- Liên quan đến vụ Trường ĐH Cần Thơ kiện tiến sĩ Vũ Thị Nhuận đòi bồi thường gần 600 triệu tiền chi phí đào tạo do chấm dứt hợp đồng làm việc, chiều 20/6, VietNamNet đã có trao đổi với hiệu trưởng Hà Thanh Toàn.

Thực hiện không đúng cam kết phải bồi hoàn kinh phí

Thưa ông, trước khi tiến sĩ Nhuận đi học, giữa Trường ĐH Cần Thơ và cô ấy đã có những cam kết gì? Có cam kết nào về điều khoản bồi thường chi phí đào tạo hay không? Mức cụ thể ra sao?

- Có chứ. Trước khi đi học tiến sĩ tại Nhật cô Nhuận đã cam kết đi học và trở lại phục vụ lại cho Trường ĐH Cần Thơ.

{keywords}
Trường ĐH Cần Thơ nơi xảy ra vụ việc

Cam kết nêu: nếu không hiện đúng phải bồi thường chi phí đào tạo đi học. Bên cạnh đó, phải có người nhà bảo lãnh để đi học, trong trường hợp này là chồng của cô Nhuận.

Trong cam kết cũng nêu rõ thời gian người đi học về phải làm việc gấp 3 lần thời gian được đào tạo ở nước ngoài. Còn mức bồi thường thì phải bồi thường gấp 3 lần học bổng đã được cấp.

Tại sao nhà trường không chấp thuận đơn đi học sau tiến sĩ của cô Nhuận?

- Cô Nhuận là một viên chức chính thức của trường nên phải thực hiện quyền và nghĩa vụ của một viên chức theo quy định của pháp luật (lúc bấy giờ là Pháp lệnh Cán bộ công chức).

Sau khi cô Nhuận được hưởng mọi quyền lợi của viên chức; được trường cử đi đào tạo, tạo mọi điều kiện để học tập và đạt trình độ tiến sĩ, nhưng khi về nhận nhiệm vụ chưa được bao lâu (chỉ 31 tháng) so với thời gian học thạch sĩ, tiến sĩ (tổng cộng là 64 tháng) thì lại tiếp tục yêu cầu đi nghiên cứu sau tiến sĩ vì mục đích cá nhân, hoàn toàn không xuất phát từ nhu cầu công tác của trường.

Giấy chứng nhận làm việc của Viện Khoa học Y khoa (Đại học Tokyo) mà cô Nhuận gửi kèm theo đơn xin đi nghiên cứu thực chất là một công việc làm công nhận thù lao, hoàn toàn không phải là đào tạo.

Hiệu trưởng đã cân nhắc rất kỹ và cũng đã trình xin ý kiến của Đảng ủy trường và Đảng ủy trường đã có công văn trả lời cho ban giám hiệu: “Do cán bộ có trình độ cao hiện nay còn hạn chế, vì vậy Ban thường vụ thống nhất là chưa cử cán bộ đi làm hợp đồng nghiên cứu dài hạn ở nước ngoài để tập trung nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học, nhất là đào tạo sau đại học”.

Trên cơ sở đó, Hiệu trưởng đã chính thức trả lời việc nhà trường không đồng ý cho cô Nhuận tham gia khóa đào tạo nói trên.

Hai lần xét xử trường đều có đại diện dự

Tiến sĩ Nhuận cho rằng mình được Chính phủ Nhật cấp học bổng đi du học tại Nhật, toàn bộ chi phí do phía Nhật cấp chứ không phải Đại học Cần Thơ cử đi học bằng tiền của nhà trường hay nguồn ngân sách nhà nước mà do bà tự tham gia dự tuyển học bổng MEXT của Nhật thông qua Trường ĐH Kyushu”. Điều này có đúng không?

- Đại học Kyushu nhận kinh phí đó của Chính phủ Nhật, như vậy có nghĩa là Chính phủ Nhật cấp cho Đại học Kyushu để cho những người ở nước ngoài đến Nhật học.

Trường ĐH Cần Thơ viết đơn đề cử cô Nhuận đi học với tư cách là đại diện cho Bộ GD-ĐT Việt Nam để nhận nguồn ngân sách của chính phủ Nhật cho sinh viên Quốc tế.

Tại sao 2 lần tòa xét xử Trường đều vắng mặt?

