- Sau vụ việc nhóm "Hiệp sĩ đường phố" quận Tân Bình, Tp HCM bị cuồng sát, một cuộc tranh luận đã diễn ra gay gắt với câu hỏi "hiệp sĩ có làm thay việc của công an"? Chương trình Bàn tròn trực tuyến của báo VietNamNet vừa diễn ra đã mổ xẻ chủ đề này.
Thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó giám đốc Công an Tp đã chủ trì cuộc họp báo công bố vụ án hôm 15/5. Nhưng còn đó hàng loạt câu hỏi nóng đang tiếp tục được đông đảo dư luận bạn đọc đặt ra.
Cần phải nhìn nhận vai trò của các tổ chức nhóm hiệp sĩ đường phố ra sao trong công tác đấu tranh chống tội phạm? Cơ quan công an đã làm hết trách nhiệm hay chưa và cần làm gì để tăng cường an ninh trật tự, bảo vệ cuộc sống bình an của nhân dân?
Chương trình Bàn tròn trực tuyến của VietNamNet có cuộc trao đổi nhanh qua cầu truyền hình giữa các khách mời ở Hà Nội và Tp HCM.
Khách mời gồm có:
- TS Luật học Lưu Bình Nhưỡng, Ủy viên thường trực Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội
- Ông Lâm Hiếu Long, Đội trưởng Đội Hiệp sĩ đường phố Tp HCM. Anh vốn là một phiên dịch viên tiếng Anh kiêm nghề buôn bán ô tô tự do. Đội Hiệp sĩ của anh đã hoạt động từ năm 2010, chính thức thành lập từ năm 2013. Cho đến nay, đội đã truy bắt trên dưới 1.000 vụ cướp giật tại Tp HCM.
- TS Tâm lý học Đoàn Văn Báu, chuyên gia về tâm lý học tội phạm tại Tp HCM.
XEM TẠI CHƯƠNG TRÌNH TALKSHOW TẠI LINK SAU:
Hiệp sĩ đường phố: Đừng để lòng tốt bị đơn độc
"Hiệp sĩ đường phố" được công nhận về mặt xã hội nhưng lại chưa được chính danh trong cơ chế của địa phương? Chúng ta đừng để lòng tốt bị đơn độc!
DƯỚI ĐÂY LÀ BẢN TEXT TALKSHOW:
Nhà báo Phạm Huyền: Xin mở đầu bàn tròn về cảm nhận xoay quanh vụ việc băng cướp cuồng sát các hiệp sĩ. Thưa hiệp sĩ đường phố Lâm Hiếu Long, anh cảm nhận ra sao về vụ việc kinh hoàng xảy ra đối với chính các “đồng nghiệp” của mình?
Hiệp sĩ Lâm Hiếu Long: Vụ việc vừa qua rất đáng tiếc. Đối tượng rất manh động, quá hung hãn.
Trong quá trình theo dõi đối tượng trong hơn một năm qua, chúng tôi có nhận thông tin từ các nhóm hiệp sĩ trên các địa bàn thành phố thì biết, anh em trước đây đã từng bị chúng chống trả, bị xịt hơi cay, cản đường để trốn thoát.
Nhà báo Phạm Huyền: Sau vụ việc này, anh nghĩ sao về các rủi ro phải đối mặt của hiệp sĩ đường phố? Tính mạng của anh có thể bị đánh đổi?
Hiệp sĩ Lâm Hiếu Long: Với những vụ việc va chạm với đối tượng nguy hiểm, bản thân tôi cũng đôi chút lo lắng, cho không chỉ riêng tôi mà cho các các anh em khác. Các đối tượng dùng dao để tấn công hiệp sĩ thường rất hung hãn.
Trước các trường hợp này, tôi cùng các anh em khuyên bảo nhau cách khống chế, giữ chân tội phạm lại.
Qua các vụ việc vừa qua, theo nhìn nhận của tôi, nếu các đối tượng sử dụng các vũ khí nguy hiểm, vật nhọn, có tính sát thương cao, dễ gây thiệt mạng thì chúng tôi thường giữ khoảng cách với đối tượng nhiều hơn thay vì áp sát. Kèm theo đó, chúng tôi tri hô “cướp cướp” để đánh động người dân và tất cả mọi người cùng nhau chung tay trấn áp.
