CSB Việt Nam làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc

Thực hiện Nghị quyết của Quân ủy Trung ương về “Tăng cường và đổi mới công tác dân vận quân đội trong tình hình mới”, từ đầu năm 2017, lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam bắt đầu triển khai một số mô hình dân vận là “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân” tại các xã (huyện) đảo xa đất liền. Mô hình nhằm hỗ trợ ngư dân hoạt động nghề cá an toàn, đúng pháp luật và tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo; xây dựng cơ sở chính trị, phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng địa phương các xã (huyện) đảo vững mạnh.

Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho ngư dân và nhân dân trên các xã (huyện) đảo là nội dung quan trọng hàng đầu trong triển khai mô hình.

{keywords}
Bộ tư lệnh Cảnh sát biển Vùng 1 trao cờ Tổ quốc tặng ngư dân tại âu tàu Bạch Long Vĩ.

Nội dung tuyên truyền tập trung vào: Tuyên truyền Công ước Luật Biển năm 1982; Luật Biển Việt Nam năm 2012; Luật Biển các nước trong khu vực có vùng nước giáp ranh với Việt Nam; Luật Thủy sản; Pháp lệnh lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam; Luật phòng chống tội phạm ma túy; Luật môi trường; tuyên truyền cho ngư dân không vi phạm vùng biển nước ngoài để khai thác hải sản; tuyên truyền chính sách của Đảng, Nhà nước để khuyến khích, động viên nhân dân ra biển đánh cá, ổn định sinh sống trên đảo.

Việt Nam có vùng biển hơn 1 triệu km vuông rất nhiều tiềm năng, lại là tuyến vận tải có ý nghĩa. Để có thể mạnh từ biển, giàu nhờ biển chúng ta phải khai thác biển và đặc biệt bảo vệ tổ chức ngư dân khai thác đánh bắt hải sản trên vùng biển. Bởi vài năm trở lại đây, việc đánh bắt tại ngư trường truyền thống Hoàng Sa gặp nhiều khó khăn hơn, bị tàu nước ngoài cướp hàng, phá hỏng ngư cụ, thậm chí bị bắt, có lực lượng Cảnh sát biển tuyên truyền về mốc giới được phép của mình, bà con ngư dân đã có ý thức hơn khi đi khai thác ngoài khơi xa, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Nhiều hoạt động đồng hành với ngư dân tại huyện đảo đã giúp cho bà con an tâm hơn trong hoạt động sản xuất đánh bắt cũng như định cư lâu dài trên hai ngư trường truyền thống Hoàng Sa và Trường Sa

Do vậy, bên cạnh việc tuyên truyền về pháp luật và các thông tin cần thiết, hàng ngày, Cảnh sát biển Việt Nam thường xuyên có tàu, xuồng trực tại các đảo xa bờ và làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, duy trì thực thi pháp luật, bảo vệ an ninh, chủ quyền biển, đảo trên các vùng biển của Tổ quốc nhất là vùng biển giáp ranh, vùng biển chồng lấn hoặc đang có tranh chấp giữa Việt Nam với các nước để hướng dẫn và tuyên truyền cho ngư dân không vi phạm vùng biển nước ngoài đánh bắt hải sản, hạn chế thiệt hại và ảnh hưởng đến công tác đối ngoại của Đảng và Nhà nước.

Hình thức tuyên truyền được tiến hành linh hoạt, đa dạng, sinh động, sát thực, hiệu quả như: tuyên truyền trực tiếp qua hoạt động của đội ngũ báo cáo viên; phát tờ rơi, tờ gấp; băng rôn, khẩu hiệu; cử các các tổ, đội tuyên truyền theo nhiệm vụ; phát loa tuyên truyền trên các tàu thực hiện nhiệm vụ trên biển... Đặc biệt là tổ chức thành công các cuộc thi vẽ tranh và thi tìm hiểu với chủ đề “Em yêu biển đảo quê hương” cho các em học sinh các trung học cơ, trung học phổ thông trên các xã (huyện) đảo, là một trong những nội dung để lại dấu ấn tốt đẹp trong chuỗi hoạt động Mô hình công tác dân vận Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân tại xã (huyện) đảo mà đơn vị đã tổ chức. Thông qua các cuộc thi giúp cho các em học sinh hiểu sâu hơn về chủ quyền biển đảo, về chức năng nhiệm vụ cảnh sát biển Việt Nam từ đó có tác dụng giáo dục sâu sắc cho các em học sinh ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Thông qua tuyên truyền, đã nâng cao tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý thức đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc cho nhân dân và ngư dân; đồng thời xây dựng ý thức trách nhiệm cho ngư dân đấu tranh với các hiện tượng sai trái, tiêu cực trên biển, đảo như: vi phạm qui định về trật tự, an toàn trên biển; buôn bán hàng cấm; trốn lậu thuế; đánh bắt hải sản trái phép trên vùng biển nước ngoài; đánh bắt hải sản có tính chất tận diệt, dùng hóa chất đánh bắt hải sản làm ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản và phá hoại môi trường sinh thái biển; thông qua tuyên truyền giúp cho nhân dân xã (huyện) đảo và ngư dân có nhiều thông tin hữu ích về tình hình biển, đảo.