- Thực chất tất cả 2 lần xét xử thì Trưởng phòng Thanh tra pháp chế của Trường ĐH Cần Thơ đều có mặt để dự với tòa án.

Tiến sĩ Nhuận cho rằng mình đã có những ý kiến góp ý thẳng thắn cho những đề tài luận án thạc sĩ do bộ môn quản lý. Bộ môn và trường không tiếp nhận, ngược lại còn bị trù dập. Có hiện tượng trù dập như tiến sĩ Nhuận phản ánh không?

- Khi bà Nhuận đi học trở về thì do bộ môn quản lý và phân công, không làm việc trực tiếp với lãnh đạo nhà trường, vì vậy có trù dập hay không thì tôi không nắm rõ.

Muốn biết cô Nhuận có bị trù dập hay không thì phải đến gặp trưởng bộ môn, trưởng khoa của cô ấy thời đó.

Đã cho thôi việc 30 trường hợp đi học không về

Hiện nay tại Trường ĐH Cần Thơ, đã có bao nhiêu trường hợp phải bồi hoàn kinh phí đào tạo do không thực hiện đúng cam kết? Có bao nhiêu trường hợp du học từ các chương trình học bổng của nhà nước đã thôi việc?

- Đây là vấn đề vô cùng áp lực cho Trường ĐH Cần Thơ. Vừa qua, chúng tôi đã họp và quyết định kỷ luật cho thôi việc hơn 30 trường hợp đi học và ở luôn bên nước ngoài, hoặc về Việt Nam nhưng không làm việc tại ĐH Cần Thơ mà làm việc tại các công ty…

Khi cho những người này thôi việc đồng nghĩa với việc phải tùy theo học bổng nào mà người đó nhận và bắt buộc phải bồi thường.

Cụ thể như dạng học bổng lấy từ kinh phí 322 và 911 của Chính phủ, hay từ kinh phí của Chính phủ các nước cho sinh viên Việt Nam đi học. Trong đó học bổng từ kinh phí của Chính phủ các nước cho sinh viên Việt Nam đi học bắt bồi thường gặp rất nhiều khó khăn và cô Nhuận thuộc trường hợp này.

{keywords}

PGS.TS. Hà Thanh Toàn - Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ

Hiện nay nếu Trường ĐH Cần Thơ bắt những người là cán bộ của trường đi du học nhưng không thực hiện đúng cam kết ban đầu phải bồi thường là hơn 10 tỷ đồng.

Tuy nhiên, đến nay nhà trường vẫn chưa thu được đồng nào. Chính vì vậy, mỗi lần kiểm toán Nhà nước, thanh tra Nhà nước vào thì nói đây là “công nợ” của trường và đề nghị nhà trường thu hồi số tiền này. Và trường hợp của cô Nhuận là trường hợp đầu tiên nhà trường bắt bồi thường.

Từ các trường hợp như tiến sĩ Nhuận, phía trường có rút ra được bài học hay kinh nghiệm gì?

- Đây là chuyện này đơn giản nhưng thái độ của cô Nhuận có “vấn đề”. Khi nhận được giấy kỷ luật cho thôi việc của nhà trường đối với cô Nhuận thì cô ấy nói là không đúng pháp luật.

Lúc đó, cô Nhuận báo sẽ kiện nhà trường ra tòa vì cho cô ấy nghỉ việc không đúng quy định. Từ đó nhà trường chủ động kiện cô Nhuận để cô ấy biết là lỗi không phải của Trường ĐH Cần Thơ.

Đối với cá nhân tôi, hiện nay cô Nhuận đã đi làm ở Trường ĐH Y Dược Cần Thơ nhưng bên đó không có hợp đồng biên chế với cô ấy. Nếu cô ấy báo cho tôi biết đã được Trường ĐH Y Dược Cần Thơ nhận vào biên chế chính thức thì Trường ĐH Cần thơ không bao giờ kiện ra tòa.

Một người được học từ Ngân sách nhà nước không làm việc ở Trường ĐH Cần Thơ mà làm ở cơ quan Nhà nước khác cũng tốt thôi.

Trường ĐH Cần Thơ mong muốn cô Nhuận nhận ra lỗi của mình và đừng nói đến chuyện này nữa. Trường sẽ rút đơn kiện vì hiện nay chưa minh bạch trong việc kinh phí học bổng đó phải bồi thường hay không.

- Cảm ơn ông!

  • Hoài Thanh (thực hiện)