Đội trưởng Đội Hiệp sĩ đường phố TP HCM- Lâm Hiếu Long |
Hiện nay, nhìn chung, các đối tượng cướp giật… ngày càng càng manh động, càng nguy hiểm. Qua theo dõi, quan sát các tội phạm, tôi thấy ở giai đoạn năm 2010-2014, đối tượng thường sử dụng các chai nhỏ, vừa tay cầm. Nhưng sau này (2015 đến nay- PV), chạm trán với một số đối tượng nguy hiểm thì thấy, chúng thường sử dụng dao lê, ớt bột, bình xịt hơi cay loại lớn, tức là một khi xịt bình này thì cả con đường và những người xung quanh bị ảnh hưởng hết.
Nhà báo Phạm Huyền: Rõ ràng khi đối tượng hung hãn thì khó xoay chuyển tình thế. Thưa TS Đoàn Văn Báu, đánh giá của ông như thế nào về vụ việc và các phản ứng nhanh của cơ quan công an Tp HCM?
TS Đoàn Văn Báu: Là người dân sống ở TP. HCM, tôi rất tiếc thương và rất đau xót trước sự hy sinh của 2 các hiệp sĩ. Đây là một hồi chuông cảnh báo không chỉ với cơ quan chức năng, với người dân mà là cả cho các các hiệp sĩ đang hoạt động trên cả nước.
Các thông tin thiếu tướng Phan Anh Minh đưa ra rất rõ ràng, phù hợp thực tế khách quan.
Nhà báo Phạm Huyền: Cảm ơn ông. Sau vụ việc này, đã xảy ra cuộc tranh luận gay gắt trên cộng đồng về vai trò, chức năng của các hiệp sĩ đường phố và trách nhiệm của cơ quan công an trong việc trấn áp tội phạm, bảo vệ an ninh trật tự.
Thưa ông Lưu Bình Nhưỡng, là một TS Luật học, ông nhìn nhận như thế nào về điều này?
TS Lưu Bình Nhưỡng: Sự mất mát của các hiệp sĩ thì có số đếm, nhưng còn sự mất mát mà ta gọi là sự thiếu tin tưởng trong lòng người dân thì rất lớn, có thể nói là không có số đếm được.
Theo tôi, có 3 luồng quan điểm về vấn đề này. Quan điểm thứ nhất hoàn toàn bênh vực các hiệp sĩ, quan điểm thứ hai nói rằng, đây là việc của công an, tại sao công an không làm mà lại để cho hiệp sĩ làm?
Quan điểm thứ 3 nói, phải làm thế nào đây để hai lực lượng này thực sự hỗ trợ lẫn nhau, thực hiện nhiệm vụ chung giữ gìn an ninh trật tự, bình yên của thành phố, của thể chế chính trị chúng ta. Đây là việc rất đáng suy nghĩ.
Những ý kiến trên mạng xã hội vừa qua, phần lớn nghiêng về việc ủng hộ phong trào hiệp sĩ, hoạt động hành hiệp của những con người dám xả thân, dám quên mình, thậm chí có người nói, đây là một trong những tấm gương điển hình của “ăn cơm nhà, vác ngà voi” hay “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”.
TS Lưu Bình Nhưỡng, Ủy viên thường trực Ủy ban các vấn đề xã hội |
Tôi thấy rằng, họ không có gì đáng trách cả. Tôi đã theo dõi phong trào này trong nhiều năm qua thì thấy, đây là một hiện tượng cần xem xét, đánh giá nghiêm túc, để chúng ta có một thái độ chính thức về vấn đề này.
Nhà báo Phạm Huyền: Những người dân dũng cảm cần được biểu dương. Nhưng khi người dân tham gia trực tiếp bắt tội phạm, rất nhiều rủi ro. Vậy thưa người trong cuộc, hiệp sĩ Lâm Hiếu Long, các anh đang hoạt động theo cách thức nào, cơ chế phối hợp với lực lượng chuyên trách ra sao?
Hiệp sĩ Lâm Hiếu Long: Nhóm thường xuyên liên kết với cơ quan chức năng chia sẻ thông tin ghi nhận trên đường phố như biển số xe cuủa đối tượng nghi vấn, xe đã bị trộm cắp.
Tôi và các anh em luôn cập nhật thông tin đó và chia sẻ với cơ quan chức năng nhằm mục đích phối hợp chặt chẽ hơn, giảm thiểu một phần nào đó các đối tượng tội phạm.
