Văn Miếu – Quốc Tử Giám  đang trưng bày Quốc Tử Giám - Trường Quốc học đầu tiên. Theo đó, giới thiệu hơn 200 tài liệu, hiện vật với những bức ảnh màu lần đầu tiên được công bố cùng với những hiện vật khảo cổ rất quý giá, minh chứng cho sự ra đời của Quốc Tử Giám.

Khách tham quan trưng bày.

Phát biểu khai mạc, Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Phạm Thị Mỹ Hoa khẳng định, trong suốt chiều dài phát triển của lịch sử dân tộc, truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo, coi trọng nhân tài đã hình thành nên đạo học Việt Nam, góp phần cho sự xuất hiện của nhiều bậc hiền tài, các danh nhân văn hóa, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.

"Ở giai đoạn nào, giáo dục luôn được cả nhà nước và người dân chăm lo, chú trọng. Vào thế kỷ XI, sau khi vua Lý Công Uẩn dời đô đến Đại La, năm 1076, triều đình nhà Lý đã cho lập Quốc Tử Giám để làm trường học cấp Quốc gia, đồng thời tuyển chọn những bậc trí thức, thông tuệ kinh điển làm thầy dạy trong trường", bà Phạm Thị Mỹ Hoa nhấn mạnh.

Hiện vật gỗ và gạch hình chữ nhật có niên đại từ thế kỷ X, gắn với sự ra đời của Quốc Tử Giám.

Trưng bày Quốc Tử Giám - Trường Quốc học đầu tiên được chia thành hai không gian tĩnh và động, trong nhà và ngoài trời. Phần trưng bày trong nhà đưa người xem ngược thời gian trở về với Quốc Tử Giám qua từng mốc lịch sử với khởi đầu là thời Lý, phát triển dưới thời Trần - Hồ, đỉnh cao là thời Lê - Mạc - Lê Trung Hưng, biến đổi dưới thời Nguyễn, và sự hồi sinh của di tích thời đương đại. Gắn với mỗi giai đoạn phát triển, Quốc Tử Giám lại ghi dấu ấn bởi các danh nhân văn hóa hay sự kiện tiêu biểu tại ngôi trường này.

Luận ngữ - tuyển tập lời nói và hành động của Khổng Tử liên quan đến hệ tư tưởng - được trưng bày tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Trưng bày ngoài trời là khu vực vườn phía sau dãy Đông vu. Đây là không gian giúp người xem gợi nhớ về cuộc đời của nho sinh với mái trường tại làng quê, cảnh thi cử nơi kinh thành và rồi lại trở về quê hương vinh quy bái tổ.

Áo, mũ và sách của nho sinh thời xưa.

Nói về ý tưởng thiết kế phần trưng bày trong nhà, ông Patrick Hoarau - chuyên gia đồ họa, trưởng nhóm thiết kế trưng bày - cho biết: “Không gian trưng bày trong nhà được thiết kế ở dãy Đông vu, khu thứ tư của di tích Văn Miếu- Quốc Tử Giám. Tòa nhà có rất nhiều cửa ra vào, bởi vậy chúng tôi đã chọn phương án thiết kế để khách tham quan bước vào từ cửa nào cũng có thể hiểu được không gian trưng bày này”.

Ông chia sẻ thêm: “Trưng bày ngoài trời kể về cuộc đời của một sĩ tử từ khi rời làng đi học, rồi đi thi, vinh quy bái tổ quay về làng. Nhóm thiết kế đã lên ý tưởng để đưa ra những sắp đặt thích hợp nhất ở không gian này”.

Khu vực trưng bày ngoài trời cũng là không gian cho các hoạt động trải nghiệm mang đặc trưng của di tích như: viết thư pháp, câu đối…