Qua gần 3 năm, triển khai thực hiện Mô hình công tác Dân vận “Cảnh sát biển đồng hành với Ngư dân”, lực lượng cảnh sát biển Việt Nam đã làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý thức bảo vệ chủ quyền biển, đảo cho ngư dân trên các xã, huyện đảo tiền tiêu của Tổ quốc. Kết quả thực hiện Mô hình công tác Dân vận“Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân” đã góp phần tạo sự đồng thuận cao, sự ủng hộ tích cực của cấp ủy, chính quyền và ngư dân trong đăng ký tàu thuyền, nhân lực và phương tiện dân sự tham gia bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền trên các vùng biển, đảo của Tổ quốc.

Tích cực đổi mới nội dung, hình thức trong triển khai trong giai đoạn tới

Thiếu tướng Doãn Bảo Quyết, Phó chính ủy BTL CSB cho biết: “Xác định đây là mô hình đặc trưng của lực lượng CSB Việt Nam, chương trình đã mang lại kết quả rất đáng ghi nhận. Các hoạt động tuyên truyền, giáo dục cho nhân dân ở các xã, huyện đảo, các huyện ven biển nắm được đường lối, chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước, hiểu rõ hơn về Luật Biển Việt Nam, nâng cao ý thức trách nhiệm trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Cùng với đó, mô hình này cũng góp phần nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới ở các xã, huyện đảo.

{keywords}
Trao quà cho ngư dân có hoàn cảnh khó khăn.

Kể từ khi triển khai tới nay, BTL CSB đã vận động được gần 10 tỷ đồng từ các doanh nghiệp để hỗ trợ ngư dân các xã, huyện đảo khó khăn, xây dựng công trình dân sinh, tổ chức hoạt động văn hóa-văn nghệ, vệ sinh môi trường, hỗ trợ xây dựng cấp ủy, chính quyền địa phương các xã, huyện đảo ngày càng vững mạnh... Những việc làm đó góp phần tăng cường tình đoàn kết gắn bó quân dân, khiến ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển.

Sau hơn hai năm triển khai, mô hình đã được các cơ quan chức năng Trung ương, Bộ Quốc phòng, cấp ủy chính quyền các địa phương và nhân dân đánh giá cao. Từ thành công ban đầu, BTL CSB đã báo cáo Bộ Quốc phòng và nâng từ mô hình lên thành Chương trình “CSB đồng hành với ngư dân”, tăng cường các hoạt động tích cực hiệu quả hơn nữa.

{keywords}
Cảnh sát biển và ngư dân dọn vệ sinh làm sạch biển Gần Giờ.

Tích cực đổi mới nội dung, hình thức trong triển khai Mô hình, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và đặc điểm của Bộ Tư lệnh Vùng. Coi trọng công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật để ngư dân không xâm phạm vùng biển nước ngoài đánh bắt hải sản, chấp hành nghiêm pháp luật Việt Nam và quốc tế. Linh hoạt sử dụng các hình thức tuyên truyền như: thông qua đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, tổ công tác dân vận, kết hợp làm nhiệm vụ trên biển tổ chức cấp phát tờ rơi, tờ gấp, hướng dẫn giúp đỡ ngư dân; ký kết các chương trình phối hợp hoạt động với các ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội của địa phương; tổ chức các cuộc thi vẽ tranh, thi tìm hiểu với chủ đề “Em yêu biển đảo quê hương” tại trường THCS ở các địa phương được triển khai thực hiện Mô hình.   

Phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương. Vận động, tranh thủ sự đồng hành có tính chất lâu dài, mối quan hệ bền chặt của các doanh nghiệp, tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể, cá nhân để làm tốt công tác an sinh xã hội. Tính đến cuối năm 2019, BTL CSB đã ký kết chương trình với 11 tỉnh, thành phố có đường ven biển để triển khai thực hiện. Dự kiến, năm 2020 sẽ tiếp tục đẩy mạnh ký kết với 12 tỉnh, thành phố.

Nguyễn Thị Thu Hằng
Ảnh: Lan Anh