Ngược lại, các lực lượng chuyên trách thường xuyên hỗ trợ, trao đổi thông tin với nhau. Chúng tôi chia sẻ về nghiệp vụ và cách ứng phó với tình huống xấu nhất.
Nhà báo Phạm Huyền: Đến thời điểm này, nhóm Hiệp sĩ đường phố của anh đã đã giải quyết bao nhiêu vụ việc?
Hiệp sĩ Lâm Hiếu Long: Từ năm 2010 đến 2018, chúng tôi đã truy bắt các đối tượng trộm cắp, cướp giật.. trên dưới 1.000 vụ.
CHỐNG TỘI PHẠM LÀ TRÁCH NHIỆM CHÍNH CỦA CÔNG AN
Nhà báo Phạm Huyền: Rất tiếc chương trình bàn tròn trực tuyến hôm nay, đại diện cơ quan công an Tp HCM cáo bận, không thể tham gia được. Tuy nhiên, ngay trước buổi ghi hình, chúng tôi có nhận được một số thông tin từ cơ quan công an thành phố cho biết: Số các vụ việc phạm pháp hình sự, cướp giật theo thống kê đã giảm. Cụ thể, số vụ phạm pháp hình sự năm 2015 là 6004 vụ, giảm 377 vụ, năm 2016: 5205 vụ, giảm 799 vụ, năm 2017 4809 vụ, giảm 396 vụ.
Trong đó, số vụ cướp giật năm 2015 có 1003 vụ, giảm 133 vụ, năm 2016 có 888 vụ, giảm 115 vụ, năm 2017 có 798 vụ, giảm 90 vụ.
Trong số này có sự đóng góp không nhỏ của các hiệp sĩ đường phố. Phía cơ quan công an chưa có thống kê, nhưng thông tin từ đội trưởng Hiệp sĩ đường phố quận Tân Bình, ông Trần Văn Hoàng cho biết năm 2013- 2015 có truy bắt 62 vụ cướp giật 92 đối, 37 vụ trộm với 42 đối tượng, giao công an xử lý. Đội được thưởng 50 giấy khen, bằng khen.
Dù giảm về số vụ nhưng tính chất mức độ các vụ việc ngày càng phức tạp, nghiêm trọng hơn.
Thưa TS Đoàn Văn Báu, trên thực tế, ông quan sát như thế nào về mức độ tình hình cướp giật ở thành phố Hồ Chí Minh hiện nay?
TS Đoàn Văn Báu: Có thể thấy tình hình cướp giật trong những năm qua, trước khi lực lượng cảnh sát hình sự Hướng Nam thành lập, số liệu gia tăng qua hàng năm, diễn biến phức tạp. Từ khi lực lượng cảnh sát Hướng Nam được thành lập, tình hình có giảm xuống.
Chuyên gia tâm lý học tội phạm, TS Đoàn Văn Báu |
Tuy nhiên, số liệu mang tính tương đối vì tội phạm ẩn còn nhiều. Tính chất, mức độ của hành vi tội phạm ngày càng manh động hơn. Đương nhiên, vỏ quýt dày thì có móng tay nhọn. Khi có lực lượng chuyên trách mạnh hơn thì các tội phạm tìm thủ đoạn đối phó.
Có thể thấy, cảm nhận của người dân ở TP HCM thực sự chưa an tâm và du khách đến Tp HCM cũng chưa an tâm với an toàn trật tự ở địa phương này.
Tôi cho rằng, vấn đề chính là trách nhiệm của lực lượng chuyên trách, cụ thể là của cơ quan công an Tp HCM trong việc quản lý đối tượng, làm trong sạch địa bàn và chưa làm tốt công tác phòng ngừa.
Nếu chúng ta làm tốt công tác phòng ngừa, tôi cho rằng, cho dù áp lực dân cư thế nào, điều kiện khách quan như thế nào, lực lượng chức năng làm tốt thì tình trạng tội phạm sẽ giảm đi. Tôi cho rằng, trách nhiệm chính là của công an Tp HCM.
MÔ HÌNH NGHĨA HIỆP CẦN ĐƯỢC NHÂN RỘNG
Nhà báo Phạm Huyền: Thưa ông Lưu Bình Nhưỡng, theo ông, cơ quan công an và các hiệp sĩ đường phố cần được nhìn nhận, phân định như thế nào trong công tác chống tội phạm, đảm bảo an ninh cho người dân?
