Trong công tác phát triển thị trường, nhất là thị trường ngoài nước, vai trò của các thương vụ Việt Nam tại nước ngoài đã góp phần mang đến nhiều kết quả khả quan cho nền kinh tế, trong đó có xuất nhập khẩu. 

Trong bối cảnh khó khăn của kinh tế và thương mại toàn cầu, xuất nhập khẩu trong thời gian qua của Việt Nam đạt được những kết quả tích cực. 

Cán cân thương mại tiếp tục duy trì xuất siêu trên 1 tỷ USD (cùng kỳ năm trước nhập siêu 3,3 tỷ USD), góp phần làm tích cực cho cán cân thanh toán, ổn định tỉ giá và ổn định các chỉ số kinh tế vĩ mô khác của nền kinh tế.

W-duahau.png
Dưa hấu tươi, sản phẩm được thị trường Trung Quốc ưa chuộng.

Xuất khẩu tăng đều ở các nhóm hàng, trong đó: Nhóm nhiên liệu và khoáng sản tăng cao nhất. Nhóm nông sản, thủy sản và công nghiệp chế biến chế tạo cũng duy trì đà tăng, tập trung ở các mặt hàng Việt Nam có thế mạnh và khai thác tốt các FTA như: Dệt may, da giày, thủy sản… và nhóm các mặt hàng tranh thủ được giá cao để đẩy mạnh xuất khẩu như: Hóa chất, sản phẩm chất dẻo, phân bón...

Các thương vụ đã có những đóng góp tích cực vào việc xây dựng chính sách thương mại để phát triển quan hệ thương mại, công nghiệp giữa Việt Nam với nước sở tại, mở rộng thị trường ngoài nước; tích cực tham gia các hoạt động đàm phán, ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới; cung cấp nhiều thông tin về thị trường cho các bộ, ngành và các doanh nghiệp để hỗ trợ việc tìm đối tác, tổ chức giao thương, giúp các doanh nghiệp tiếp cận, thâm nhập hiệu quả thị trường nước ngoài.

Đặc biệt, các thương vụ còn chủ động phát hiện và tháo gỡ các rào cản thương mại mà các nước áp dụng đối với hàng hóa Việt Nam cũng như giải quyết các tranh chấp thương mại giữa nước ta và nước ngoài, bảo vệ tốt được quyền lợi kinh tế của quốc gia cũng như là chỗ dựa vững chắc cho các doanh nghiệp tại nước ngoài.

Nhiều thương vụ đã chủ trì và phối hợp với các cơ quan trong và ngoài nước tổ chức các diễn đàn doanh nghiệp, hội thảo về thương mại - đầu tư ở Việt Nam, Ngày Việt Nam tại nước ngoài, Ngày mua hàng Việt Nam và tham gia quảng bá cho hàng Việt Nam trên các phương tiện thông tin đại chúng và tại các hệ thống siêu thị của nước sở tại.

Ghi nhận những đóng góp của các thương vụ, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng: Trong bối cảnh các hình thức thương mại đã thay đổi, không chỉ đơn giản là kết nối bán hàng, các cán bộ thương vụ là những đại sứ kinh tế của đất nước ở ngoài nước, là cụm “ăng-ten” để thu phát các thông tin từ chính sách của nước sở tại. 

"Từ các thông tin mà các thương vụ cung cấp sẽ góp phần khuyến nghị chính sách và đề xuất phản ứng chính sách để bảo đảm quyền lợi của đất nước trong quan hệ kinh tế đối với nước ngoài, đặc biệt là chống lại sự đứt gãy của nguồn cung cả về vật liệu hàng hóa trong bối cảnh thế giới đã thay đổi. Như vậy, vai trò của thương vụ cũng phải thay đổi”, Bộ trưởng yêu cầu

Đối với hệ thống thương vụ, văn phòng xúc tiến thương mại ở nước ngoài, Bộ Công Thương yêu cầu tăng cường nắm bắt thông tin, nhu cầu, quy định mới của thị trường sở tại để kịp thời kiến nghị, tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các giải pháp điều hành ngoại thương và phổ biến, hướng dẫn cho hiệp hội, doanh nghiệp khai thác hiệu quả các cơ hội thị trường nước ngoài.

Đổi mới các hoạt động xúc tiến thương mại theo hướng ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số; xây dựng và cập nhật thường xuyên cơ sở dữ liệu về nhu cầu, các đối tác và các quy định liên quan của các thị trường; không chỉ tập trung xúc tiến xuất khẩu mà còn xúc tiến nhập khẩu. Định hướng các hiệp hội ngành hàng, địa phương xây dựng kế hoạch và đẩy mạnh triển khai hoạt động xúc tiến thương mại nhằm khai thác hiệu quả các thị trường tiềm năng, tận dụng các cơ hội từ các FTA mang lại, đa dạng hóa thị trường xuất, nhập khẩu.

Xây dựng và mở rộng mối quan hệ hợp tác quốc tế trong lĩnh vực xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư và chuyển giao công nghệ ngành công thương giữa các đơn vị thuộc Bộ Công Thương với các cơ quan quản lý, tổ chức xúc tiến thương mại, hiệp hội ngành hàng của nước sở tại thông qua vai trò cầu nối của các thương vụ, văn phòng xúc tiến thương mại Việt Nam tại nước ngoài.

Tăng cường cơ chế cảnh báo sớm về các vụ kiện phòng vệ thương mại; hướng dẫn doanh nghiệp cách ứng phó với các vụ kiện.

Tăng cường áp dụng các biện pháp phòng chống gian lận thương mại, gian lận quy tắc xuất xứ để bảo vệ các ngành hàng xuất khẩu trước rủi ro của các vụ kiện "chống lẩn tránh" biện pháp phòng vệ thương mại.

Nhóm PV