyện từ các giá trị văn hóa chung, phổ quát của dân tộc, nhân loại với các giá trị văn hóa riêng có của mỗi cộng đồng, tộc người, địa phương, để từ đó khai thác, phát huy thế mạnh của những nét riêng.

Hệ giá trị văn hóa con người Việt Nam phải được cụ thể hóa thành các tiêu chí, mục tiêu phấn đấu của mỗi con người, mỗi cộng đồng, tộc người, trở thành niềm kiêu hãnh, sức mạnh và khả năng “đề kháng, miễn dịch” trước những tác động của toàn cầu hóa và nô dịch văn hóa.

Hệ giá trị văn hóa con người phải trở thành hệ giá trị công dân Việt Nam trong bối cảnh phát triển mới. Kiến tạo con người Việt Nam với những phẩm chất, năng lực và bản lĩnh... có thể đối mặt, đương đầu với những thách thức, khó khăn trong xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước phồn vinh, sánh vai với các cường quốc trên thế giới.

Bài 5: 'Người trẻ nên nhìn nhận lại văn hóa ứng xử, học cách vun đắp giá trị con người'