TS Lưu Bình Nhưỡng: Hình dung có thể nói một câu ngắn gọn, mô hình Hiệp sĩ đường phố là một mô hình đẹp. Mô hình này tự phát nhưng lại là mô hình rất đẹp, vì đó là mô hình hành hiệp, mô hình làm việc nghĩa. Nhiều người làm việc bất vụ lợi, không tính toán gì, không màng lợi ích, thậm chí không xin xỏ người được giúp đỡ.
Còn lực lượng chuyên trách, lực lượng công an, đó là lực lượng nòng cốt chống tội phạm, là nóng cốt xây dựng thế trận an ninh nhân dân. Họ có chức năng, nhiệm vụ rõ ràng quy định trong luật.
Nhưng cũng không thể nói rằng, chỉ có công an mới làm. Tất cả cá nhân, cơ quan tổ chức ai là người Việt Nam đều có quyền và nghĩa vụ tham gia vào công cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm.
Việc ra đời tổ chức hiệp sĩ, mặc dù tự phát, nhưng đây hoàn toàn là khách quan, do nhu cầu xã hội. Giống như chuyện Lục Văn Tiên xưa đánh cướp, “giữa đường thấy chuyện bất bình chẳng tha”. Chúng ta nhân lên lòng tốt của con người là điều tốt đẹp nhất của xã hội.
Hiệp sĩ đường phố có làm thay việc công an?- Nhà báo Phạm Huyền trao đổi với TS Lưu Bình Nhưỡng tại Hà Nội |
Vấn đề quan trọng là các hiệp sĩ không làm thay gì cơ quan công an cả. Đây là công tác phối hợp, là tự nguyện của người dân. Ai đó nói rằng, họ đang làm thay cơ quan công an là sai.
Còn lực lượng công an dám khoán trắng cho lực lượng này để phòng chống tội phạm thì lại càng sai. Rất may ở đây, không có câu chuyện này xảy ra. Đang có sự chưa hiểu tường tận về chức năng nhiệm vụ của lực lượng công an và hành động nghĩa hiệp của người dân.
Tôi đề nghị cần lưu ý hết sức vấn đề này. Bộ Luật tố tụng hình sự, Điều 111 đã quy định rất rõ, bất kỳ người dân nào đều có quyền bắt kẻ phạm tội, bắt người đang trốn chạy, Điều 112 cho phép bắt người có lệnh truy nã. Đây là việc pháp luật cho phép rồi nên ta không thể nói, họ đang làm thay công an. Họ đang góp phần cùng lực lượng nòng cốt công an để phòng chống tội phạm theo đúng quy định của pháp luật.
NGẮN CẤM HIỆP SĨ ĐƯỜNG PHỐ BẮT TỘI PHẠM LÀ TRÁI LUẬT
Nhà báo Phạm Huyền: Nếu lực lượng chuyên trách, cơ quan công an làm tốt nhiệm vụ của mình, cướp giật ít hơn thì người dân bình thường không cần phải trở thành”hiệp sĩ đường phố nữa. Ông nghĩ như thế nào khi cứ để người dân phải làm hiệp sĩ đường phố, nghĩa là để dân phải đối mặt với rủi ro, tay không bắt tội phạm? vụ việc vừa qua là người dân đã thiệt mạng?
TS Lưu Bình Nhưỡng: Đã làm người nghĩa hiệp, người ta dám xả thân. Không cần thiết phải có điều kiện gì. Đây là tinh thần hiệp sĩ. Tuy nhiên, chúng ta không được phép bỏ rơi lòng tốt. Chúng ta không được phép để lòng tốt trở nên đơn độc. Đấy là một vấn đề xã hội. Đấy cũng là vấn đề pháp lý.
Nếu làm tốt nhất công tác phòng chống tội phạm, tức cơ quan chức năng đầy đủ , làm hết, làm tròn hết trách nhiệm của mình, làm một cách hiệu quả nhiệm vụ của mình thì bản thân, còn làm giảm lực lượng ấy, không cần phải biên chế nhiều nữa, không cần phải trang bị nhiều nữa, không cần chính quy hóa từ cấp xã trở lên nữa.
Chúng ta để một xã hội luôn bất an, để du khách, người trong nước cũng thấy bất an như vụ việc vừa xảy ra ở Phạm Ngũ Lão, Bùi Viện... rồi thỉnh thoảng ca sĩ bị cướp giật, một người đi đường, người bán vé số cũng bị giật thì thật đáng tiếc. Đấy là một bức tranh không đẹp đẽ gì với một thành phố văn minh.
