Ngày 21/12/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2156/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi giai đoạn 2021-2030. Theo đó, Chương trình đề ra mục tiêu trong giai đoạn 2022-2025: 95% người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế; ít nhất 90% người cao tuổi được chăm sóc sức khỏe ban đầu kịp thời, khám sức khỏe định kỳ, lập hồ sơ theo dõi sức khỏe; 100% người cao tuổi khi ốm đau, dịch bệnh được khám chữa bệnh và được hưởng sự chăm sóc của gia đình và cộng đồng.  

Việt Nam được xem là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Số lượng người cao tuổi (từ 60 tuổi trở lên) ngày càng tăng, hiện ở mức hơn 16 triệu người. Để thích ứng với tiến trình già hóa dân số, có cách chăm sóc sức khỏe tinh thần, thể chất hiệu quả nhất, theo các bác sĩ, cần hiểu về tâm lý của người cao tuổi.

Về đặc điểm thể chất, tâm lý người cao tuổi, theo cử nhân điều dưỡng Đỗ Thị Mai Hương, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Hà Nội), độ tuổi tăng dần có thể khiến tính cách con người thay đổi do nhiều nguyên nhân tác động như: Cơ thể suy yếu, trí nhớ suy giảm, hay quên, thiếu sự chú ý, ăn ít, dễ mắc hội chứng Alzheimer. Cùng với những biểu hiện thể chất, người cao tuổi thường có tâm lý cô đơn, hoài cổ, hay lo lắng bi quan.

W-cuba101tuoi-7.jpg
Con cháu nên dành thời gian thăm hỏi, trò chuyện, chăm sóc sức khoẻ người già. Ảnh: Phan Chí Hiếu

Trải qua quãng thời gian dài lao động được tiếp xúc, giao tiếp với nhiều người, khi sức khỏe yếu đi, ít hoạt động ngoài xã hội, người cao tuổi dễ sinh buồn chán. Đặc biệt, người cao tuổi rất lo cho sức khỏe của mình, luôn có tâm lý lo sợ vì chậm chạp và cảm giác bị lệ thuộc người khác, vì thế trở nên lo âu, sợ bị bỏ rơi.

Từ những yếu tố tâm lý đó, họ thường tự ti, nóng nảy, khó kiềm chế cảm xúc, dễ tủi thân khi nhu cầu của mình không được đáp ứng đầy đủ, cảm thấy xa cách với cách sống, suy nghĩ vì lệch tuổi tác với giới trẻ.

Những cách chăm sóc sức khỏe người cao tuổi

- Khám sức khỏe định kỳ để chăm sóc người cao tuổi

Bước vào tuổi già, cơ thể lão hóa, hệ tiêu hoá, hệ tim mạch, hệ xương… xuất hiện những dấu hiệu không tốt, gây ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt. Người cao tuổi rất dễ mắc phải các bệnh về tim mạch, tiểu đường, huyết áp, loãng xương, các bệnh về hô hấp…

Bệnh người già thường là các bệnh có diễn biến âm thầm, mãn tính và khi phát hiện thì đã ở thể nặng. Từ việc thăm khám định kỳ (6 tháng/1 lần) với sự tư vấn của các chuyên gia y tế, người cao tuổi sẽ kịp thời phát hiện sớm bệnh tuổi già trong giai đoạn mầm mống, từ đó kiểm soát và có kế hoạch điều trị thích hợp. Việc xây dựng thói quen khám sức khoẻ định kỳ cho người già sẽ mang lại những lợi ích rất thiết thực; giảm được thời gian chăm sóc, chữa trị cũng như chi phí điều trị bệnh.

- Chế độ ăn uống của người cao tuổi

Hệ tiêu hoá của người cao tuổi thường gặp nhiều vấn đề, gây khó khăn trong hấp thụ chất dinh dưỡng, cần có chế độ ăn uống phù hợp, khoa học để nâng cao sức khỏe.

Theo đó, cần chia nhỏ các bữa ăn, không ăn quá no, ăn chậm, nhai kỹ thức ăn; ăn giảm chất đường bột; nên ăn nhiều các thức ăn thực vật như vừng, lạc, đậu đỗ, rau xanh, củ quả…; nên ăn các loại cá, tôm, cua…; hạn chế ăn thịt mỡ, nội tạng động vật, các loại đồ muối chua…; ăn món hấp luộc thay vì món rán nướng; chế biến món ăn mềm, thái nhỏ, hầm kỹ; uống đủ nước theo nhu cầu.

- Chế độ sinh hoạt và chăm sóc sức khoẻ đời sống tinh thần cho người cao tuổi

Tuổi già thường khó ngủ, đi tiểu đêm nhiều lần, dễ tỉnh giấc và khó ngủ lại. Rối loạn giấc ngủ khiến sức khoẻ và chất lượng cuộc sống suy giảm đáng kể, dẫn đến suy nhược cơ thể và tinh thần. Vì vậy, nên tập cho họ thói quen đi ngủ và thức giấc vào đúng khung giờ nhất định, không nên kê gối cao khi nằm ngủ, giữ cho không gian ngủ được yên tĩnh, thoáng đãng, ít ánh sáng.

Khuyến khích người cao tuổi thường xuyên vận động, tập thể dục dưỡng sinh, tập yoga, đi bộ… tham gia các hoạt động xã hội nhằm tạo nên sự năng động, khoẻ mạnh. Hiện nay có nhiều các hoạt động, hội nhóm phù hợp với các độ tuổi, mức độ sức khoẻ, trình độ, để người cao tuổi dễ dàng tham gia. Các hoạt động này giúp người cao tuổi cải thiện sức khỏe tinh thần.

Ngoài ra, chúng ta nên dành thời gian thăm hỏi, trò chuyện, chăm sóc sức khoẻ người già vào những thời gian rảnh rỗi. Đó là liều thuốc tốt nhất giúp họ vui vẻ hơn, yêu đời hơn.

Hà Linh