Thời gian qua, tình hình thế giới có nhiều biến động, diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhiều nền kinh tế rơi vào lạm phát cao, khủng hoảng thiếu, đứt gãy chuỗi cung ứng cả về nguyên vật liệu, cho đến các hàng hóa, sản phẩm thiết yếu phục vụ đời sống và sản xuất của người dân...
Song, tại Việt Nam, với sự lãnh đạo của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước; sự vào cuộc kịp thời, hiệu quả của các Bộ, ngành, địa phương, cùng với những nỗ lực vượt bậc của cộng đồng doanh nghiệp và người dân, tình hình kinh tế - xã hội của nước ta tiếp tục phát triển.
Đặc biệt là hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hoá tiếp tục đà tăng trưởng cao với tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa cả năm 2022 về đích với con số kỷ lục 732.5 tỷ USD, tăng 9.5% so với năm 2021. 6 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 316,65 tỷ USD.
Tuy nhiên, kim ngạch thương mại lớn, khả năng thâm nhập thị trường thế giới càng nhiều, song trong bối cảnh biến động của thế giới hiện nay thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế của chúng ta.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về phát triển mạnh mẽ thị trường trong nước kết hợp với khai thác các thị trường mà Việt Nam là đối tác thương mại trong các hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương khu vực cũng như tiếp tục phát triển các thị trường thay thế những thị trường truyền thống bị thu hẹp khi tổng cầu đang bị hạn chế và ảnh hưởng nhất định bởi các chính sách phòng chống Covid-19 và tình hình lạm phát gia tăng ở nhiều quốc gia, thời gian qua Bộ Công Thương đã triển khai nhiều hoạt động.
Gần đây nhất là thực hiện chủ trương định kỳ 6 tháng giao ban với các thương vụ tại tất cả các nước trên thế giới nhằm nắm bắt kịp thời những chính sách của nước sở tại, để Bộ có cơ sở tham mưu cho các cấp thẩm quyền ban hành những đối sách để khai thác, tận dụng được những thị trường đối tác, bảo đảm cao nhất quyền lợi của đất nước. Đồng thời để giải quyết được những vấn đề rất lớn hiện nay khi Việt Nam đã và đang trở thành một trong những công xưởng của thế giới.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, với độ mở trên 200% thì mọi biến động ở bên ngoài, thay đổi của chính sách của nước sở tại sẽ đều có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế Việt Nam.
Trong bối cảnh đó, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao vai trò của Bộ Công Thương nói chung, trong đó có sự đóng góp của hệ thống các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài nói riêng trong thời gian qua đã tranh thủ, tận dụng các cơ hội khai thác thị trường đối tác, các thị trường mới. Các thương vụ đã chủ động nắm bắt những chính sách nước sở tại, từ đó có khuyến nghị chính sách với các cơ quan trong nước để bảo vệ cao nhất lợi ích của đất nước trong các quan hệ kinh tế song phương và đa phương.
Tuy nhiên, trong bối cảnh những thị trường truyền thống bị thu hẹp, tổng cầu giảm do ảnh hưởng bởi việc đứt gãy chuỗi cung ứng, các biện pháp phòng chống dịch, lạm phát tăng cao... đòi hỏi phải đẩy mạnh khai thác những thị trường mới hoặc những thị trường lớn mà hàng hóa Việt Nam, bao gồm hàng nông sản, dệt may, điện tử... có tiềm năng thâm nhập, phát triển như: Ấn Độ, Indonesia hay Australia, New Zealand…
"Đây chính là cơ hội để hệ thống Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài tăng cường hiệu quả hoạt động, đóng góp cho sự tăng trưởng bền vững của nền kinh tế đất nước", Bộ trưởng nhận định và lưu ý các Thương vụ, Chi nhánh Thương vụ trao đổi, thảo luận đưa ra những giải pháp để phát triển thị trường là các đối tác của Việt Nam tại các FTA song phương và đa phương; giải pháp để đưa hàng Việt Nam đến các thị trường lớn, nhất là những thị trường có khả năng hấp thụ lớn hàng Việt Nam.