Chúng ta đang xây dựng thành phố HCM trở thành một thành phố văn minh, giàu đẹp, nghĩa tình mà lại để như thế. Nghĩa tình của hiệp sĩ khác nghĩa tình thông thường. Họ phải đối mặt với rủi ro.
Theo tôi, không nên xóa họ, ngăn cấm họ. Ngăn cấm là trái pháp luật. Muốn để người dân, trong đó có các hiệp sĩ phòng chống tội phạm hiệu quả, bớt rủi ro thì cơ quan, lực lượng chức năng, đặc biệt là công an, là nòng cốt, phải có hướng dẫn, chia sẻ về các biện pháp, phải có sự trợ giúp, phải vận động quần chúng nhân dân cùng tham gia với họ.
Trong chừng mực nào đó, cần nghiên cứu giúp họ xem có cần hỗ trợ nào, công cụ nào? Nếu ta tổ chức họ thành một tổ chức thực sự, tự quản dưới sự quản lý của Nhà nước thì sẽ bớt đi những rủi ro. Bản thân các hiệp sĩ cũng dần dần rút kinh nghiệm cho mình và tôi chắc chắn họ đã rút kinh nghiệm.
HIỆP SĨ ĐƯỜNG PHỐ HỌC KỸ NĂNG TRẤN ÁP TỘI PHẠM TRÊN MẠNG
Nhà báo Phạm Huyền: Thưa hiệp sĩ đường phố Lâm Hiếu Long, xin anh nói rõ hơn, bản thân các anh có được học thêm kỹ năng nghiệp vụ trấn áp tội phạm?
TS Đoàn Văn Báu và Hiệp sĩ đường phố Lâm Hiếu Long tại Văn phòng báo VietNamNet tại Tp HCM |
Hiệp sĩ Lâm Hiếu Long: Tôi và anh em thường học hỏi các hình ảnh trên truyền thông, trên mạng xã hội, xem trên Youtube, xem video cách trấn áp tội phạm, cách phòng vệ. Bên cạnh đó chúng tôi thường gặp các chiến sĩ công an trao đổi nghiệp vụ trấn áp bắt đối tượng một cách an toàn hơn.
Nhà báo Phạm Huyền: Trong nhóm các anh có ai biết võ không? Khi bắt tội phạm, các anh có lên phương án sử dụng công cụ hỗ trợ?
Hiệp sĩ Lâm Hiếu Long: Chúng tôi không sử dụng công cụ hỗ trợ. Vì chúng tôi chỉ là người dân, không thể trang bị công cụ hỗ trợ, chỉ thường sử dụng tay không hoặc vật gì đó trên đường khi có va chạm.
Anh em chúng tôi có người có võ, có người không. Chúng tôi thường ngồi lại hàng tuần 1 -2 lần trao đổi kinh nghiệm trấn áp, bắt giữ tội phạm.
Biết võ ở trường hợp này chưa phải là cái chính, cái chính khi truy bắt, trấn áp là kinh nghiệm nhiều hơn. Võ chỉ là một phần.
Nếu đối tượng hung hãn, quyết tấn công người truy bắt thì anh không thể dùng võ để chống được, chỉ chống ở một phạm trù nào đó thôi. Đối tượng đang quá hung hạn, quá bấn loạn, đang muốn thoát khỏi vòng vây thì lưỡi dao không bao giờ loại trừ, né ai cả.
Hiệp sĩ đường phố đang hoạt động "5 không": Không đăng ký, không quy chế, không kinh phí, không nghiệp vụ, không vũ khí
Nhà báo Phạm Huyền: Thưa TS Đoàn Văn Báu, ông có chia sẻ gì trước thực tế công việc bắt tội phạm của các hiệp sĩ đường phố như vậy?
TS Đoàn Văn Báu: Theo quan điểm của tôi, các đội nhóm hiệp sĩ ở Tp HCM đang hoạt động theo mô hình “5 không”.
Thứ nhất, không đăng ký với các cơ quan chức năng hoạt động như CLB mà hoạt động như một tổ tự quản, hoàn toàn tự phát. Điều này là việc làm rất nguy hiểm cho chính các anh.
