Vừa qua, UBND tỉnh Hà Giang tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2010 – 2020 nhằm đánh giá những kết quả đạt được của chương trình.
Theo đó, Hà Giang đã có 33 xã đạt chuẩn NTM, dự kiến đến cuối năm có thêm 5 xã đạt chuẩn; không còn xã dưới 7 tiêu chí. Bộ mặt nông thôn có nhiều thay đổi theo hướng tích cực, khoảng cách giữa thị trấn với vùng nông thôn được thu hẹp, thu nhập bình quân đầu người đạt 20,7 triệu đồng, bộ mặt nông thôn Hà Giang đã có nhiều khởi sắc.
Trong 19 tiêu chí NTM, tiêu chí giao thông đã được Hà Giang nỗ lực thực hiện và đạt được kết quả đáng ghi nhận. Đến hết tháng 7/2019, toàn tỉnh đã thực hiện bê tông hóa được trên 2.200km đường trục thôn, liên thôn xóm, nội đồng, có 38/177 xã (21,5%) đạt tiêu chí giao thông; 142/177 xã (80,2%) đạt tiêu chí thủy lợi, hệ thống thủy lợi trên địa bàn tỉnh cơ bản đã đáp ứng nhu cầu sản suất của nhân dân, tạo nên nhiều đổi thay đáng kể ở khu vực nông thôn.
Người dân Hà Giang đã hiến hơn 3 triệu m2 đất, góp 2,9 triệu ngày công để xây dựng NTM của tỉnh (ảnh: LAD) |
Theo lãnh đạo tỉnh Hà Giang, nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức các cấp về xây dựng NTM đã có sự thay đổi rõ rệt, người dân tích cực tham gia đóng góp xây dựng NTM, chú trọng phát triển kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa với những sản phẩm chủ lực của tỉnh.
Với tinh thần chung tay xây dựng NTM, 10 năm qua, người dân tỉnh Hà Giang đã hiến hơn 3 triệu m2 đất, đóng góp gần 2,9 triệu ngày công lao động, di dời trên 38.500 chuồng trại…
Nổi lên là phong trào xây dựng NTM ở huyện Xín Mần (Hà Giang) khi huy động được quần chúng nhân dân ủng hộ mạnh mẽ. Trong 10 năm qua, huyện đã vận động nhân dân tham gia đóng góp hơn 600.000 ngày công lao động, hiến trên 1.032.000 m2 đất và quyên góp được gần 8 tỷ đồng để xây dựng NTM.
Đặc biệt, trong năm 2018, để khắc phục những khó khăn cho người dân biên giới của huyện, Ban Chỉ đạo NTM huyện đã phát động quyên góp làm tuyến đường bê tông nối từ cầu Cốc Pài qua thôn Xóm Mới lên trung tâm xã Chí Cà; tuyến đường có chiều dài gần 6 km là kết quả của tinh thần đoàn kết, chung sức, đồng lòng và quyết tâm của cán bộ, đảng viên và đồng bào các dân tộc vùng biên giới.
Tương tự, trong quá trình thực hiện chương trình, huyện Mèo Vạc đã phát động phong trào “Ngày thứ Bảy cán bộ và nhân dân chung tay xây dựng nông thôn mới”, tạo khí thế sôi nổi trong công tác xây dựng nông thôn mới, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại huyện nghèo của Hà Giang.
Theo đó, vào những ngày thứ bảy hàng tuần các cán bộ, đảng viên, đoàn viên thanh niên và lực lượng vũ trang đóng trên địa bàn lại cùng nhau xuống các thôn, bản tuyên truyền nâng cao nhận thức về công tác xây dựng NTM, trực tiếp giúp dân làm đường giao thông, vệ sinh môi trường, giúp dân tu sửa, xây dựng nhà cửa, che chắn chuồng trại, di chuyển chuồng trại ra xa khu vực ở,…
Chỉ tính riêng trong tháng 5/2019, trên địa bàn huyện Mèo Vạc đã tổ chức được 24 buổi tuyên truyền với 1.837 lượt người tham gia; vận động nhân dân hiến đất được 900 m2 đất, đóng góp được 781 ngày công lao động; tiến hành làm mới 300m đường giao thông và nâng cấp được 3.800 m đường trục thôn, liên thôn.
Ông Trần Nhật Lam - Phó Chánh Văn phòng điều phối Nông thôn mới Trung ương đánh giá cao kết quả đạt được của tỉnh Hà Giang trong 10 năm thực hiện Chương trình. Đặc biệt, Hà Giang có nhiều đột phá, cách làm sáng tạo trong việc thực hiện một số tiêu chí khó; sự đồng tình, hưởng ứng tham gia của người dân trong xây dựng NTM.
Để việc thực hiện Chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025 đạt được kết quả tốt hơn, ông Lam đề nghị tỉnh cần tập trung chỉ đạo hoàn thành các mục tiêu đã đề ra đến năm 2020; sớm đẩy nhanh tiến độ giải ngân hoàn thành vốn trung hạn giai đoạn 2016 - 2020; có kế hoạch phân bổ vốn trung hạn 2021 – 2025. Bên cạnh đó, tỉnh cần quan tâm đến bảo vệ môi trường, tạo cảnh quan, du lịch cộng đồng để gắn kết tạo đà trong xây dựng NTM nhằm không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.
Bài: Trần Thị Hảo - nhóm PV
Ảnh: Vũ Việt Bảo Phùng - nhóm PV