Các Hiệp hội ngân hàng ASEAN cam kết cùng đáp ứng sự phát triển của công nghệ số và các đổi mới tài chính trong khu vực.

Theo Cổng thông tin Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Hội nghị hội đồng Hiệp hội Ngân hàng ASEAN lần thứ 47 vừa được tổ chức tại Việt Nam.

Tại hội nghị, ông Lê Lương Minh, Tổng Thư ký ASEAN cho biết: Trong khuôn khổ Kế hoạch tổng thể xây dựng ASEAN 2025, tiền đề hình thành AEC 2015 đã xây dựng Kế hoạch hành động chiến lược 2016 – 2015, nêu bật 3 trụ cột chính đó là hội nhập tài chính, tài chính bao trùm và ổn định tài chính.

Theo đó, hội nhập tài chính được hướng dẫn bởi khuôn khổ hội nhập ngân hàng ASEAN (ABIF) và đối với tài chính bao trùm là khuôn khổ tài chính bao trùm ASEAN. Tài chính toàn diện số được coi là tiền đề quan trọng cho sự phát triển này.

Nhận thấy được cả lợi ích và thách thức đến từ FinTech và số hóa, Văn bản hướng dẫn về dịch vụ tài chính số đang được xây dựng và sử dụng làm tài liệu tham khảo cho các Quốc gia Thành viên ASEAN để xây dựng và nâng cao hệ sinh thái tài chính số ở cấp quốc gia.

Văn bản hướng dẫn được kỳ vọng sẽ thúc đẩy các giao dịch không dùng tiền mặt và chỉ ra những yếu tố chính tạo ra môi trường pháp lý cho các dịch vụ tài chính số nhằm đáp ứng sự phát triển của công nghệ số và các đổi mới tài chính trong khu vực.

Cũng tại hội nghị, ông Phan Đức Tú, Chủ tịch Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, Tổng Giám đốc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam cho biết: việc hợp tác chặt chẽ giữa các thành viên của Hiệp hội Ngân hàng ASEAN là rất cần thiết trong bối cảnh ngành ngân hàng khu vực và thế giới đang trong giai đoạn thay đổi nhanh chóng dưới tác động của cuộc CMCN 4.0 và xu thế hội nhập.

Một chu kỳ tăng trưởng mới trong ngành ngân hàng đặt ra cho chúng ta nhiều vấn đề cần giải quyết: làm thế nào để liên kết, sử dụng lợi thế của nhau… để đưa ra nhiều phương thức cung cấp dịch vụ mới, sản phẩm mới, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội; làm thế nào để đào tạo và phát triển nhân lực chất lượng cao, phù hợp với kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo và yêu cầu quản trị rủi ro trong môi trường kinh doanh nhiều biến động.

Tại Hội nghị Hội đồng Hiệp hội Ngân hàng ASEAN, các thành viên đã thông qua các đề xuất của ba Ủy ban thường trực (Ủy ban về Hợp tác Tài chính, Đầu tư và Thương mai (COFIT), Ủy ban về Quan hệ Liên vùng ASEAN (IRR) và Ủy ban về Đào tạo Ngân hàng).

Sáng kiến về Mạng lưới sáng tạo tài chính ASEAN (AFIN) là một chương trình ứng dụng thử nghiệm nhằm cung cấp một môi trường an toàn và không rủi ro để các ngân hàng có thể thử nghiệm những giải pháp sáng tạo về FinTech. Trong đó, AFIN chú trọng giải quyết bốn “vấn đề” mà các định chế tài chính đang phải đối mặt khi áp dụng FinTech là: Các ngân hàng đang sử dụng những mô hình truyền thống.

Một phần lớn trong ngân sách IT của ngân hàng chi cho việc bảo trì hệ thống kế thừa và chỉ một phần nhỏ được sử dụng để áp dụng công nghệ mới.

Trong ngành FinTech, nhiều startups được hình thành rồi lại sụp đổ do đó các ngân hàng không có sự đảm bảo về độ tin cậy và bền vững của các công ty trong ngành này.

Các chuyên gia về CNTT thì thường không hoạt động trong lĩnh vực Ngân hàng, thay vào đó là trong lĩnh vực FinTech.

Với AFIN, các FinTech toàn cầu có thể cung cấp các giải pháp của mình và xem xét những khả năng có thể mang lại cho ngành tài chính, từ đó giải quyết những vấn đề nêu trên thông qua những kết quả dưới đây:

Các ngân hàng với cơ sở hạ tầng kế thừa truyền thống có thể kết nối không gián đoạn cùng Fintech chỉ với công sức và chi phí tối thiểu. Việc này cũng tạo cơ hội để các ngân hàng nhỏ và vừa cải tiến nền tảng hoạt động để tận dụng các giải pháp FinTech sáng tạo.

Cụ thể, Các ngân hàng có thể lựa chọn giữa rất nhiều các FinTech khác nhau và tập hợp những Công ty FinTech có năng lực tốt nhằm giảm thiểu những nguy cơ không lường trước của Công ty FinTech quy mô nhỏ.

Tích lũy kinh nghiệm và dữ liệu thực nghiệm để mang lại thông tin cho các thảo luận trong tương lai về việc hài hòa hóa chính sách đối với FinTech để tích hợp hiệu quả với ngành tài chính của nhiều quốc gia.

Mang lại các cơ hội cho FinTech ASEAN để xuất khẩu giải pháp ra thị trường toàn cầu cũng như thu hút đầu tư quốc tế để đẩy mạnh phát triển của FinTech ASEAN.

Chương trình này sẽ được đưa ra bàn thảo rộng rãi với hiệp hội ngân hàng các nước thành viên thông qua hình thức hội thảo sẽ được tổ chức tại các quốc gia trong khối.