Khi đã là CLB, có chức danh chính thức rồi, mọi người dân đã biết, cơ quan chức năng thừa nhận thì mọi người dân sẽ hỗ trợ.
Thứ hai, các anh không có quy chế hoạt động rõ ràng. Tôi biết chắc rằng, các anh chỉ ngồi hội họp với nhau, đưa ra quy ước hoạt động và những nguyên tắc nhất định. Các anh có thể tham khảo mô hình của CLB phòng chống tội phạm, phường Phú Hòa, Thủ Dầu Một, Bình Dương, họ xây dựng hẳn một quy chế được chính quyền công nhận, rất rõ ràng.
Quy chế này vừa giúp anh em hoạt động đúng với tinh thần nghĩa hiệp của mình, vừa giúp đảm bảo an toàn cho anh em.
Thứ 3, nguồn kinh phí hoạt động từ đâu? Như anh Long, có điều kiện thu nhập tốt, nhưng còn một số anh em khác, thu nhập bấp bênh, một số có hoàn cảnh khó khăn. Vậy nguồn kinh phí đâu để các anh hoạt động, ngoài tiền thưởng cơ quan chức năng trao tặng?
Tôi biết rất nhiều trường hợp, người dân được giúp đỡ xong, quay lại cảm tạ rất nhiều tiền nhưng các anh em không nhận.
Trong khi đó, ở Bình Dương, UBND tỉnh và công an hàng năm có cấp kinh phí, tuy không nhiều nhưng là nguồn hỗ trợ, có chế độ. Thậm chí, ở một số địa phương, đã nghiên cứu khi tham gia những việc nguy hiểm thế này thì có cả chế độ bảo hiểm y tế cho anh em. TP HCM chưa có.
Thứ 4, tôi cho rằng vấn đề quan trọng, qua trao đổi của anh Long, thấy rõ là chúng ta chưa được tập huấn chuyên nghiệp kỹ năng phòng chống tội phạm, kỹ năng phát hiện, phòng ngừa, xử lý tình huống, phối hợp tác chiến bắt tội phạm.
Trong khi ở Bình Dương trong một năm, công an tổ chức ít nhất 2 buổi tập huấn chuyên đề về kỹ năng phòng chống tội phạm cho các CLB đó. Các thành viên, đội trưởng, đội phó có thẻ hội viên và có quyết định gia nhập của cơ quan chức năng. Điều này đảm bảo cho anh em nhiều vấn đề.
Hiện, các CLB phòng chống tội phạm trên cả nước không được sử dụng các công cụ hỗ trợ, đây là theo quy định pháp luật. Nhưng theo đặc thù tp HCM thì có thể tính toán, trang bị các công cụ hỗ trợ như lực lương dân phòng bình thường.
Hoặc các anh cũng phải sáng tạo một chút, tại sao tội phạm có thể lách, qua mặt cơ quan công an mà các anh lại không sử dụng vũ khí tự vệ? Ví dụ, bây giờ một cây vợt tenis có thể trở thành vũ khí cho các anh tự vệ.
Quan trọng nhất là các anh cần phải trang bị công cụ hỗ trợ. Áo giáp mà có phủ toàn thân đi nữa nhưng thiếu kỹ năng phối hợp tác chiến, thiếu cơ chế hoạt động, thiếu công cụ hỗ trợ thì có trang bị tận răng thì các anh cũng gặp nhiều vấn đề.
Phải nhìn vào cái gốc của vấn đề. Mô hình Hiệp sĩ đường phố ở Tp HCM đã tồn tại rất lâu đời, tại sao lại chưa được quan tâm đúng mực, chưa được định hướng để hoạt động, để trở thành mô hình phong trào quần chúng tham gia bảo vệ an ninh tổ quốc rất tốt?
Chúng ta chưa làm được điều đó, trong khi Bình Dương đã làm được. Đáng lẽ ta phải học hỏi kinh nghiệm... Bản thân các hiệp sĩ cũng phải học hỏi kinh nghiệm ở đây, chúng ta đề xuất lên thành phố sẽ được thôi.
Qua câu chuyện của anh Long và câu chuyện của các hiệp sĩ khác, dường như các anh quá chú trọng khâu xử lý mà không chú trọng khâu phòng ngừa.
Ngay cả vụ vừa rồi, khi chúng ta phát hiện đối tượng Tài “mụn”, nhiều lần phát hiện hành vi trộm của đối tượng nhưng chưa bắt quả tang vì bị xịt hơi cay. Vậy tại sao các anh không cung cấp thông tin đó cho lực lượng cảnh sát hình sự?
