Mốc thời gian ngày 1/7/2021, hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư đi vào vận hành không chỉ là mục tiêu quan trọng trong triển khai dự án mà còn thể hiện quyết tâm, nỗ lực của ngành công an trong việc kiến tạo nền tảng cho chuyển đổi phương thức quản lý dân cư từ thủ công sang hiện đại, chuyển từ hộ khẩu giấy sang quản lý thông qua số định danh cá nhân theo quy định của Luật Cư trú (sửa đổi).
Thủ tục hành chính tại Viêt Nam có điểm chung là hầu hết đều được thực hiện thủ công và đòi hỏi công dân phải tự chứng minh về nhân thân của mình thông qua việc xuất trình hoặc nộp bản sao có chứng thực các giấy tờ.
Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hệ thống sản xuất, cấp và quản lý Căn cước công dân được đưa vào khai thác đã tác động tích cực đến nhiều mặt của đất nước, giúp giảm chi phí giấy tờ, giảm thời gian xác minh và đi lại cho công dân. |
Theo thống kê, có khoảng hơn 20 giấy tờ tùy thân mà công dân cần phải tự quản lý từ khi sinh ra đến khi mất đi như: chứng minh thư, giấy khai sinh, sổ hộ khẩu, hộ chiếu, thẻ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế... Mỗi loại giấy tờ này lại có mã số định danh riêng và quản lý trên các hệ thống khác nhau của các bộ, ngành, đơn vị.
Với quy mô dân số 100 triệu người, vấn đề này đã tạo ra gánh nặng hành chính lên tới hàng ngàn tỷ đồng/năm cho các cá nhân, tổ chức. Đây là một lãng phí lớn, là một trong những trở lực cho sự phát triển kinh tế-xã hội.
Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hệ thống sản xuất, cấp và quản lý Căn cước công dân được đưa vào khai thác đã tác động tích cực đến nhiều mặt của đất nước, giúp giảm chi phí giấy tờ, giảm thời gian xác minh và đi lại cho công dân; giảm ngân sách nhà nước khi xây dựng các cơ sở dữ liệu chuyên ngành và việc lưu hồ sơ. Không chỉ một hay một vài hoạt động hành chính được hưởng lợi mà rất nhiều lĩnh vực đều có thể khai thác hệ thống cơ sở dữ liệu này để đạt được lợi ích từ công cuộc số hóa hiện nay.
Theo tính sơ bộ toàn nền kinh tế, hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, khi đi vào hoạt động giúp giảm chi phí về thời gian chuẩn bị đơn, tờ khai gần 370 tỷ đồng; không phải xuất trình đơn, tờ khai tiết kiệm hơn 4200 tỷ/năm; các cơ sở dữ liệu chuyên ngành không phải nhập dữ liệu công dân tiết kiệm khoảng 246 tỷ đồng. Tổng chi phí tiết kiệm được là 4.864 tỷ đồng.
Hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được thiết kế để kết nối, cho phép các hệ thống thông tin khác khai thác sẽ mang lại rất nhiều lợi ích, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí không chỉ đối với người dân mà cả đối với cán bộ hành chính của các ngành, các lĩnh vực khác nhau.
Bên cạnh việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, tiết kiệm chi phí, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thống nhất từ Trung ương đến địa phương còn cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời thông tin dân cư phục vụ công tác quản lý nhà nước, hoạch định các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội.
Hệ thống cơ sở dữ liệu dân cư đi vào vận hành, công dân chỉ cần mang theo thẻ căn cước gắn chíp điện tử để thực hiện hơn 30 thủ tục hành chính như đăng ký kết hôn, khai sinh, khai tử, xin học cho con, đăng ký thường trú, tạm trú... và rất nhiều giao dịch dân sự khác. Việc khai thác, tra cứu thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cũng thay thế việc xuất trình hoặc nộp bản sao có chứng thực các giấy tờ như hiện nay.
Bên cạnh đó, hàng loạt thủ tục hành chính có nội dung liên quan đến sổ hộ khẩu, sổ tạm trú như: tách sổ hộ khẩu; cấp đổi sổ hộ khẩu; cấp lại sổ hộ khẩu; điều chỉnh những thay đổi trong sổ hộ khẩu; xóa đăng ký thường trú… sẽ được bãi bỏ hoặc thay đổi bằng hình thức quản lý mới: thông qua mã số định danh cá nhân, cập nhật thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú.
Từ ngày 1/7/2021, Luật Cư trú 2020 chính thức có hiệu lực với rất nhiều điểm mới về việc đăng ký thường trú, tạm trú và phương thức quản lý cư trú. Với những quy định cởi mở hơn của luật, có rất nhiều thuận tiện cho người dân trong sinh sống, làm việc, học tập.
Nếu như trước đây giải quyết khoảng 15 ngày với đăng ký thường trú, như nay chỉ mất 7 ngày. Có những thủ tục chỉ mất 3-5 phút, thực hiện rất nhanh. Ngoài việc giúp cắt giảm các thủ tục giấy tờ, hiện nay Bộ Công an đang triển khai kết nối cơ sở dữ liệu dân cư với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác như tư pháp, bảo hiểm... và triển khai các ứng dụng, tiện ích cho người dân, doanh nghiệp.
Theo Luật Cư trú mới, công dân nhập khẩu vào các thành phố trực thuộc Trung ương cũng giống như nhập khẩu vào các tỉnh khác, không có sự phân biệt và thống nhất trên phạm vi toàn quốc.
Trước đây, khi áp dụng theo Luật Cư trú năm 2013, một trong những điều kiện để công dân nhập hộ khẩu về thành phố trực thuộc Trung ương là có thời gian tạm trú nhất định tại thành phố đó.
Lê Na