Bản Hiệp định Hạt nhân dân sự giữa hai nước Việt Nam và Hoa kỳ vừa bắt đầu có hiệu lực, một số hoạt động liên quan chương trình điện hạt nhân của Việt Nam đã bắt đầu bước vào triển khai.
Với Hiệp định Hạt nhân dân sự Việt Mỹ bắt đầu có hiệu lực, mối quan hệ giữa hai nước trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân hòa bình mở ra một giai đoạn mới.
Mặc dù, bản Hiệp định này (còn có tên Hiệp định 123) được chính thức ký kết hơn 1 năm trước, từ ngày 06/5/2014 tại Hà Nội, nhưng theo luật lệ hiện hành của Hoa Kỳ phải đợi ít nhất 3 tháng chờ xem có bị ngăn cản nào không bằng một dự luật ở quốc hội, mới được xem như đã phê chuẩn.
Ngày 06/5/2014, tại Hà Nội, Hiệp định Hạt nhân dân sự đã được ký kết giữa Bộ trưởng Bộ KH&CN và Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam. |
Và trong thực tế không hề có sự ngăn cản chính thức nào xảy ra. Do đó, từ tháng 8/2014 trở đi, bản Hiệp định về hạt nhân 123 đương nhiên đã chính thức có hiệu lực. Theo đó, giữa hai nước có thể tiến hành những quan hệ hợp tác, mua bán về hạt nhân dân dụng, kể cả việc Hoa Kỳ bán lò phản ứng hạt nhân cho Việt Nam.
Bản Hiệp định đáp ứng nhu cầu của hai nước. Đúng vậy, lúc bản Hiệp định vừa đi vào hiệu lực, Tổng công ty Lightbridge trụ sở tại Mỹ đã ký ngay một biên bản ghi nhớ hợp tác (MoU) với Việt Nam cộng tác xây dựng các chương trình an toàn năng lượng hạt nhân của mình. Biên bản ghi nhớ đó được bình luận như là "một ví dụ điển hình" của những lợi ích sẽ tích luỹ không chỉ cho ngành công nghiệp Mỹ mà cả cho ngành an toàn hạt nhân nước này.
Về mặt quan hệ điện hạt nhân giữa hai nước, cũng đã có bước đi đầu tiên, đó là sự hợp tác giữa Trường Đại học Điện lực Việt Nam (viết tắt EVN EPU) và Công ty tập đoàn đa quốc gia Mỹ General Electric (viết tắt GE), ở New York. Hai đối tác này vừa ký kết hợp tác trong lĩnh vực nghiên cứu, đào tạo điện hạt nhân. Theo nội dung ký kết, GE sẽ hỗ trợ EVN EPU trong việc tiếp cận công nghệ mới, tổ chức các hội thảo chuyên ngành, đưa chuyên gia hạt nhân tới tham gia giảng dạy tại Trường Đại học Điện lực…
Văn bản liên kết đào tạo nói trên, rõ ràng, tạo điều kiện thuận lợi để các giảng viên, học viên Việt Nam tiếp cận công nghệ nguồn cũng như học hỏi kỹ thuật của Mỹ trong việc xây dựng, vận hành an toàn và hiệu quả các nhà máy điện hạt nhân. Ngoài ra, GE cũng sẽ hỗ trợ EVN EPU trong một số lĩnh vực đào tạo như: Hệ thống điện, công nghệ cơ khí… Như thế, GE và EVN EPU đã xác định chiến lược hợp tác lâu dài, hướng tới việc đào tạo nguồn nhân lực hạt nhân chất lượng cao ở Việt Nam.
Một chương trình hợp tác rộng lớn hơn về điện hạt nhân cũng đã được khởi động và đang tích cực chuẩn bị giữa Tập đoàn lớn về điện hạt nhân Westinghouse (Hoa Kỳ) và Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam (Viện NLNTVN).
Chương trình được mở đầu bằng cuộc viếng thăm và làm việc với các nhà lãnh đạo Viện NLNTVN ở Hà Nội của đoàn đại biểu Westinghouse từ Mỹ do Phó Chủ tịch Tập đoàn này Jeff Benjamin dẫn đầu . Ông Jeff Benjamin cho biết, Westinghouse đang chuẩn bị cho chương trình đưa những kỹ sư và nghiên cứu viên từ Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam sang làm việc tại Hoa Kỳ về một số mảng kỹ thuật liên quan tới điện hạt nhân.
Chương trình hợp tác gồm hai mảng chính: Một là, đưa một số cán bộ của Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam tới làm việc trong lĩnh vực kỹ thuật tại cơ sở của Westinghouse. Hai là, Westinghouse cấp học bổng cho cán bộ Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam tới học tập, nghiên cứu tại Trường Đại học Bắc Carolina.
Sơ đồ thiết kế lò phản ứng AP-1000 Westinghouse đang xây dựng cho các nước. |
Westinghouse là một trong những công ty đi đầu về công nghệ hạt nhân trên thế giới, nổi bật với thiết kế lò phản ứng thế hệ thứ III+ là AP-1000, đây cũng là một trong những phương án thiết kế được đưa vào quá trình lựa chọn cho nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 2.
Hiện nay, Westinghouse vẫn đang phát triển tiến trình thi công 8 tổ máy AP-1000 trên lãnh thổ Hoa Kỳ (Nhà máy điện hạt nhân Vogtle và V.C.Summer) và Trung Quốc (Nhà máy điện hạt nhân Haiyang và Sanmen).
Ông Jeff Benjamin, hy vọng với nền tảng kỹ thuật tiên tiến cũng như bề dày kinh nghiệm của mình, Westinghouse sẽ hỗ trợ tốt cho Việt Nam trong dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của quốc gia.
Minh Trần