Cơ quan chức năng quản lý đối tượng trên địa bàn, để gọi đối tượng đến răn đe, giáo dục? Thậm chí tạo điều kiện giáo dục, tạo điều kiện công ăn việc làm, cảm hóa đối tượng. Như vậy, công tác phòng ngừa sẽ rất tốt.
Nhưng chúng ta chưa chú trọng phòng ngừa mà chỉ chú trọng xử lý, đi rình bắt đối tượng có hành vi phạm tội. Như vậy mới giải quyết được phần ngọn, không triệt để, rất nguy hiểm.
Theo tôi, nếu vẫn để mô hình hiệp sĩ hoạt động như hiện nay ở Tp HCM thì không nên hoạt động. Nhưng nếu được tổ chức lại, phát huy tinh thần của các hiệp sĩ thì đây là một mô hình rất tốt.
Như ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng nói, phải phát huy lòng tốt, tinh thần nghĩa hiệp này trong xã hội và nhân rộng mô hình này ra. Có như vậy mới đảm bảo. Còn để các đội, nhóm hiệp sĩ hoạt động hiệu quả thì ta cần trao đổi thêm. Không nên vội vàng.
HIỆP SĨ ĐƯỜNG PHỐ XIN ĐĂNG KÝ CHÍNH THỨC, THÀNH PHỐ KHÔNG HỒI ÂM
Nhà báo Phạm Huyền: Thưa anh Long, xin anh chia sẻ thêm, kể từ khi Hiệp sĩ đường phố thành lập, hoạt động, đã bao giờ cơ quan công an TP HCM tổ chức tập huấn kỹ năng trấn áp tội phạm cho các anh?
Hiệp sĩ Lâm Hiếu Long: Kể từ năm 2010 đến nay, một quá trình hoạt động khá dài, không phải ngắn, tôi đã nhiều lần đề nghị, xin ý kiến chính quyền địa phương và cơ quan cấp cao hơn, đồng thời đã làm một số văn bản xin thành lập nhóm tại địa phương nhưng đến nay vẫn chưa thấy giải quyết, chưa thấy phản hồi.
Cảm ơn anh Báu đã chia sẻ. Đúng là có trang bị áo giáp tận răng thì cũng không thể nào bắt tội phạm và không thể bảo vệ bản thân mình.
Tôi đã từng cầm trong tay quy chế hoạt động của CLB Phú Hòa, nó rất tốt và tôi mong muốn mình có được quy chế như vậy. Bản thân tôi cũng đã áp dụng một phần quy chế đó cho anh em.
Nhưng tại Tp HCM, đã nhiều lần mình xin cơ chế thành lập nhóm, cũng chưa có phản hồi, chưa có câu trả lời cụ thể. Việc này đã kéo dài, chính xác từ năm 2014 đến nay vẫn chưa được.
Qua đây, tôi rất mong cơ quan công an, chính quyền và các cấp cao hơn có thể hỗ trợ về pháp quyền, đào tạo nghiệp vụ nhằm mục đích anh em hoạt động tốt hơn, tự tin và quy củ hơn.
Nhà báo Phạm Huyền: Thưa ông Lưu Bình Nhưỡng, ông suy nghĩ như thế nào về chia sẻ của anh Long và phân tích của TS Đoàn Văn Báu?
TS Lưu Bình Nhưỡng: Tôi rất tâm đắc với ý kiến của TS Đoàn Văn Báu chỉ ra mô hình "5 không" của các hiệp sĩ đường phố.
Theo như Thiếu tướng Phan Anh Minh phát biểu mới đây, không có căn cứ gì cho việc tổ chức, làm công việc liên quan như ở các hiệp sĩ đường phố. Thế mà chúng ta đã cấp rất nhiều giấy khen, bằng khen cho họ.
Chúng ta đã công nhận họ về mặt xã hội rồi, tại sao chúng ta không làm một văn bản nào đó, một quy chế nào đó, một việc gì đó để họ có chỗ dựa về mặt pháp lý?
Cái áo giáp quan trọng nhất là áo giáp về mặt thể chế, là lòng dân, đấy mới là áo giáp quan trọng cho sự an toàn của xã hội, cũng như của lực lượng này.
