Ông Lê Văn Thìn, Trung tâm Nghiên cứu Phòng tránh và Giảm nhẹ thiên tai, Phòng Thí nghiệm trọng điểm Quốc gia về Động lực học sông biển vừa chia sẻ thông tin về hiệu quả bước đầu của dự án thí điểm xây dựng hệ thống cảnh báo đa thiên tai cho lưu vực hồ Ba Bể (nằm ở phía Tây tỉnh Bắc Kạn giáp với Tuyên Quang, tổng diện tích khoảng 460 km², thuộc địa phận các huyện Ba Bể và Chợ Đồn).

anh bai 9.jpg
Lưu vực hồ Ba Bể thuộc địa phận các huyện Ba Bể và Chợ Đồn (tỉnh Bắc Kạn). 

Theo ông Lê Văn Thìn, các hoạt động trong giai đoạn trước thiên tai có ý nghĩa rất quan trọng, giúp làm giảm thiệt hại về người và tài sản khi thiên tai xảy ra. Hệ thống cảnh báo thiên tai là công cụ hỗ trợ hữu hiệu trong công tác phòng, chống thiên tai. Việc xây dựng hệ thống cảnh báo thiên tai giúp nhà quản lý có khả năng xác định trước các nguy cơ thiên tai, từ đó chủ động trong công tác chỉ đạo, chỉ huy, điều hành phòng, chống thiên tai; giúp người dân chủ động nắm bắt tình hình thiên tai, từ đó phối hợp với chính quyền địa phương một cách chặt chẽ và hiệu quả.

“Đưa ra thông tin cảnh báo sớm, chính xác là một trong những yếu tố giúp tập trung nguồn lực và chủ động trong công tác phòng, tránh thiên tai, làm giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản”, ông Thìn nhấn mạnh.

Với quan điểm đó, hệ thống cảnh báo đa thiên tai lưu vực hồ Ba Bể được triển khai thực hiện và đang được địa phương (tỉnh Bắc Kạn) sử dụng trong công tác chỉ đạo, chỉ huy điều hành phòng, chống thiên tai của địa phương, nắm bắt tình hình mưa, lũ thông qua tin nhắn cảnh báo đến điện thoại người dùng, xây dựng các kịch bản giả định để lên kế hoạch ứng phó một cách hiệu quả.

Các loại hình thiên tai được xác định trong hệ thống bao gồm lũ, lũ quét và sạt lở đất, đây cũng là các loại hình thiên tai phổ biến trong khu vực nghiên cứu. Hệ thống đã tích hợp được mô hình thủy văn– thủy lực trong công tác dự báo, cảnh báo lũ; mô hình thủy văn GIS trong công tác dự báo, cảnh báo lũ quét; và mô hình học máy trong công tác dự báo, cảnh báo nguy cơ sạt lở.

Hệ thống quản lý thiên tai cho lưu vực hô Ba Bể được xây dựng, phát triển trên nền Web-GIS. Người dùng cuối tương tác với hệ thống thông qua website.

Hệ thống cảnh báo đa thiên tai cho lưu vực hồ Ba Bể tích hợp nhiều module phần mềm hệ thống cảnh báo.

Chẳng hạn như module cảnh báo lũ, lũ quét. Số liệu mưa quan trắc hoặc mưa dự báo cùng với số liệu mực nước biên hạ lưu, số liệu thảm phủ, sử dụng đất… được kết nối dữ liệu tự động, lưu trữ vào cơ sở dữ liệu. Đây là nguồn dữ liệu đầu vào hỗ trợ xây dựng các bản đồ ngập lụt, hệ thống cảnh báo lũ.

Trong module cảnh báo sạt lở, bản đồ nguy cơ sạt lở đất theo thời gian thực được xây dựng dựa trên 10 chỉ số chính gồm: Địa hình; Độ cong địa hình; Khoảng cách đến sông suối; Khoảng cách đến đường giao thông; Chỉ số thực vật (NDVI); Cao độ địa hình; Mật độ sông suối; Loại đất; Hình dạng địa hình; Lượng mưa tích lũy. Trong đó, 9 chỉ số đầu tiên đều được phân tích trên GIS, là những chỉ số ít thay đổi, là đầu vào cho tính toán nguy cơ sạt  lở đất. Như vậy, kết quả xây dựng bản đồ nguy cơ sạt lở đất theo thời gian thực trong nghiên cứu này chủ yếu có sự thay đổi là do lượng mưa (dữ liệu mưa là dữ liệu mưa thực tế được quan trắc từ Vrain và các trạm lắp đặt thêm).

“Loại hình thiên tai sạt lở đất sử dụng phương pháp đánh giá nguy cơ trên diện rộng, do vậy, cấu trúc về địa chất (phân tầng) chưa được xem xét một cách đầy đủ. Bản đồ tính toán nguy cơ sạt lở hiện tại chỉ mới xác định sơ bộ được nguy cơ sạt lở và mang tính tham khảo. Các khu vực được xác định có nguy cơ cao cần tiến hành khảo sát địa chất và tính toán chi tiết (ví dụ phương pháp tính cung trượt…) để có thể đưa ra các thông tin cảnh báo tin cậy hơn. Thời gian tới, cần tiếp tục theo dõi hệ thống và kết quả dự báo nhằm hiệu chỉnh một cách phù hợp với tình hình thiên tai thực tế cũng như nhu cầu phòng, chống thiên tai của địa phương”, ông Thìn khuyến nghị.

Bình Minh và nhóm PV, BTV