Họ là lực lượng tốt, cần được nhân điển hình, cần được phát triển. Bình Dương làm được, tại sao Tp HCM không làm được? Bình Dương quy mô nhỏ hơn, trong khi Tp HCM phòng chống tội phạm cần đòi hỏi cần phát động quần chúng tham gia nhiều hơn, tại sao chúng ta không làm được?
Cho nên, trước chia sẻ của 2 khách, tự nhiên tôi cảm giác có gì đó rất chạnh lòng. Mấy ngày hôm nay, tôi rất suy nghĩ. Dường như lòng tốt, sự hành hiệp, tinh thần hiệp sĩ đang bị bỏ rơi.
Chúng ta đang rất vô tình, vô cảm, đối với đóng góp đầy ý nghĩa, đầy tiềm năng đối với con người, với thành phố, với nhân dân, đối với sự bình yên của đất nước. Ta cảm giác như chúng ta đang bỏ rơi họ, không được!
Nhà báo Phạm Huyền: Thế nhưng, nếu chúng ta trao cho họ một thể chế chính thức như vậy thì hóa ra lại để dân thường làm thay việc của công an? Vậy công an đi đâu và công an phải làm gì?
TS Lưu Bình Nhưỡng: Ta lưu ý hai vấn đề khác nhau. Công an làm các công tác nghiệp vụ. Hoạt động của họ có chức năng nhiệm vụ theo quy định của pháp luật.
Ở đây, nhân dân tham gia vào bảo vệ tổ quốc, phòng chống tội phạm. Hai vấn đề này hoàn toàn khác nhau, nhưng đều có luật chung quy định. Hiến pháp quy định về quyền con người, bảo đảm quyền con người, bảo đảm công lý.
Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp cũng lưu ý về sự tham gia của Mặt trận và các tổ chức xã hội của nhân dân trong công cuộc cải cách tư pháp, trong việc phòng chống tội phạm. Luật Công an nhân dân cũng có quy định, bộ luật Tố tụng hình sự có quy định, chứ không phải chúng ta không có cơ sở pháp lý.
Đây không phải là hoạt động có tính chất trôi nổi. Có cái là ta thiếu văn bản hướng dẫn trực tiếp, thiếu sự hỗ trợ một cách hiệu quả. Đâu đó vẫn có sự hỗ trợ cơ mà.
Như là Hiệp sĩ Lâm Đức Long nói, họ nhận được hỗ trợ chia sẻ thông tin, họ chia sẻ thông tin với công an và công an cũng chia sẻ với họ. Như vậy là có sự hỗ trợ rồi. Họ có báo cáo rồi, có xin làm quy chế rồi, thiếu tướng Phan Anh Minh cũng thừa nhận là đã nghiên cứu rồi, nhưng chúng ta bế tắc.
Tôi thấy ở đây vấn đề không có gì ghê gớm để mà bế tắc cả. Nếu chúng ta làm hết trách nhiệm của mình thì chúng ta thấy không có gì bế tắc ở đây. Đây là điểm nghẽn hết sức bình thường.
Trước đây, chúng ta tranh cãi không cho công ty vệ sĩ, không cho công ty thu nợ hoạt động nhưng giờ chúng ta có hết các văn bản rồi và làm được rồi. Cần thiết, chúng ta sẽ tổng kết mô hình này. Công an đứng ra trực tiếp tổng kết mô hình này, báo cáo cấp ủy, chính quyền địa phương xin cơ chế. Đó là chuyện bình thường.
Cho nên, giữa 2 vấn đề, quần chúng tham gia bảo vệ an ninh tổ quốc và công an là nòng cốt chống tội phạm là có gianh giới, họ không thể vượt qua gianh giới là họ đi làm thay việc công an, và công an không thể làm hết trách nhiệm nếu không có nhân dân. Câu chuyện này đã rõ.
Nhà báo Phạm Huyền: Chương trình xin được cảm ơn 3 vị khách!
VietNamNet
Tổ chức sản xuất: Phạm Huyền- Đức Liên- Đàm Đệ
Video: Huy Phúc, Văn Châu, Đức Yên, Xuân Quý, Anh Khoa
Ảnh: Lê Anh Dũng, Văn Đức, Văn Châu
Trợ lý biên tập: Ngọc Hiền
Bạn có đồng tình với phân tích của các khách mời? Mọi ý kiến phản hồi xin gửi về email: bantrontructuyen@vietnamnet.vn